Nông nghiệp LB Nga: Người khổng lồ thức giấc?

BVR&MT – Nga trong năm nay có thể sẽ vượt Mỹ để trở thành “kỷ lục gia” thế giới về xuất khẩu lúa mì. Bộ Nông nghiệp Nga tin rằng nước này có thể giành lại được vị thế của một nước xuất khẩu ròng các sản phẩm nông nghiệp trong 2 năm tới và lấy lại ngôi vị xuất khẩu lương thực vốn đã bị mất 65 năm trước.

Bộ Nông nghiệp Nga dự kiến nước này sẽ xuất khẩu ròng vào năm 2020 – Ảnh: RIA Novosti

Do nhập khẩu hiện vẫn lớn hơn xuất khẩu nên Tổng thống Nga V.Putin đã đề ra nhiệm vụ trong 4 năm tới nhằm tự túc được các loại thực phẩm cơ bản. Bộ Nông nghiệp Nga dự kiến nước này sẽ xuất khẩu ròng vào năm 2020.

Theo số liệu về vụ mùa do cơ quan thống kê Rosstat công bố, sản lượng ngữ cốc tăng hơn 1 triệu tấn so với cùng kỳ này năm ngoái. Cơ quan này cho biết, trong vụ mùa này (từ tháng 7/2017-tháng 6/2018), Nga thu hoạch được 135,393 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có 85,9 triệu tấn lúa mì.

Tổng thống V.Putin trong thông điệp liên bang cho biết rằng, con số này vượt cả mức cao nhất đạt được dưới thời Liên Xô là 127,4 triệu tấn vào năm 1978.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Alexander Tkachev, tiềm năng xuất khẩu ngũ cốc của Nga trong năm nay có thể đạt 50 triệu tấn. Trước đó, Bộ này dự báo xuất khẩu ngũ cốc đạt mức 45-47 triệu tấn, trong đó có 35 triệu tấn lúa mì.

Cũng theo Bộ này, từ 1/7 năm ngoái đến ngày 21/2/2018, Nga cung cấp 33,548 triệu tấn ngũ cốc cho thị trường nước ngoài, tăng 39,7% so với năm trước. Đồng thời, xuất khẩu lúa mì tăng hơn 40% – 26,25 triệu tấn và kiều mạch là 2,9 triệu tấn.

Khách hàng mua ngũ cốc của Nga là hơn 100 quốc gia trên thế giới, bao gồm Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Saudi Arabia, Indonesia, Azerbaijan, Nigeria…

Xuất khẩu nông sản nhiều hơn vũ khí

Theo Bloomberg, vụ mùa 2017-2018, xuất khẩu lúa mì của Nga tăng 30% so với năm ngoái (36,6 triệu tấn) và nước này sẽ trở thành nhà cung cấp lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Cho đến nay, kỷ lục này thuộc về Mỹ, vào năm 1992-1993, nước này đã xuất 36,8 triệu tấn lúa mì ra thị trường thế giới.

Bộ trưởng Alexander Tkachev nói rằng Nga dự định sẽ tiếp tục trở thành nhà cung cấp lúa mì hàng đầu thế giới.

“Ngay cả khi thu hoạch lúa mỳ giảm thì chúng tôi vẫn giữ vững ngôi đầu”, người đứng đầu ngành nông nghiệp Nga nhấn mạnh và cho biết thêm rằng điều này đạt được nhờ thu hoạch đạt mức kỷ lục trong 2 năm qua.

Nhìn chung, theo Rosstat, sản xuất nông nghiệp năm 2017 tăng 2,4%. Vào tháng Giêng năm nay, tăng trưởng đạt 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê hải quan, xuất khẩu lương thực và nông sản tăng 21,3% và đạt 20,7 tỷ USD, nhiều hơn xuất khẩu vũ khí, Tổng thống Putin cho biết.

Mặc dù đã đạt được những thành công như đã nêu ở trên thì Nga vẫn là nước nhập khẩu thực phẩm. Năm ngoái, nước này đã nhập khẩu 28,8 tỷ USD hàng tiêu dùng và nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm.

Ông Putin trong thông điệp liên bang đã đặt mục tiêu đưa nước này thành nước thuần tuý xuất khẩu lương thực thực phẩm sau 4 năm nữa.

“Trong vòng 4 năm, chúng tôi dự định cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp cho thị trường thế giới hơn là nhập khẩu”, Tổng thống Nga nói. Theo ông, cần tăng mức tự cung tự cấp về thịt bò, sữa và rau.

Để đạt được điều này, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho ngành nông nghiệp, trong đó có các trang trại nhỏ.

Bộ Nông nghiệp Nga tin rằng nước này có thể giành lại được vị thế của một nước xuất khẩu ròng các sản phẩm nông nghiệp trong 2 năm tới và lấy lại được ngôi vị xuất khẩu lương thực vốn đã bị mất 65 năm trước. Và đến năm 2024, theo Bộ trưởng Nông nghiệp Tkachev, “chúng tôi đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là tăng giá trị xuất khẩu lên 50 tỷ USD”.

Để có được kết quả như trên, ngành nông nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ ngân sách liên bang. Năm 2018, con số này là 242 tỷ ruble. Tháng 2 năm nay, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hứa sẽ tiếp tục duy trì tất cả các biện pháp hỗ trợ cho ngành, bao gồm cả các khoản tín dụng ưu đãi.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng không nên quá lạc quan, bởi vẫn còn rất nhiều vấn đề. Việc sản lượng xuất khẩu của Nga và một số nước tăng dẫn đến sự sụt giảm giá ngũ cốc. Chính Tổng thống Putin cũng đã thừa nhận mặt trái của thành công này.

Theo FAO, chỉ số giá lương thực thế giới tháng 2 năm nay thấp hơn 2,7% so với năm ngoái , trong đó chỉ số giá ngũ cốc giảm 6,8%.

Để hỗ trợ các nhà sản xuất trong điều kiện giá sụt giảm, việc vận chuyển ngữ cốc từ một số địa phương vùng sâu vùng xa được hỗ trợ giảm giá đối với cước phí vận tải đường sắt. Trong buổi làm việc với các phó thủ tướng mới đây, Thủ tướng Medvedev đã thông báo năm 2017, Chính phủ đã trợ giá cho ngành đường sắt 1 tỷ ruble cho mục đích này và trong năm 2018 con số này sẽ là 2 tỷ ruble.

Ngoài sự sụt giảm giá bán ngũ cốc thì việc thiếu các cơ sở kho tàng hiện đại để lưu trữ ngũ cốc tại Nga cũng là một vấn đề không hề nhỏ. Khoảng 50% số kho tàng đang sử dụng là những cơ sở từ thời Liên Xô. Nếu vẫn tiếp tục duy trì tình trạng này thì giá xuất khẩu ngũ cốc sẽ còn giảm tiếp.

Theo các chuyên gia thì phải có những đầu tư đáng kể cho công tác này cũng như các cơ sở sản xuất nông nghiệp phải quen dần với đời sống thị trường để đến năm 2025 đạt được sản lượng 150 triệu tấn ngũ cốc và 50 triệu tấn xuất khẩu như Chính phủ đang kỳ vọng.