Nông dân vùng lũ mở đồng đón dòng phù sa

BVR&MT – Sau nhiều năm Đồng bằng sông Cửu Long không có lũ lớn, năm nay lũ lớn và về sớm mang theo phù sa, tôm, cá… Nông dân các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp… đã tận dụng cơ hội này mở đê bao để lũ tràn đồng, “đón” phù sa.

Chủ động xả lũ 

Nằm trong vùng rốn lũ Tứ giác Long Xuyên của tỉnh An Giang, các huyện Tri Tôn, Châu Phú, thị xã Tân Châu được cảnh báo ngập sâu. Nhiều nơi nông dân chủ động ngưng sản xuất vụ 3 (vụ Thu Đông), mở đê bao để nước tràn đồng, vừa tạo không gian cho lũ, giảm áp lực vùng hạ lưu, vừa để lấy phù sa, cải tạo đất.

Ông Nguyễn Văn Thảo, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) có 12 ha đất trồng lúa. Những năm trước lũ thấp, gia đình làm lúa vụ 3 (Thu Đông) nhưng do không có lũ, thiếu phù sa nên đất bị thoái hóa dẫn đến năng suất không cao, nhiều sâu bệnh và dịch hại. Năm nay, khi vừa hoàn thành thu hoạch lúa Hè Thu, nhìn con nước đục ngầu phù sa mấp mé “nhảy bờ”, ông Thảo phấn khởi quyết định mở đê bao, cho nước lũ tràn vào ruộng.

Theo ông Thảo, việc xả lũ vào đồng ruộng rất tốt, nước lớn ngập đồng sẽ diệt các loài chuột, côn trùng gây hại cho cây lúa trú ẩn trong đất, tẩy trôi chất độc tồn đọng trong các vụ trước đồng thời tạo sự bồi lắng thêm phù sa làm đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng hơn. Theo đó, vụ mùa sau, nông dân canh tác thuận lợi, tốn ít chi phí và trúng mùa.

Người dân vùng đầu nguồn huyện An Phú (An Giang) đánh bắt cá vào mùa nước nổi.

Những ngày cuối tháng 8 này, ngược tuyến kênh Bảy Xã về ấp Phú Quí, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) vùng đầu nguồn sông Tiền, nơi dòng Mekong cuồn cuộn phù sa đổ vào Việt Nam. Trên cánh đồng giáp ranh giữa xã Phú Lộc và xã Vĩnh Xương (huyện Tân Châu), bà con vừa hoàn thành thu hoạch lúa Hè Thu khoảng 20 ngày nay, con nước ngập đồng sâu hơn 1m; bờ bắc con kênh Bảy Xã là cánh đồng bao la đang chìm trong con nước bạc.

Theo ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, mực nước đo được trên sông Tiền tại Tân Châu ngày 27/8 cao 3,2 m, dự báo đỉnh lũ cao nhất tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức báo động 2 – báo động 3, xuất hiện trong nửa đầu tháng 10 tại Tân Châu, cao 4 – 4,5 m.

Móc mớ đất sềnh sệch, đỏ au từ thửa ruộng đang chìm trong con nước bạc, ông Trần Văn Hòa, ấp Phú Quý, xã Phú Lộc (thị xã Tân Châu) giải thích: “Phù sa đấy, với dân thành phố là đất sình lầy nhưng với người nông dân là phù sa, kết tinh của đất trời ban tặng cho ruộng đồng thêm màu mỡ. Thị xã Tân Châu hiện có hơn 3.000 ha đất đang mở đồng đón phù sa”.

Theo ông Hòa, phù sa tràn vào sẽ giúp làm sạch cỏ dại, nông dân không tốn tiền mua thuốc xịt cỏ cho vụ sau; trong khi đó, xịt cỏ khiến đất bạc màu nên phải mua thêm phân bón để đất có dinh dưỡng, tốn kém từ 200.000 – 300.000 đồng/công (1.000 m2)/vụ. Đặc biệt, phù sa về giúp tăng năng suất lúa, lợi nhuận và giảm chi phí.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang,cho biết theo kế hoạch, năm 2017, địa phương có 26 tiểu vùng với diện tích 21.190 ha thực hiện không sản xuất lúa vụ 3 (lúa Thu Đông) để tránh nguy cơ bị thiệt hại. Đồng thời, chủ động xã lũ tràn đồng, lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng sau thời gian dài không có lũ lớn.

Tận dụng lợi thế 

Ông Nguyễn Văn Tuân, xã Vĩnh Hội Đồng, huyện An Phú (An Giang) đang chèo ghe kiểm tra các dớn cá, vui vẻ cho biết, từ hôm có lũ, ông đã đặt 20 cái dớn trên cánh đồng rộng 4 ha của gia đình để bắt cá, tôm. Giờ đây, mỗi ngày thu hoạch lai rai được vài chục kg cá đồng, bán cho thương lái được từ 300.000 – 400.000 đồng/ngày.

Người dân xã Vĩnh Hội Đông (An Phú, An Giang) đặt dớn để bắt cá, kiếm thêm thu nhập cho gia đình trong mùa nước nổi.

“Năm nào lũ lớn là cá nhiều, năm 2014 lũ nhỏ vào đồng nhưng tôi vẫn thu được hàng chục triệu đồng từ đánh bắt cá đồng”, ông Tuân nói.

Ông Phạm Thành Tâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú cho biết, phần lớn cư dân vùng lũ của huyện An Phú đều có nghề phụ vào mùa nước nổi đó là nghề giăng lưới, thả câu, dặt dớn… bắt cá. Song song đó, nông dân có thêm thu nhập trong thời gian nước tràn đồng không canh tác được. Ngành nông nghiệp huyện An Phú triển khai nhiều mô hình sinh kế gắn với mùa lũ như mô hình nuôi lươn không bùn, mô hình nuôi rắn, trồng rau nhút… giúp nông dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, khẳng định phù sa đóng vai trò quan trọng đối với canh tác lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. Việc ngưng sản xuất vụ 3 (Thu Đông) tiến hành xả lũ, đưa phù sa vào đồng ruộng, nhằm giúp đất “phục hồi sức khỏe” tạo điều kiện để đất nghỉ ngơi. Việc đồng ruộng trữ nước vừa tạo phù sa, đồng thời giúp quá trình vận hành điều tiết lũ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giảm áp lực nước, bảo vệ sản xuất cho vùng hạ lưu.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, việc xả lũ, cho nước tràn đồng còn giúp nông dân tiêu diệt các loại dịch bệnh, sâu bọ… trả lại trạng thái sản xuất “sạch”, giúp cân bằng lịch thời vụ, canh tác thuận lợi hơn.