Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp

BVR&MT – Sáng 15/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam.

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định cải cách hành chính là một trong những thành tố cấu thành quan trọng của đột phá thể chế phát triển (một trong ba đột phá chiến lược), trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh; chú trọng tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số… với quan điểm: lấy người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, là chủ thể của cải cách hành chính.

Thủ tướng khẳng định, cải cách hành chính luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là khâu quan trọng nhằm xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước. Hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều là công cụ quan trọng trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại; trụ cột quan trọng trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Để thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này rất cần có đổi mới về nhận thức, tư duy lẫn hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chúng ta có những bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã xây dựng Báo cáo đánh giá chi phí tuân thủ; đưa ra nhiều khuyến nghị thiết thực, có cơ sở để tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, quy định kinh doanh và thúc đẩy quản lý, điều hành và giám sát dựa trên dữ liệu. Đây là một trong những cơ sở để Thủ tướng quyết định tổ chức Hội nghị này. Mục đích của Hội nghị này là: đánh giá một cách tổng thể, khách quan, toàn diện, sâu sắc các nhiệm vụ được triển khai về thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp thời gian qua; kết quả đạt được (phân tích, đánh giá nêu bật lên để chúng ta phát huy); những việc chưa làm được (cần chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm); đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2025, bảo đảm thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế nhằm triển khai có hiệu quả, thực chất công tác này.

Với tinh thần đổi mới và ý thức trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao, Thủ tướng tin tưởng, Hội nghị về thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp là Hội nghị của chung tay cải cách, quyết tâm hành động; nêu rõ, sản phẩm sau Hội nghị là một Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh lại trong phát triển kinh tế, cần phối hợp hài hòa, hiệu quả, chặt chẽ, linh hoạt hai chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, cải thiện đời sống nhân dân. Các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

* Theo Văn phòng Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật (gồm: 12 Luật, 47 Nghị định, 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 72 Thông tư và 3 văn bản khác).

Một số bộ, cơ quan thực hiện tốt việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh như: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,…

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 9, bộ, cơ quan. Theo đó, các bộ, cơ quan này sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 188 văn bản quy phạm pháp luật (gồm: 12 Luật, 72 Nghị định, 100 Thông tư và 4 văn bản khác) để thực thi các phương án đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, để thể chế hóa 7 nội dung cải cách trong thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu đã được phê duyệt.

Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh được đưa vào vận hành. Đây là công cụ kỹ thuật số hỗ trợ cải cách, nơi tập trung thông tin, dữ liệu các quy định kinh doanh, phương án cắt giảm, đơn giản hóa đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm kiếm, theo dõi, đánh giá và là kênh tương tương tác trực tuyến giữa các bộ, ngành với các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong tham vấn chính sách, quy định. Đến nay, đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành, 352 quy định dự kiến ban hành trong 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh để tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân và theo dõi quá trình thực thi các phương án cải cách.

Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 thủ tục hành chính hơn 100 lĩnh vực (chiếm 13.47%), theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung 232 văn bản để thực thi phương án (gồm: 32 luật, 87 Nghị định, 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 5 Thông tư liên tịch, 97 Thông tư, 3 Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ). Quyết định được ban hành làm cơ sở để tổ chức thực thi trong giai đoạn 2022-2025, giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức; đồng thời, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đến nay, cả nước đã thành lập tổng số 11.700 Bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có 56 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh được thành lập, 1 địa phương thành lập Bộ phận Một cửa tập trung (Đà Nẵng), 6 địa phương vẫn duy trì mô hình Bộ phận Một cửa tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh (gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Điện Biên, Khánh Hòa). Tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, cơ quan, địa phương là 6.522 thủ tục hành chính. Số thủ tục hành chính đưa ra thực hiện tại Bộ phận Một cửa các cấp đạt trung bình 96,9 %.