Nỗ lực giữ rừng Kim Hỷ ở Bắc Kạn

BVR&MT – Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ là một trong ba khu bảo tồn, vườn quốc gia của tỉnh Bắc Kạn. Điểm độc đáo và cũng là khó khăn nhất đối với công tác bảo vệ nơi đây là khu bảo tồn này vừa sở hữu những sải rừng tự nhiên quý giá, lại vừa có khoáng sản vàng dưới lòng đất.

Ban quản lý Khu bảo tồn hỗ trợ lắp đặt đèn năng lượng mặt trời thắp sáng đường thôn cho nhân dân.

Những năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ trên cơ sở thực hiện mở rộng, đầy đủ, kịp thời chính sách khoán bảo vệ, xử lý nghiêm vi phạm, sự bình yên đã trở lại với Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.

Nguồn gien quý giá

Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ được thành lập từ năm 2003, có tổng diện tích hơn 15.053ha trải rộng trên địa bàn 6 xã: Kim Hỷ, Lương Thượng, Văn Lang, Côn Minh (huyện Na Rì) và các xã Cao Sơn, Vũ Muộn (huyện Bạch Thông). Ngoài ra, Ban quản lý Khu bảo tồn còn được giao quản lý toàn bộ diện tích vùng đệm gồm có rừng và đất lâm nghiệp, với tổng diện tích hơn 15.000ha.

Kim Hỷ được đánh giá là nơi lưu giữ hiện trạng nguyên sơ của thiên nhiên kỳ thú. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao về sự phong phú của các loại động, thực vật quý hiếm nơi đây. Trong đó phải kể đến là loài voọc má trắng, sóc, khỉ là những loài hiện có nguy cơ bị tuyệt chủng trên toàn cầu. Đặc biệt, trong khu có sự đa dạng của các loài dơi, được coi là nhiều chủng loại nhất ở Việt Nam. Không những thế, đây còn được coi là kho gỗ quý lớn của tỉnh Bắc Kạn, với hàng vạn cây nghiến….

Kim Hỷ còn là nơi lưu giữ một số nguồn gien quý hiếm của các loại thực vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như cây du sam đá vôi, còn gọi là thông đá. Loài cây này trên thế giới hiện nay chỉ còn sót lại ở Cao Bằng, Bắc Kạn và Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc). Trước đây, qua nghiên cứu đánh giá, riêng đối với loại cây này hiện trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ chỉ còn khoảng 14 cây, là nguồn gien cực quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Ngoài hệ động thực vật phong phú, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ còn giàu về tài nguyên khoáng sản, nhất là vàng.

Khoảng chục năm trước, việc quản lý lỏng lẻo đã dẫn tới bùng phát nạn khai thác gỗ và khoáng sản vàng trái phép trong Khu bảo tồn. Điều này tàn phá đa dạng sinh học, nhiều thời điểm, Kim Hỷ trở thành điểm nóng về an ninh trật tự tại địa phương.

Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, kết hợp với triển khai chính sách khoán bảo vệ rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã dần bình yên trở lại. Những sải rừng già được bảo vệ bền vững, giảm hẳn tình trạng khai thác vàng trái phép.

Ban quản lý Khu bảo tồn cấp phát lợn giống cho người dân sinh sống trong vùng lõi.

Hiệu quả giữ rừng

Thôn Bản Vin nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ trước đây là điểm nóng về khai thác gỗ, khoáng sản vàng trái phép. Tuy nhiên, những năm gần đây, Bản Vin lại trở thành điểm sáng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Theo Trưởng thôn Ngân Thị Lý, thôn có 33 thành viên tham gia nhận khoán bảo vệ 300ha rừng. Thôn chia các thành viên thành 4 tổ, luân phiên đi tuần rừng định kỳ hằng tháng và phối hợp tham gia các đợt tuần rừng với cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn khi được huy động.

Từ khi nhận khoán bảo vệ rừng, ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân Bản Vin được nâng cao rõ rệt. Năm 2021, số tiền nhận giao khoán bảo vệ rừng của thôn là 45 triệu đồng, cả thôn thống nhất chi 70% cho những hộ tham gia tuần tra, bảo vệ rừng, còn 30% chi cho các hoạt động chung của thôn như làm đường bê-tông, cầu cống, nhà họp thôn, bể chứa nước sạch…

Từ năm 2019, nhờ nguồn kinh phí này, thôn đã làm được gần 1.000m đường bê-tông nội thôn và xây dựng bể chứa nước sạch. Những cánh rừng đặc dụng nơi đây nhiều năm qua được người dân bảo vệ nguyên vẹn, không có tình trạng chặt, phá rừng trái phép, săn bắn động vật quý hiếm.

Riêng năm 2022, tại Khu bảo tồn, các tổ nhận khoán bảo vệ rừng và đại diện các đơn vị, ban, ngành có liên quan đã tuần tra, kiểm tra rừng được 1.321 lượt với 6.276 lượt người tham gia. Qua tuần tra đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm về rừng, quản lý các loài cây gỗ quý hiếm trong khu vực đặc dụng.

Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn Lê Xuân Diệu cho biết: Bên cạnh đẩy mạnh công tác truy quét, xử lý vi phạm, chúng tôi xác định biện pháp lâu dài, bền vững là thực hiện tốt công tác khoán bảo vệ. Chỉ khi nhân dân cùng vào cuộc thì những cánh rừng nơi đây mới được bình yên.

Thực hiện Quyết định 24 về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020, Khu bảo tồn đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng đến 33 cộng đồng thôn với diện tích được phê duyệt giao khoản bảo vệ là 9.250ha.

Năm 2022, từ nguồn kinh phí này, Khu bảo tồn đã hỗ trợ vật liệu xây dựng cho các công trình công cộng của cộng đồng thôn được hơn 1,2 km đường bê-tông nông thôn; hơn 86m kè nhà văn hóa thôn và đường dân sinh; hơn 167m2 trần nhà; hơn 333m2 gạch lát nền sân nhà văn hóa; 3 mặt cầu dân sinh; 406 bộ đèn năng lượng mặt trời; 5,4km ống dẫn nước sinh hoạt. Về phát triển sản xuất, Khu đã hỗ trợ cho 8 thôn với 328 hộ dân 609kg ngô giống; 376kg lúa giống; 64 con lợn giống và 5.333 con gà giống.

Bên cạnh đó, Khu bảo tồn còn tuyên truyền và ký cam kết quản lý, bảo vệ rừng với 2.586 hộ dân. Sự vào cuộc của nhân dân thể hiện rõ ở việc 100% cưa xăng đều được nhân dân khai báo, đăng ký cấp giấy chứng nhận sử dụng với Khu bảo tồn. Đối với một số thôn còn để xảy ra phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, Ban quản lý xem xét tạm dừng hỗ trợ theo Quyết định 24.

Rừng được giữ tốt là cơ sở mở ra những hướng phát triển mới cho Khu bảo tồn và người dân nơi đây. Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn Lê Xuân Diệu cho biết thêm: Du lịch sinh thái là cái đích mà Khu bảo tồn đang hướng tới. Hiện tại, chúng tôi đã trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thẩm định và trình phê duyệt đề cương kỹ thuật, dự toán kinh phí xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Đây sẽ là hướng đi cần thiết để không chỉ bảo vệ, mà còn phát huy giá trị Khu bảo tồn, tạo sinh kế bền vững cho người dân.