Nỗ lực vượt khó của một nông dân nghèo

BVR&MT – Vợ con đau ốm, một mình gây dựng kinh tế tại thị trấn biên giới Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, dù gặp nhiều khó khăn, vất vả song ông Lê Văn Hưởng ở khóm Vĩnh Đông chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Với bản tính chịu khó, siêng năng cùng niềm đam mê đặc biệt với công việc làm vườn, người nông dân này đã và đang xây dựng mô hình trồng vườn có nhiều triển vọng, bước đầu đưa gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Lê Văn Hưởng (bên trái) chia sẻ về kinh nghiệm trồng trọt với cán bộ nông dân thị trấn Lao Bảo -Ảnh: BÍCH LIÊN

Cách đây hơn 20 năm, ông Hưởng cùng vợ con rời quê hương Hải Lăng lên lập nghiệp tại khóm Đông Chín (nay là khóm Vĩnh Đông), thị trấn Lao Bảo với công việc chính là làm nương rẫy. Xuất phát điểm với kinh tế gia đình rất khó khăn, song nhờ chăm chỉ, chịu khó lại biết tính toán, gia đình ông Hưởng sớm bắt nhịp và ổn định cuộc sống nơi vùng đất mới. Tuy nhiên đến năm 2010, vợ mắc bệnh nặng, cuộc sống gia đình ông Hưởng lại rơi vào khó khăn. Một mình ông Hưởng vừa phải chăm lo cho vợ con, vừa phải làm kinh tế để nuôi sống cả gia đình gồm 9 người. Năm 2011, người con trai thứ 6 cũng mắc bệnh, gánh nặng gia đình tiếp tục đè nặng lên đôi vai của ông. Kể từ năm 2012 đến năm 2020, gia đình ông Hưởng được xét vào diện hộ nghèo của thị trấn Lao Bảo. Ông Hưởng nhớ lại: “Bản thân tôi dù đã cố gắng làm lụng để phát triển kinh tế, nhưng những sự cố ập đến ngoài ý muốn khiến tôi nhiều lúc suy sụp, tưởng không gượng dậy nổi. Nhưng tôi mà buông xuôi thì cả gia đình biết bấu víu vào đâu, vợ con tôi biết lấy gì chữa bệnh, nghĩ vậy nên tôi cố gắng đứng dậy. Ngoài làm nương rẫy, tôi cũng phải làm thêm đủ nghề để trang trải cuộc sống. Là một nông dân, tôi chưa bao giờ ngại khó ngại khổ, chỉ tâm niệm một điều, đó là đừng đầu hàng trước khó khăn, cứ cố gắng hết sức rồi cuộc sống sẽ có lúc tốt lên”.

Và để minh chứng cho lời nói của mình, ông Hưởng đưa chúng tôi đi thăm vườn cây tổng hợp rộng hơn 2 ha, được bố trí xây dựng bài bản với phương thức lấy ngắn nuôi dài, đủ loại cây trái đang thời kỳ cho thu hoạch. Càng khâm phục hơn khi biết rằng vườn cây này do một tay ông gầy dựng từ đất rừng hoang hóa mà không thuê nhân công. Ông Hưởng cho biết thêm: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải vào diện hộ nghèo là điều tôi không bao giờ mong muốn. Chính vì vậy, với quyết tâm thoát nghèo, tôi đã tìm hiểu kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm, chọn lọc giống để phát triển mô hình vườn cây tổng hợp. Trước tiên, tôi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm về mô hình trồng cây ăn quả, sau đó tham gia các lớp tập huấn do các cấp hội nông dân tổ chức trước khi quyết định cải tạo vườn tạp thành vườn cây tổng hợp, trong đó tôi chọn cây ăn quả là cây trồng chủ lực”. Và cứ như thế, đến nay, hơn 2 ha khu vườn đã được phủ kín bởi những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao gồm: 150 gốc mít Thái ngắn ngày, 120 gốc ổi lê Đài Loan, gần 3.000 gốc dứa mật, xoài voi, sa-pu-chê, chôm chôm, sầu riêng… và các loại hoa màu ngắn ngày như sả, ớt, bí đỏ, lạc…

Đặc biệt theo ông Hưởng, do vườn cây nằm ngay vùng lòng chảo, một bên là khe suối, chất đất và khí hậu lại tốt nên cây trồng phát triển thuận lợi. Trong vườn cây, ông Hưởng đào nhiều mương nhỏ để tiêu thoát nước vào mùa mưa, giữ nước tưới vào mùa khô, nhờ vậy, khu vườn luôn tươi tốt. “Tuy mới bước đầu cho thu hoạch ổn định nhưng khu vườn đã đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Đó là động lực để tôi cố gắng chăm sóc vườn thật tốt, nâng cao đời sống kinh tế cho gia đình. Tôi cũng có nguyện vọng trong một vài năm tới, khi mô hình phát triển ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sẽ chia sẻ để những nông dân khác cùng cố gắng phát triển kinh tế dựa trên những thuận lợi mà đất đai, khí hậu ở mảnh đất này mang lại”, ông Hưởng tâm sự.

Nói về tấm gương vượt khó của nông dân Lê Văn Hưởng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lao Bảo Trần Đại Luận cho biết: “Gia đình ông Hưởng là hộ nghèo của thị trấn nhưng với tinh thần ham học hỏi, biết vượt khó vươn lên, khi kinh tế đã ổn định, gia đình ông đã tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo. Đặc biệt, Hội Nông dân thị trấn đánh giá cao mô hình kinh tế cũng như cách làm của gia đình ông Hưởng, xem đây là mô hình để những nông dân khác học tập. Thời gian tới, hội sẽ luôn sát cánh với gia đình để có những hỗ trợ cần thiết, giúp gia đình phát triển bền vững mô hình, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu”.