BVR&MT – Khoảng một nửa diện tích rừng trên thế giới đã bị mất hoặc suy thoái dẫn đến mất đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu như điều tiết nước và sản xuất lương thực. Phục hồi hệ sinh thái có thể giúp khôi phục những yếu tố quan trọng này nhưng điều quan trọng là chúng ta sẽ thực hiện bằng cách nào chứ không chỉ trả lời câu hỏi tại sao phải làm vậy.
2021 là năm khởi động của Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái do Liên hợp quốc phát động, bởi vậy mọi chú ý đều đổ dồn vào việc phục hồi và xem đây là một phương tiện để có thể chuyển hướng sang một hành tinh khỏe mạnh hơn, vì con người và thiên nhiên. Định nghĩa phục hồi hệ sinh thái bao gồm hỗ trợ phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái hoặc bị phá hủy và nhấn mạnh mục tiêu phục hồi hoàn toàn có thể đạt được bằng nhiều cách. Hiện các chính phủ và nhiều tổ chức, tập đoàn trên thế giới đang ra sức trồng rừng với cam kết trồng hàng tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ cây để phục hồi hệ sinh thái rừng. Bên cạnh đó, mọi người cũng tìm cách tái tạo và trả lại tự nhiên cơ hội tự chữa lành và phục hồi với sự hỗ trợ có mục tiêu nhằm thúc đẩy các quá trình sinh thái.
Nhận thấy sự cần thiết của việc kết hợp các phương pháp tiếp cận nhằm khôi phục các khu rừng bị suy thoái trên thế giới, Chiến dịch Cây xanh Toàn cầu (GTC) đã hỗ trợ một loạt các phương pháp phục hồi rừng ở nhiều khu vực/quốc gia, mỗi phương pháp phù hợp với bối cảnh từng địa phương, được phát triển dựa trên sự hợp tác đa bên tại địa phương và tập trung vào việc phục hồi các loài cây bị đe dọa. Dưới đây là một số dự án tiêu biểu của GTC:
Phục hồi loài táo, lê bị đe dọa trong các khu rừng ăn quả ở Trung Á
Trung Á là nơi xuất xứ của nhiều loại cây ăn quả và hạt quen thuộc; táo, lê, mơ và quả óc chó đều có nguồn gốc từ các khu rừng cổ của khu vực này. Tuy nhiên, những khu rừng ăn quả của Trung Á đã bị suy giảm đáng kể khiến nhiều cây trồng hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng.
Trong hơn một thập kỷ, GTC đã hỗ trợ phục hồi rừng cây ăn quả ở Kyrgyzstan và Tajikistan, nơi vẫn còn tìm thấy những quần thể quan trọng của những loài cây bị đe dọa.
GTC áp dụng cách tiếp cận kết hợp nhằm giảm thiểu các mối đe dọa (chủ yếu là khả năng tái sinh thấp do chăn thả gia súc và các quần thể nhỏ nằm biệt lập dẫn đến sản lượng cho trái kém), đồng thời tăng cường số lượng quần thể thông qua việc trồng cây có mục tiêu. Hiện một số cây non đã trưởng thành thành những cây có khả năng tự tạo ra quả và hạt, đặc biệt là loài táo cực kỳ nguy cấp mang tên Niedzwetzky (Malus niedzwerzkyana). Đây là một cột mốc quan trọng, giúp nhiều loài cây quý hiếm có cơ hội tái sinh và tồn tại lâu hơn.
Bảo tồn loài thực vật cực kỳ nguy cấp ở miền Bắc Việt Nam
Magnolia grandis – loài thực vật cực kỳ nguy cấp thuộc họ Ngọc lan (Magnoliaceae) với đặc trưng hoa đẹp và lá to - đã bị suy giảm đáng kể do khai thác gỗ, củi và tỷ lệ cây con sống trong môi trường hoang dã thấp. Quần thể lớn nhất thế giới của loài được tìm thấy ở vùng đồi núi đá vôi miền Bắc Việt Nam và tại đây, GTC đã hợp tác với các cộng đồng địa phương để bảo vệ loài thực vật đặc biệt quý hiếm này.
Từ năm 2013, GTC đã triển khai theo dõi, tuần tra và trồng rừng gia cố với những nỗ lực được đền đáp xứng đáng. Tình trạng khai thác trái phép M. grandis giảm hẳn, không có trường hợp nào được ghi nhận kể từ năm 2017 nhờ hoạt động tuần tra thường xuyên của lực lượng kiểm lâm cộng đồng.
Điều đáng mừng là những người nông dân trồng thảo quả tại địa phương trước kia từng nhổ bỏ cây con M. grandis mọc trên đất của họ thì nay sẵn sàng duy trì, bảo vệ chúng – đây là sự thay đổi rất lớn trong thái độ và hành vi của người dân đối với việc bảo tồn loài. Càng thêm khích lệ khi các cuộc khảo sát hiện đang ghi nhận những cây con mọc tự nhiên trong rừng, mang lại hy vọng thực sự cho sự tồn tại lâu dài của loài cây có sức lôi cuốn này.
Cứu loài thực vật bị đe dọa nhất ở lục địa Chile
Nothofagus còn được gọi là sồi phương Nam, là loài then chốt và đóng vai trò không thể thiếu trong sinh thái và đa dạng sinh học của các khu rừng phía Nam bán cầu. Rừng Nothofagus đã bị phá hủy phần lớn, các loài bị khai thác để lấy gỗ và được thay thế bằng các đồn điền ngoại lai. Những đồn điền độc canh, rất dễ cháy từng xảy ra những vụ cháy chưa từng có và hậu quả càng trầm trọng hơn khi gặp điều kiện nóng, khô do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Năm 2017, hơn 580.000 ha bị cháy ở miền Trung Chile khiến các khu rừng tự nhiên còn lại bị chia cắt nghiêm trọng và đe dọa sự tồn tại của các loài bản địa biểu tượng như Nothofagus.
Các đối tác của GTC tại vùng Maule, Chile đang thực hiện chương trình tăng cường cho loài nguy cấp đặc hữu Nothofagus alessandrii. Dự án làm việc chặt chẽ với các chủ đất nhỏ sống gần khu vực phân bố của loài – những khu vực vốn bị suy thoái nghiêm trọng và quần thể các loài bị chia cắt mạnh mẽ. Ba khảo nghiệm tại chỗ đã được thiết lập trên đất tư nhân, nơi những cây thông ngoại lai đang được phát quang, còn cây con N. alessandrii đang được trồng, theo dõi và tưới nước thường xuyên. Một số lồng chim cũng được lắp đặt tại đây để thu hút các loài chim bản địa giúp kiểm soát chuột – loài thường gặm hoặc cắn đứt các cây con.
Khôi phục loài hoàng đàn cực kỳ nguy cấp ở Malawi
Cây tuyết tùng Mulanje còn được gọi là cây bách Mulanje hay cây hoàng đàn malawi (Mulanje cedar, Widdringtonia whytei) là cây quốc gia của Malawi, chỉ được tìm thấy tự nhiên trên núi Mulanje. Loài thực vật này được đánh giá cao vì gỗ bền và có mùi thơm, tuy nhiên việc khai thác gỗ bất hợp pháp khiến chúng bị xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp. Không chỉ vậy, sự gia tăng các đám cháy rừng do người dân sử dụng lửa để săn đuổi thú, sản xuất than củi và phát quang đất phục vụ trồng trọt cũng đe dọa nghiêm trọng tới sự sinh tồn của hoàng đàn malawi. Nếu bị lửa quét qua một khu đất trước khi cây con mọc lên, tỉ lệ cây sống sót và trưởng thành sẽ giảm đáng kể.
Quỹ Bảo tồn núi Mulanje và Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp Malawi đã hỗ trợ 8 vườn ươm cộng đồng được thành lập xung quanh núi. Hiện có hơn 80 thành viên đã được dạy cách nhân giống và số cây giống sinh trưởng tốt đã sẵn sàng để được trồng trở lại núi, vừa giúp khôi phục rừng, vừa mang lại nguồn thu nhập cho người dân từ việc bán cây giống.
Theo thống kê, có hơn 500.000 cây giống hoàng đàn malawi đã được trồng trên núi kể từ năm 2016, được tài trợ bởi Darwin Initiative và WeForest. Trong năm này, các nỗ lực trồng rừng dự kiến cũng hướng tới các loài cây khác như Podocarpus milanjianus – loài thực vật hạt trần thuộc họ Thông tre và hiện đang bị lâm tặc dòm ngó.
Sau thời gian trồng hoàng đàn malawi, các cuộc khảo sát cũng đang được tiến hành để cải thiện tỷ lệ sống sót và tăng trưởng của cây, đặc biệt là xem xét việc trồng các loài cây đồng hành có thể ảnh hưởng đến cộng đồng vi sinh vật đất tích cực đối với loài cây quý hiếm này không.
Nhìn chung, việc phục hồi có kế hoạch và được thực hiện tốt là một phần quan trọng trong bộ công cụ bảo tồn của GTC nhưng điều quan trọng là phải tuân thủ các phương pháp thực hành tốt nhất, chẳng hạn như “10 quy tắc vàng về trồng cây” được các nhà khoa học nêu ra nhằm đảm bảo các kết quả tốt nhất có thể cho đa dạng sinh học, con người và hành tinh.
10 quy tắc vàng về trồng cây
Trồng rừng, phục hồi những khu rừng bị mất hoặc suy thoái có thể bảo vệ đa dạng sinh học và giúp ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, tuy nhiên, nếu trồng nhầm cây hoặc trồng sai vị trí thì có thể còn gây hại nhiều hơn. Dưới đây là 10 quy tắc vàng về tái trồng rừng dựa theo khuyến cáo trong một đánh giá gần đây do các nhà khoa học Vườn thực vật hoàng gia Kew (Anh) phối hợp Tổ chức bảo tồn vườn bách thảo quốc tế (BGCI) thực hiện: 1. Ưu tiên bảo vệ rừng hiện có Có thể phải mất đến hơn 100 năm để những khu rừng bị tàn phá có thể phục hồi, vì vậy điều quan trọng là phải bảo vệ những gì chúng ta đã có trước khi trồng thêm. Để bảo tồn các khu rừng hiện có, các chính phủ và các tổ chức nên thành lập mới nhiều khu bảo tồn hơn, đồng thời tăng cường luật pháp chống phá rừng và giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến phá rừng bao gồm cháy rừng và chăn thả gia súc quá mức. 2. Hợp tác chặt chẽ với người dân địa phương Cộng đồng địa phương là trọng tâm của các dự án trồng rừng. Hợp tác với người dân địa phương không chỉ giúp việc triển khai các dự án đạt hiệu quả mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng bằng cách tạo việc làm trong việc chuẩn bị đất, trồng cây và bảo tồn rừng, tạo cơ hội để phát triển các doanh nghiệp dựa vào rừng bền vững. 3. Tối đa hóa việc phục hồi để đáp ứng nhiều mục tiêu Một dự án trồng rừng cần đạt được nhiều mục tiêu như: giảm lượng khí thải carbon, bảo tồn loài, mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương hoặc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái. Việc phục hồi lâu dài các khu rừng bản địa và tái lập những gì đã có trước đây sẽ tốt hơn nhiều cho việc phục hồi đa dạng sinh học hơn là chỉ trồng những cây phát triển nhanh. Bên cạnh đó, phục hồi rừng bản địa còn giúp thu nhiều carbon hơn, tăng cường các dịch vụ hệ sinh thái (như phòng chống lũ lụt) và mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng bằng cách cung cấp một loạt các cơ hội sinh kế, chẳng hạn như các sản phẩm rừng được khai thác bền vững và phát triển du lịch sinh thái. 4. Chọn khu vực thích hợp để tái trồng rừng Nơi tốt nhất để trồng cây là trên đất đã có rừng trước đây. Các vùng đất không có rừng như đồng cỏ hoặc đất ngập nước đã góp phần thu giữ carbon, chủ yếu trong đất, vì vậy cần tránh sử dụng. Đặc biệt, cần lưu ý việc chọn một khu vực đã được sử dụng cho nông nghiệp để trồng cây vì điều này có thể dẫn đến nạn phá rừng ở những nơi khác. Việc kết nối hoặc mở rộng các khu rừng được tái sinh với khu rừng hiện có sẽ giúp khu rừng mới tái sinh tự nhiên và mở rộng quy mô hơn, mang lại lợi ích cho đa dạng sinh học. Ngoài ra, một địa điểm trồng rừng cũng có thể được lựa chọn dựa trên các dịch vụ hệ sinh thái mà nó cung cấp, chẳng hạn như không gian giải trí, môi trường sống của động vật hoang dã, không khí sạch và bóng râm. 5. Sử dụng phục hồi rừng tự nhiên nếu có thể Tái sinh tự nhiên tức giúp rừng tự nhiên mọc lại sau khi đất bị bỏ hoang hoặc rừng bị suy thoái có thể rẻ và hiệu quả hơn so với trồng cây. Lượng carbon thu giữ ở các khu vực tái sinh tự nhiên cũng có thể cao hơn 40 lần so với các khu rừng trồng. Cách tiếp cận tự nhiên này hoạt động tốt nhất trên các khu vực bị suy thoái nhẹ hoặc những khu vực gần các khu rừng hiện có nhằm tận dụng nguồn hạt giống tự nhiên. 6. Lựa chọn các loài cây tối đa hóa đa dạng sinh học Khi không thể tái sinh tự nhiên và cần trồng cây để phục hồi rừng thì việc chọn đúng cây là rất quan trọng. Việc trồng rừng nên được thực hiện bằng cách sử dụng hỗn hợp các loài, bao gồm càng nhiều loài bản địa càng tốt cũng như các loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng nếu có thể. Rừng hỗn loài sẽ tốt hơn trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, tạo môi trường sống cho động vật hoang dã, thu hút các loài phát tán hạt giống và các loài thụ phấn, đồng thời chống chịu tốt hơn với bệnh tật, lửa và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Các loài cây tốt nhất để lựa chọn trong trường hợp này là những loài có mối quan hệ có lợi với các sinh vật sống khác, chẳng hạn như nấm, động vật thụ phấn và động vật phân tán hạt. Cần tránh các loài xâm lấn môi trường sống tự nhiên, cạnh tranh với các loài bản địa, làm giảm đa dạng sinh học và thường làm giảm nguồn nước. 7. Sử dụng các loài cây có khả năng thích ứng với khí hậu thay đổi Điều quan trọng là phải sử dụng hạt giống hoặc cây con có mức độ đa dạng di truyền thích hợp để phù hợp với vùng mà chúng được trồng và làm cho chúng phù hợp với khí hậu địa phương hoặc dự báo khí hậu. Điều này có thể làm tăng khả năng chống chịu của rừng phục hồi trước sâu bệnh, dịch bệnh và sự thay đổi môi trường lâu dài. 8. Lập kế hoạch Từ khâu thu hái hạt giống đến trồng cây, cần sử dụng cơ sở hạ tầng địa phương và chuỗi cung ứng hạt giống phù hợp. Điều quan trọng là phải cung cấp đào tạo cho các thiết bị và hoạt động thu thập, làm sạch, bảo quản hạt giống, đặc biệt cần phối hợp với người dân địa phương vì họ là nguồn nhân lực chủ chốt và có nhiều kinh nghiệm trong việc xác định, định vị các loài cây mục tiêu. 9. Học đi đôi với hành Trước khi bắt đầu một dự án phục hồi, nên tham khảo các nguồn kiến thức khoa học và địa phương hiện có để hỗ trợ các quyết định như lựa chọn loài. Nên thực hiện khảo nghiệm quy mô nhỏ trước khi áp dụng kỹ thuật trên diện rộng để đảm bảo sử dụng đúng cây và kiểm tra hiệu quả của chúng. Các chỉ số thành công, chẳng hạn như sự phục hồi của một loài có nguy cơ tuyệt chủng, cần được theo dõi thường xuyên để xem hệ sinh thái đang phục hồi tốt như thế nào và cho phép các nhà quản lý dự án điều chỉnh phù hợp. 10. Tạo nguồn thu đa dạng từ rừng Để đảm bảo tính bền vững của các dự án trồng rừng, phải tạo ra nguồn thu đa dạng mang lại lợi ích cho những đối tượng khác nhau. Nguồn thu ấy có thể đến từ việc mua bán tín dụng carbon, sản xuất lâm sản bền vững và du lịch sinh thái. |
Thảo Vy (Theo The Global Trees Campaign, Kew Gardens)