Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở xã khó khăn, biên giới

BVR&MT – Với địa bàn rộng, dân cư phân tán, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, tỷ lệ hộ nghèo cao…, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã khó khăn, biên giới của tỉnh Cao Bằng gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, góp “sức người, sức của” của nhân dân, công tác xây dựng NTM đạt được nhiều kết quả tích cực. Ðiều này góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi.

Ðoàn viên thanh niên và nhân dân xóm Cốc Lùng, xã Ðức Long, huyện Hòa An (Cao Bằng) làm đường trên vùng sản xuất.

Theo Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Cao Bằng, trong tổng số 139 xã xây dựng NTM, ngoài 11 địa phương đã đạt chuẩn, có chín xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; có 45 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; đáng chú ý, còn tới 74 xã mới đạt từ năm đến chín tiêu chí/xã, chiếm tới 53% tổng số đơn vị đang xây dựng NTM.

Xây dựng NTM ở các địa phương miền núi đã khó, ở các xã biên giới lại càng khó khăn. Nguyên nhân do diện tích các xã ở miền núi rộng, dân cư phân bố rải rác, do đó, khó khăn trong đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, thủy lợi. Ðịa hình đồi núi, độ dốc lớn, thiếu quỹ đất để xây dựng, mở rộng các trường học đạt chuẩn. Do cách xa các thị trường lớn, hạn chế trong bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nên sản xuất hàng hóa chưa phát triển, thu nhập người dân hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng đóng góp của người dân có hạn. Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Vương Quang Thiên chia sẻ, để thực hiện xây dựng NTM, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, huyện phải phát huy nội lực trong nhân dân. Tuy nhiên, với điều kiện của một huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng, diện tích lớn, dân cư ở không tập trung, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn thiếu thì việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM theo kế hoạch là điều thật sự khó khăn.

Với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, tỉnh Cao Bằng đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực đóng góp, tham gia xây dựng NTM. Ðồng thời tỉnh lồng ghép, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, Cao Bằng đã huy động hơn 15 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động từ nhân dân 255 tỷ đồng; huy động doanh nghiệp 116 tỷ đồng xây dựng NTM. Nguồn vốn đầu tư đã phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy giao thương hàng hóa, thuận tiện cho người dân đi lại, tạo tiền đề thúc đẩy vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn phát triển. Ðồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, điện sản xuất, sinh hoạt, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, đổi thay diện mạo nông thôn.

Là chủ thể trong xây dựng NTM và trực tiếp thụ hưởng thành quả của chương trình này, người dân đã tích cực góp sức người, sức của xây dựng các công trình hạ tầng. Ðến thời điểm này, người dân đã hiến hơn 900.000 m2 đất, hơn 800.000 ngày công lao động xây dựng các công trình. Trong đó, nhiều cá nhân hiến hàng nghìn mét vuông đất làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, sân vận động. Ông Hoàng Thanh Tâm, ở xóm Nà Giới, xã biên giới Ðức Long, huyện Thạch An chia sẻ, năm 2011, gia đình ông đã hiến 1.450 m2 đất mở đường nội đồng; đến năm 2017, tiếp tục hiến thêm 4.100 m2 đất xây dựng sân vận động của xã. Ông và gia đình rất tự hào vì đã góp phần hoàn thành các tiêu chí, đưa xã “cán đích” NTM.

Trong bối cảnh mục tiêu đặt ra của chương trình rất lớn, nguồn lực đầu tư có hạn, tỉnh Cao Bằng linh hoạt giao 70 sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực các địa phương xây dựng NTM, chú trọng xã thuận lợi đang tập trung về đích NTM và xã ở địa bàn khó khăn, biên giới. Ðến nay, các đơn vị huy động hơn 66 tỷ đồng hỗ trợ các xã về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nhà ở dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường. Tiêu biểu như phong trào “Bộ đội Biên phòng Cao Bằng chung sức xây dựng NTM” đã thiết thực giúp đỡ các xã biên giới cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân. Ðại tá Ðặng Hồng Quân, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cho biết, cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức xây dựng NTM. Ðồng thời, vận động, huy động nguồn lực, thực hiện các hoạt động có ý nghĩa như: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng chuồng trại chăn nuôi… Ðến nay, 13 xã biên giới được Bộ đội Biên phòng Cao Bằng hỗ trợ nguồn lực đều thực hiện hiệu quả nhiều tiêu chí. Trong đó, hai xã Ðức Long, huyện Thạch An và Sóc Hà, huyện Hà Quảng đã về đích NTM; hai xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh và Thị Hoa, huyện Hạ Lang đang nỗ lực “cán đích” NTM trong thời gian tới.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng NTM các xã vùng khó khăn, biên giới, thời gian tới, tỉnh Cao Bằng nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn vốn của Trung ương; từng bước khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập người dân. Cao Bằng đang hoàn thiện đề án “Hỗ trợ xây dựng NTM thôn bản của các xã khó khăn, biên giới” để các bộ, ngành cho ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Cao Bằng Nguyễn Văn Ba, các bộ, ngành cần rà soát, ban hành chính sách thích hợp, đủ mạnh nhằm thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, chú trọng đầu tư công nghiệp chế biến nông sản tại địa bàn nông thôn. Làm tốt điều này sẽ thu hút lao động tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Các cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất tại vùng khó khăn, biên giới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, từ đó góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.