BVR&MT – Trong đại dịch, nông dân Đông Nam Á phải đương đầu với áp lực ngày càng tăng tăng để nuôi sống khu vực nhưng trong bối cảnh hạn hán và biến đổi khí hậu diễn ra chưa từng thấy, họ phải còn đối mặt với các tác động từ khai thác cát.
“Mảnh đất này vốn là của tôi nhưng dần bị sạt từ phía bờ sông vào và sau một thời gian, nó sụp xuống hoàn toàn”, Than Zaw Oo, nông dân sống gần sông Salween ở phía đông nam bang Mon thuộc Myanmar chia sẻ. Anh mất 3/4 diện tích đất vì sạt lở và hiện đang nợ vài nghìn đô la tiền đắp bờ để giữ ruộng đất.
Khi COVID-19 làm rung chuyển các nền kinh tế và lệnh phong tỏa khiến nhiều người không có thu nhập, đại dịch làm dấy lên câu hỏi về an ninh nguồn cung lương thực. Nông nghiệp ở Đông Nam Á cho đến nay vẫn ổn định mặc dù nông dân phải chật vật đương đầu với những thách thức từ hạn hán và biến đổi khí hậu trước khi đại dịch xảy ra.
Nhưng nông dân hiện còn phải hứng chịu tác động từ khai thác cát, một ngành đang phát triển do nhu cầu về bê tông và kính cho các thành phố và các dự án cơ sở hạ tầng.
Dọc theo các con sông và ngoài khơi khắp Đông Nam Á, các công ty khai thác sử dụng máy nạo vét để lấy cát, đổ lên xà lan chở tới những siêu đô thị như Bangkok và Jakarta hoặc xa hơn. Nước nhập khẩu cát lớn nhất thế giới là Singapore để phục vụ các dự án lấn biển. Nguồn lớn nhất cho khai thác cát trong khu vực là Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Việt Nam.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nhu cầu cát toàn cầu tăng gấp ba lần trong 20 năm qua lên khoảng 50 tỷ tấn mỗi năm, nhiều hơn bất kỳ tài nguyên thiên nhiên nào khác. Khai thác cát gây ra ô nhiễm, lũ lụt, sụt mực nước ngầm và hạn hán.
Tác động từ khai thác cát khiến hệ thống lương thực của Đông Nam Á kém bền vững hơn và khiến nông dân trong khu vực dễ bị tổn thương hơn trước tác động của cả biến đổi khí hậu và các cú sốc như đại dịch COVID-19.
Khi cát bị lấy khỏi lòng sông sẽ làm thay đổi hệ thống thủy văn của dòng sông và gây tổn hại tới hệ sinh thái. Khai thác cát phá hủy sinh cảnh của cá và lấy đi dưỡng chất cần thiết cho động vật cũng như nông nghiệp. Khai thác lòng sông cũng gây sạt lở ở cả các con sông bịnạo vét hoặc ở bờ biển – nơi được bồi đắp từ trầm tích các con sông. Ở các vùng đồng bằng châu thổ, tác động từ nạo vét khiến canh tác bị xâm nhập mặn đe dọa.
Mất đất vì sạt lở
Xói mòn do khai thác cát đang lấy đi đất đai của nông dân như Than Zaw Oo và có thể gây nguy hiểm cho nguồn cung lương thực của Myanmar. Cư dân sống dọc theo sông Salween và ở vùng sông Irrawaddy – vựa lương thực của Myanmar – than thở rằng sạt lở diễn ra nhanh hơn hẳn kể từ khi hoạt động khai thác cát diễn ra.
Marc Goichot, chuyên gia thuộc WWF nói rằng đồng bằng sông Irrawaddy đã bị bào mòn do hệ thống sông lấy trầm tích. Năm 2008, vùng đồng bằng này bị cơn bão Nargis phá hủy, khiến ít nhất 138.000 người thiệt mạng. Goichot cho rằng nếu hện nay vùng đồng bằng này bị ảnh hưởng bởi một cơn bão tương tự, tác động sẽ lớn hơn nhiều. Khi biến đổi khí hậu khiến các cơn bão xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn trong khu vực, nguy cơ đối với các vùng đồng bằng suy kiệt như Irrawaddy tăng lên.
Hiện tượng bùng nổ khai thác cát hiện nay ở Myanmar một phần vì Philippines, Malaysia, Campuchia và Việt Nam đã hạn chế hoặc cấm xuất khẩu cát sang Singapore, khiến nhu cầu từ Myanmar tăng nhanh.
Xâm nhập mặn tăng vì khai thác cát
Tác động từ khai thác cát cũng khiến các đồng bằng châu thổ quan trọng trong khu vực dễ bị tổn thương trước xâm nhập mặn do nước biển dâng, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng nông nghiệp có năng suất cao nhất Đông Nam Á và rất quan trọng đối với hệ thống lương thực khu vực và toàn cầu. Là nơi cư trú của hơn 20 triệu người, đồng bằng sông Cửu Long sản xuất ra gần 1/5 lượng gạo thế giới.
Nhưng khi khai thác cát làm các lòng sông ở đồng bằng sâu hơn sẽ khiến xâm nhập mặn ngày càng vào sâu hệ thống sông trong mùa khô hàng năm. Lòng sông sâu hơn và dòng chảy ít hơn cũng có nghĩa là nước mặn ở lại đồng bằng lâu hơn, xóa sổ mùa màng. Xâm nhập mặn là mối đe dọa lớn đối với nông nghiệp ở đồng bằng: năm nay, nó đã phá hủy mùa màng khi lấn sâu tới 110 km vào đất liền.
Vấn đề trở nên trầm trọng hơn do hạn hán và mực nước thấp kỷ lục trên sông Mê Kông và hồ Tonle Sap ở Campuchia – thường là nguồn cung cấp khoảng 1/3 nước cho châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Nếu không có dòng chảy bổ sung, nước mặn dự kiến lấn thêm 30-40% trong mùa khô năm nay.
Đồng bằng sông Cửu Long cũng dễ bị thay đổi thủy văn hơn so với suy nghĩ trước đây, một nghiên cứu năm 2019 của Đại học Utrecht ở Hà Lan cho thấy độ cao của đồng bằng chỉ là 0,8 mét so với mực nước biển, thấp hơn 2 mét so với các cách đo trước đó.
Theo WWF và Ủy hội sông Mê Kông, người ta khai thác hơn 55 triệu tấn cát từ sông Mê Kông mỗi năm, gần như gấp đôi lượng tự nhiên dòng sông mang theo. Nhưng lượng phù sa tự nhiên cũng giảm nhanh khi các đập thủy điện mọc lên: một nghiên cứu của UNEP và Viện Môi trường Stockholm năm 2017 cho thấy nếu các chính phủ khu vực Mê Kông tiếp tục xây dựng 11 đập được trên dòng chính sông Mê Kông, 94 % trầm tích của dòng sông đến đồng bằng sẽ bị chặn lại.
Lòng sông ở nhiều vùng hạ d sông Mê Kông đang sâu thêm 20-30 cm mỗi năm. Do khai thác cát và tác động của các con đập, đồng bằng sông Cửu Long có thể mất phần lớn trầm tích bảo vệ châu thổ trước nước mặn.
Khai thác lậu ngay cả trong dịch COVID-19
Indonesia, Campuchia, Malaysia và Việt Nam đều đã thông qua các lệnh cấm hoặc chế tài về khai thác cát, một số chính sách nhắm cụ thể vào việc buôn bán cát với Singapore. Nhưng phần lớn ngành khai thác cát là bất hợp pháp: từ 2007 đến 2016, chính Campuchia phủ chỉ ghi nhận được có 3,5% cát xuất khẩu sang Singapore.
Tại Việt Nam, tỷ lệ khai thác cát lậu tăng đáng kể trong thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19. Người dân huyện Ba Vì ở Hà Nội thông tin về số lượng xà lan khai thác cát trên vực sông Hồng tăng mạn. Người dân Bình Phước cũng thông tin tương tự qua việc các xe tải ra vào cộng đồng mỗi ngày.
Chính quyền Việt Nam đã cố gắng dẹp bỏ hoạt động khai thác lậu và đã bắt một số trường hợp vi phạm nhưng tình hình vẫn thế. Kế hoạch tới đây của chính phủ là tăng tiền phạt khai thác lậu và có thể sửa đổi luật để coi khai thác cát lậu là tội phạm.
Nhưng trong một nền kinh tế mong manh, khai thác cát mang lại tiền tươi thóc thật. Một lô cát có thể mang lại 700-1000 đô la Mỹ, trong khi thu nhập trung bình của người Việt là 269 đô la mỗi tháng. Giá cát cũng tăng nhanh tại Việt Nam, hiện gấp 4 lần năm 2017. Với những tác động kinh tế của đại dịch, các chính phủ sẽ phải hỗ trợ các công ty khai thác cát chuyển đổi nghề.
Từ sạt lở đến xâm nhập mặn, nạo vét lòng sông mang lại những rủi ro mới khiến nông dân trong khu vực dễ bị tổn thương hơn, nhất là trong bối cảnh hiện tại khi nhiều người lo lắng về sự ổn định của nguồn cung lương thực. Khai thác cát đang khiến nông nghiệp Đông Nam Á lâm nguy và nếu không có các chế tài cẩn trọng, thực thi mạnh mẽ và các bước để giảm nhu cầu, nông dân ở nhiều nơi sẽ phải chật vật xoay sở để nuôi sống cả khu vực.
Nhật Anh (Theo Asean Today)