Nỗ lực gỡ ‘thẻ vàng’ xuất khẩu thủy sản

BVR&MT – Hơn 3 năm qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Các giải pháp này, không chỉ nhằm gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu – EC mà còn hướng đến phát triển ngành thủy sản bền vững của tỉnh.

Tàu giã cào – một loại hình đánh bắt sẽ bị chấm dứt hoạt động trong thời gian tới để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Nhiều biện pháp đồng bộ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sau hơn 3 năm kể từ khi Ủy ban Châu âu (EC) đưa ra khuyến nghị cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy, hải sản Việt Nam, các lực lượng chức năng liên quan đã tiến hành quản lý chặt việc ghi, nộp nhật ký khai thác để truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, cũng như hoàn thành việc gắn thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá trên địa bàn tỉnh…

Là địa phương có số lượng tàu cá lớn và để bảo đảm nguồn hải sản khai thác hợp pháp, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của ngư dân trong việc ghi chép nhật ký khai thác; gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định đã được các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các địa phương đặc biệt quan tâm.

Huyện Long Điền từng là “điểm nóng” về tình trạng ngư dân vi phạm đánh bắt tại vùng biển nước ngoài, nhưng từ năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh đã tăng cường tổ chức tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho ngư dân về các khuyến nghị của EC nên tình trạng vi phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ngành nông nghiệp nỗ lực thực hiện triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá trên toàn địa bàn tỉnh.

Ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết, trong những năm qua, địa phương đã tổ chức tuyên truyền cho ngư dân nắm bắt được chủ trương của nhà nước, về việc không vi phạm khai thác bất hợp pháp cũng như ghi nhật ký khai thác. Đồng thời, phối hợp với Bộ đội Biên phòng Phước Tỉnh buộc chủ tàu cá và ngư dân phải cam kết không vi phạm lãnh hải nước ngoài trước khi xuất bến.

Hiện nay, các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ trên địa bàn tỉnh, trước khi ra khơi, đều phải qua các khâu kiểm tra chặt chẽ của Chi cục Thủy sản. Khi rời cảng, các trạm, đồn biên phòng sẽ tiếp tục kiểm tra xác định tọa độ. Nếu phát hiện ngư dân tắt máy, đội phản ứng nhanh sẽ gặp trực tiếp yêu cầu chủ tàu bắt buộc phải điện thoại “lệnh” cho thuyền trưởng phải bật máy định vị, nếu cố tình sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-TU ngày 10/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu về Thực hiện các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái pháp luật, ngành chức năng và các địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn phổ biến các quy định về gắn thiết bị giám sát hành trình; ghi sổ nhật ký khai thác theo biểu mẫu quy định…

Đến nay, phần lớn ngư dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, cũng như tuân thủ chấp hành việc gắn thiết bị giám sát hành trình, nhất là trong bối cảnh Ủy ban châu Âu EC rút “thẻ vàng” cảnh báo đối với thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam.

Ông Đỗ Bình Hòa, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện đang có 2 tàu ra khơi công suất 700 CV và 1.300 CV. Năm 2019, sau khi được địa phương, Ban Quản lý Cảng cá tuyên truyền về việc lắp đặt thiết bị giám sát và ghi sổ nhật ký khai thác, ông đã thực hiện nghiêm.

Theo ông Hòa, ban đầu có nhiều khó khăn, bởi ngư dân quen làm nghề theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên, quá trình đánh bắt trên biển, ông thấy việc lắp thiết bị giám sát hành trình mang lại nhiều lợi ích, giúp tàu không xâm phạm vùng biển nước bạn và khi gặp tai nạn, hay mưa bão cần sự giúp đỡ, thiết bị sẽ giúp lực lượng cứu hộ xác định vị trí của mình nhanh và chính xác hơn.

Với nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, nhận thức của ngư dân, đến nay 100% các tàu khai thác xa bờ đã chấp hành việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua; chủ tàu cá, ngư dân đã có ý thức hơn trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá với 98% tàu cá có chiền dài trên 24m được lắp đặt và 85% các tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24m được lắp đặt.

Riêng đối với việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, thời gian qua, ngành chức năng Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát gần 130.000 lượt tàu cá; tổ chức kiểm tra 100% hồ sơ giấy tờ và kiểm tra thực tế trên tàu đối với tàu cá cập cảng, rời cảng và kiểm tra 100% tàu cá có dấu hiệu vi phạm quy định về khai thác thủy sản IUU.

Cùng với đó, ngành thủy sản tỉnh cũng tập trung thực hiện lộ trình chuyển đổi, chấm dứt loại hình tàu khai thác nghề lưới kéo trên địa bàn tỉnh.

Nhờ quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản, từ đầu năm đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu chưa ghi nhận trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị các nước bắt giữ.

Còn nhiều khó khăn

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn những tồn tại, vướng mắc gặp phải trong việc chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm đánh bắt thủy sản vùng biển nước ngoài. Cụ thể, việc xử phạt vẫn còn hạn chế, các cơ quan chức năng chưa xử lý nghiêm vụ việc các tàu cá vượt ranh giới trên biển, tàu cá mất kết nối.

Bên cạnh đó, tình trạng ngư dân đưa tàu cá đến khai thác tại vùng ranh giới trên biển, vùng chồng lấn vẫn còn xảy ra. Các vụ vi phạm về đánh bắt thủy sản trái pháp luật vẫn còn, nhưng nguồn tin về các tàu cá, ngư dân đánh bắt vi phạm bị phía nước ngoài bắt giữ rất hạn chế. Trong khi đó, chủ phương tiện, ngư dân bị bắt còn lo ngại cơ quan chức năng xử lý, ảnh hưởng đến quyền lợi nên cung cấp thông tin nhỏ giọt, thiếu trung thực. Cùng với đó, hiện nay, việc lắp thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá cũng mới đạt 86% chưa đạt tiến độ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Trước thực trạng trên, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các đơn vị liên quan cần đưa ra các biện pháp, chế tài triển khai áp dụng cụ thể đối với các chủ tàu vi phạm.

Đồng thời, ông cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền về khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài là trái pháp luật, thời gian tới, tỉnh sẽ có chế tài xử lý mạnh tới các trường hợp vi phạm tới ngư dân. Ngoài ra, các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh cũng cần tích cực triển khai các văn bản của UBND tỉnh để tiếp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12 trong thời gian tới.