Nông dân vùng cao Nghệ An tăng thu nhập đáng kể từ cây sắn

BVR&MT – Những ngày này, bà con nông dân xã Tam Thái (Tương Dương – Nghệ An) đang hối hả thu hoạch sắn cao sản vụ đầu tiên. Do thời tiết thuận lợi, năm nay nông dân vùng cao của Nghệ An tăng thu nhập đáng kể.

Tại các rẫy sắn bản Khổi, xã Tam Thái (Tương Dương), bà con có mặt từ sáng sớm thu hoạch cho chuyến xe của nhà máy đến thu gom. Năm 2017 xã có chủ trương trồng thử nghiệm loại sắn này, có 13 hộ tham gia. Không chỉ có củ mà cây sắn cũng được thu mua để làm giống, mỗi bó cây sắn 15-20 cây dài khoảng 1,2m được bán với giá 6-8 ngàn đồng.

Vụ sắn năm nay được mùa, năng suất cao.

Theo đánh giá của nông dân, cây sắn không chỉ tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích mà còn hạn chế hiện tượng xói mòn đất, góp phần đảm bảo canh tác sắn bền vững.

Năm nay, giá thu mua sắn củ tăng lên so với trước đây đã giúp cho nhiều hộ nông dân tăng thu nhập từ cây sắn. Bên cạnh đó, do thuận tiện đường giao thông nên số diện tích trồng sắn của người nông dân xã Tam Thái khá thuận lợi trong khâu vận chuyển thu mua sắn củ.

Sắn cao sản là cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác và đất đai, khí hậu của địa phương, hơn nữa bà con nông dân đã có truyền thống trồng cây sắn phục vụ nhu cầu chăn nuôi nên trong quá trình trồng cây sắn nguyên liệu cũng tương đối thuận lợi.

Nông dân hối hả thu hoạch sắn để vận chuyển đến nhà máy. 

Ngoài ra, cây sắn thích nghi với các loại đất canh tác, kể cả đất trống đồi trọc, đất bạc màu, đất dốc, nếu vận dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, trồng cây sắn không tốn kinh phí trong khâu đầu tư giống, vì bà con nông dân có thể tự chọn cây giống từ vườn sắn của mình cho vụ sau.

Tại địa bàn xã Tam Thái (Tương Dương), trong quá trình sản xuất, bà con nông dân cũng đã nâng cao ý thức hơn về sản xuất hàng hóa, liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, biết cách đổi công nhau để giảm chi phí trong khâu thu hoạch nông sản.

Ông Vi Viết Kiều – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thái (Tương Dương) cho biết “Những năm qua, ngoài chú trọng phát triển cây lúa nước, xã còn chuyển đổi một số cây trồng không có hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây sắn. Năm 2017 có 13 hộ đăng ký trồng thử nghiệm, bước đầu thấy hiệu quả nên hiện nay có khá nhiều hộ đăng ký trồng vụ năm 2018”. Trong ảnh xe của Nhà máy tinh bột sắn đến tận nơi để thu mua.

Đình Nguyên