Nông dân Yên Mô: Làm giàu từ chưng cất tinh dầu

BVR&MT – Những năm gần đây, sản phẩm tinh dầu từ cây dược liệu ngày càng được thị trường tiêu thụ ưa chuộng, diện tích trồng cây dược liệu ngày càng tăng cao. Việc trồng và chiết xuất tinh dầu từ cây dược liệu cho hiệu quả cao so với trồng lúa, ngô, mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới, tăng thu nhập cho nông dân địa phương.

Chị Mai kiểm tra chất lượng cây hương nhu chuẩn bị thu hoạch để chưng cất tinh dầu.

Hộ gia đình chị Phạm Thị Mai, thôn Tiền Thôn, xã Yên Thái, huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) là một trong các hộ trồng cây dược liệu và sản xuất tinh dầu tiêu biểu với doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo chân chị Mai đi thăm khu trồng cây dược liệu của gia đình, chúng tôi được chị chia sẻ, nơi đây trước kia bà con chỉ trồng cây ngô, lúa cho thu nhập thấp. Năm 2018, trong một lần được tham gia lớp tập huấn, tìm hiểu về mô hình trồng cây dược liệu để chưng cất tinh dầu ở tỉnh Vĩnh Phúc, chị nhận thấy mô hình này phù hợp với thổ nhưỡng và có thể phát triển tại địa phương.

Theo đó, chị tận dụng diện tích đất của bà con nông dân không sản xuất, đứng ra thuê lại, đưa vào trồng một số cây dược liệu để chưng cất tinh dầu như: hương nhu, bạc hà, mùi, ngải cứu…Sau gần một năm học chưng cất tinh dầu và thử nghiệm sản xuất, chị đã mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng xây nhà xưởng gần 1.500 m2, mua sắm máy móc, thiết bị dây chuyền chưng cất tinh dầu. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở có thể sử dụng gần 4 tấn nguyên liệu, sản xuất ra khoảng 30 lít tinh dầu/ngày. Các sản phẩm tinh dầu của cơ sở làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, đa phần làm không đủ đơn đặt hàng vì nguồn nguyên liệu còn ít.

Để có thêm nguồn nguyên liệu, gia đình chị đã vận động người dân trong thôn, xã và cả các xã lân cận liên kết sản xuất, khuyến khích bà con trồng, cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm.

Với giá thu mua là 1.500 đồng /kg lá bạch đàn chanh; 4.000 đồng/kg cây bạc hà, cây mùi… Nhờ đó, nhiều người dân có thêm thu nhập, góp phần phát triển nghề trồng cây dược liệu trên địa bàn. Đến nay, đã có 8 hộ trong và ngoài xã liên kết với gia đình chị Mai trồng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 8 ha trồng các cây dược liệu: cây bạc hà, hương nhu, cây mùi…để chưng cất, chiết xuất tinh dầu.

Các công đoạn chưng cất tinh dầu gồm: đưa nguyên liệu vào nồi hơi, đổ nước ngập, đốt lò củi trong 2 – 3 tiếng để hơi nước bốc lên. Thông qua hệ thống ống lọc, hơi bay lên ngưng tụ. Hỗn hợp tinh dầu và nước thu được cho vào thiết bị phân ly. Sau phân ly thu được tinh dầu thô và nước chưng. Tinh dầu thô được xử lý để được tinh dầu thành phẩm.

Ngoài bán ra thị trường các lọ tinh dầu thành phẩm 5ml, 10ml, gia đình chị còn cung cấp tinh dầu thô cho các công ty lớn như: công ty Cổ phần Tinh dầu thiên nhiên Hà Nội, công ty Cổ phần tinh dầu Bạch đàn chanh Việt Nam, công ty Cổ phần dược phẩm Sao Thái Dương…

Với giá bán tinh dầu là 7,5 triệu đồng/kg tinh dầu ngải cứu, 800.000 đồng/kg tinh dầu bạc hà, 1,4 triệu đồng/kg tinh dầu hương nhu… Năm 2020, xưởng sản xuất tinh dầu của gia đình cho sản lượng hơn 500 kg tinh dầu các loại, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí còn hơn 600 triệu đồng.

Chị Mai chia sẻ: Các cây dược liệu như hương nhu, bạc hà,… dễ trồng, chi phí sản xuất thấp, ít tốn công chăm sóc, hiệu quả lại cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô, các cây rau màu khác. Các cây dược liệu gia đình trồng dùng để chưng cất tinh dầu đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ nên rất an toàn. Sản phẩm tinh dầu dùng để chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh và làm đẹp với thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Năm nay, gia đình chị trồng thêm 2 ha cây bạch đàn chanh, mỗi 1 ha trồng từ 8.000 -10.000 cây, hiện cây đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến đến tháng 10 cho thu hoạch và đưa vào sản xuất tinh dầu. Năng suất bình quân ước đạt 70 – 90 tấn/ha. Giống cây bạch đàn chanh được chị Mai nhập từ Úc về ươm tại vườn ươm ở huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, sau khi cây giống đạt yêu cầu, chị cho chuyển về địa phương trồng.

Hiện xưởng sản xuất của chị tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên tại địa phương, với mức thu nhập từ 3-3,6 triệu đồng/người/tháng.

Để nâng cao chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế, chị Mai dự kiến thời gian tới sẽ đầu tư thêm hệ thống lò hơi, đun, nấu tự động; mở rộng quy mô nhà xưởng và xây dựng chuỗi sản xuất khép kín nhằm giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, tìm kiếm và xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định để chủ động cho sản xuất.