Nông dân các địa phương xuống đồng sản xuất đầu Xuân

BVR&MT – Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngay đầu xuân mới Mậu Tuất, nông dân các địa phương cả nước xuống đồng gieo cấy lúa đông xuân. Tại TP Hà Nội, đến nay đã gieo cấy lúa đạt hơn 30% kế hoạch. Một số địa phương có diện tích cấy lúa xuân đạt cao như: Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Ðức, Phúc Thọ…

Nông dân huyện Duy Tiên (Hà Nam) làm đất gieo cấy vụ đông xuân. Ảnh: THANH HÀ

Ngành nông nghiệp thành phố khuyến cáo người dân ngoài việc đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, bảo đảm đúng khung thời vụ cần thường xuyên thăm đồng ruộng để theo dõi, chăm sóc lúa xuân, kịp thời xử lý những phát sinh gây hại lúa mới cấy.

Ngày 19/2 (mồng 4 Tết) tại huyện Duy Tiên (Hà Nam) bà con nông dân tranh thủ xuống đồng làm đất, gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân. Năm nay do nước đổ ải về sớm, thuận lợi cho việc làm đất gieo cấy lúa. Ðến nay, toàn tỉnh Hà Nam đã cấy xong 50% diện tích, số còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 2.

Sáng 19/2, cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đã về các huyện Nam Ðàn, Hưng Nguyên kiểm tra, chỉ đạo sản xuất vụ xuân năm 2018. Theo kế hoạch, vụ xuân này toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 90.000 ha, năng suất bình quân đạt 65,57 tạ/ha, sản lượng hơn 590.000 tấn. Ngành nông nghiệp đề nghị nông dân tuân thủ nghiêm các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất để bảo đảm gieo cấy vụ xuân đạt kết quả cao.

Sau Tết Nguyên đán, bà con nông dân huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) tập trung ra đồng chăm sóc 5.275 ha lúa, trong đó có 664 ha sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn ở các xã Phước Hậu, Phước Thái, Phước Thuận và thị trấn Phước Dân. Ðồng thời, tranh thủ thu hoạch các loại rau màu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sau Tết.

Năm nay, tỉnh Bến Tre phấn đấu gieo cấy khoảng 38.000 ha lúa, sản lượng 174.700 tấn. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân chủ động trồng cây chịu hạn, trồng xen canh, điều chỉnh lại sản xuất; quản lý tưới nước, áp dụng kỹ thuật tưới, thời gian tưới phù hợp cho cây trồng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (Ðà Nẵng), như thường lệ, bắt đầu từ ngày mồng 4 Tết, các ngư dân bắt đầu cho tàu ra khơi chuyến đầu năm. Cao điểm nhất là sau mồng 10 tháng Giêng âm lịch. Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều tàu cá của ngư dân miền trung đi đánh bắt xuyên Tết sẽ cập cảng để bán hải sản. Ðây là thời điểm mà các ngư dân đánh bắt trúng đậm vì giá hải sản đầu năm cao.

Ngày đầu xuân Mậu Tuất 2018, ngư dân hai xã vùng biển Quảng Công, Quảng Ngạn, huyện Quảng Ðiền (Thừa Thiên – Huế) đã ra khơi sản xuất đầu năm. Riêng tại xã Quảng Công có 50 ghe thuyền tham gia đánh bắt nguồn lợi thủy sản trên biển. Sau một chuyến ra khơi mỗi ghe thuyền đánh bắt được trung bình hơn 2,3 tạ cá khoai. Hiện giá thu mua tại bãi các xã ven biển này đang dao động ở mức 100 đến 130 nghìn đồng/kg cá khoai. Ðược mùa, được giá, ngư dân Quảng Ðiền đang tổ chức tăng chuyến ra khơi.

Những ngày qua, ngư dân TP Quy Nhơn (Bình Ðịnh) bắt đầu xuất hành đi biển đầu năm, đánh bắt mực ống gần bờ. Với giá bán mực ống tại bến dao động từ 4 đến 5 triệu đồng/10 kg, ước tính mỗi chuyến ra khơi đem lại cho các ngư dân khoản thu nhập từ 15 đến 25 triệu đồng.

Tỉnh Ðác Lắc hiện có hơn 526.354 ha rừng, trong đó có gần 54.771 ha rừng trồng, diện tích còn lại là rừng tự nhiên (với gần 300.000 ha rừng dễ cháy). Ngoài việc củng cố hơn 700 tổ đội, quần chúng bảo vệ rừng, ngành nông nghiệp tỉnh Ðác Lắc đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng chuẩn bị đầy đủ phương tiện, máy móc, công cụ, nhân lực để phòng, chống cháy rừng.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, từ đêm hôm nay (20/2), không khí lạnh sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến nước ta, nhiệt độ hạ dần kèm theo mưa nhỏ. Dự báo từ ngày 21/2 (mồng 6 Tết), trời sẽ chuyển rét đậm, nhiệt độ ban ngày tại Thủ đô Hà Nội xuống còn 16°C, đêm rét 13°C. Các tỉnh phía Tây Bắc Bộ chuyển rét từ ngày 22/2. Tuy nhiên, đợt rét này sẽ chỉ kéo dài hai đến ba ngày, sau đó trời ấm nhanh trở lại.