Nỗ lực cải thiện môi trường các làng nghề

BVR&MT – Bắc Ninh là một trong những địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. Bên cạnh các giá trị kinh tế mà các làng nghề mang lại, vấn đề ô nhiễm môi trường luôn là nỗi lo, thách thức của tỉnh Bắc Ninh. Để các làng nghề phát triển bền vững, tỉnh Bắc Ninh đã và đang gỡ nút thắt, từng bước cải thiện môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề, nhất là tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tỉnh Bắc Ninh có 62 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề thủ công truyền thống, nổi bật như: làng nghề gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, chạm khắc gỗ Phù Khê. Các làng nghề có khoảng 28.342 hộ tham gia với gần 74 nghìn lao động làm nghề, tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt khoảng 12,2 nghìn tỷ đồng/năm, mang lại thu nhập ổn định khoảng hơn 8 triệu đồng/người/tháng.

Hồi sinh những vùng đất “chết”

Làng giấy phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Phường có 326 cơ sở sản xuất, kinh doanh giấy đang hoạt động và khoảng gần 1.000 cơ sở kinh doanh phụ trợ cho ngành tái chế giấy phế liệu. Trước đây, khắp đường làng, ngõ xóm chỗ nào cũng ngổn ngang rác thải, những cột khói ngày đêm nghi ngút xả thải, khiến không khí chung quanh ngột ngạt, hôi hám, ô nhiễm nghiêm trọng. Dòng sông Ngũ Huyện Khê đen quánh, bốc mùi khó chịu và được ví như dòng sông chết…

Trước thực trạng trên, năm 2021, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo quyết liệt về việc xử lý ô nhiễm môi trường tại Phong Khê. Sau khoảng một năm thực hiện nơi đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sông Ngũ Huyện Khê dần trong trở lại, nhiều bãi rác khổng lồ ven sông, tại các khu đất trống trong dân cư nay đã được giải tỏa, giao thông thông thoáng, những cột khói đen đã giảm đáng kể, các chủ sản xuất có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Ông Ngô Văn Phương, chủ một cơ sở sản xuất giấy của địa phương cho biết, nhà tôi đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, không xả ra môi trường. Mặc dù chi phí đầu tư tốn kém nhưng cơ sở vẫn quyết tâm thực hiện nhằm bảo đảm các điều kiện sản xuất theo yêu cầu của tỉnh.

“Hiện hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, hoàn thiện hệ thống xử lý khí thải; 98% khói, bụi bẩn, chất thải được xử lý; công tác phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm gây ô nhiễm môi trường tiếp tục được tăng cường”, ông Nguyễn Hà, Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh cho biết.

Cùng với đó, để thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, hằng ngày Tổ tự quản của địa phương bố trí lực lượng dọn vệ sinh môi trường theo từng khu, cụm; giám sát chặt chẽ công tác thu gom chất thải cũng như việc xả thải của các cơ sở sản xuất; ký cam kết không xả chất thải, khí thải, nước thải ra môi trường với tất cả các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, Tổ tự quản thường xuyên tuyên truyền, phổ biến trực tiếp các quy định về bảo vệ môi trường của cơ quan có thẩm quyền đến từng hộ dân để biết, thực hiện. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển sản xuất của các chủ cơ sở.

Tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, một trong những điểm ô nhiễm môi trường trầm trọng nhất tỉnh cũng đang được các cấp, ngành, địa phương tập trung giải quyết với các giải pháp quyết liệt. Thời gian qua, khoảng 140 hộ dân, hộ sản xuất lấn chiếm đất nông nghiệp, dựng lều, xưởng sản xuất cô đúc nhôm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã bị cưỡng chế, tháo dỡ, trả lại nguyên trạng. Địa phương kiên quyết không cho các cơ sở xả nước thải ra môi trường, yêu cầu lắp đặt công nghệ tuần hoàn tái sử dụng nước; mua hơi thương phẩm thay bằng hơi đốt than, củi trong sản xuất; thực hiện đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường; lắp đặt hệ thống camera giám sát hằng ngày truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đặc biệt, xã tạm đình chỉ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy tại làng nghề Giấy Phong Khê và các doanh nghiệp sản xuất giấy trong Cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du) để hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, với quyết tâm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Ngũ Huyện Khê…

Kiên quyết xử lý các vi phạm

Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, dòng sông Ngũ Huyện Khê của tỉnh Bắc Ninh đã dần trong xanh trở lại.

Hiện nay đa số các làng nghề trong tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dây chuyền công nghệ thủ công, lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu, cho nên tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe người dân. Mặt khác, do chưa có quy hoạch tổng thể nên các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong vùng dân cư, thiếu mặt bằng sản xuất; đa số các làng nghề chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải nên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước mặt cục bộ tại địa phương. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh hạn chế, thiết bị công nghệ chế biến thô sơ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại còn ít.

Tại một số làng nghề còn tái diễn hành vi xả trộm nước thải ra môi trường song khó phát hiện và xử lý dứt điểm; vẫn còn những trường hợp chưa chấp hành, có hiện tượng làm hệ thống xử lý môi trường chỉ để đối phó với đoàn kiểm tra; tình trạng cơ sở sản xuất lén lút hoạt động vào ban đêm, tự tháo niêm phong hoạt động gây bức xúc trong nhân dân…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải cho biết, đối với vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, phù hợp thực tiễn cơ sở, nhằm vừa đáp ứng nguyện vọng của cả người dân và doanh nghiệp, vừa giải quyết căn bản, căn cơ công tác bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phải cam kết rõ ràng và phải “làm thật”, tránh tình trạng chỉ đưa ra các biện pháp để đối phó, UBND tỉnh Bắc Ninh kiên quyết xử lý ở mức độ cao nhất đối với những doanh nghiệp vi phạm. Tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp với các cơ quan liên quan sớm bổ sung, hoàn thiện các biện pháp bảo vệ môi trường, đưa ra những cơ chế, chính sách mang tính căn cơ, bài bản, lâu dài, bám sát tình hình thực tiễn và có tính khả thi cao, theo lộ trình phù hợp, tiến tới giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề đã tồn tại dai dẳng nhiều năm, phấn đấu đến năm 2025, sẽ căn bản xử lý xong những tồn đọng lịch sử về vấn đề môi trường tại các làng nghề, đưa Bắc Ninh phát triển hài hòa, bền vững.