Ninh Thuận rà soát, xóa bỏ các đường ngang trái phép qua đường sắt

BVR&MT – Tại Ninh Thuận hiện vẫn còn 35 đường ngang, đường dân sinh tự phát qua đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Lối đi dân sinh ngang qua đường sắt đoạn qua địa bàn huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, được cắm biển “Chú ý tàu hỏa” để đảm bảo an toàn giao thông.

Tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận dài hơn 60 km đi qua 5 huyện, thành phố. Để đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là nhu cầu đi lại, du lịch, vận chuyển hàng hóa trong dịp hè tăng cao, tỉnh Ninh Thuận tăng cường triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt được thông suốt.

Theo thống kê, tuyến đường sắt đi qua Ninh Thuận hiện có 63 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Ngoài 28 đường ngang hợp pháp hiện vẫn còn 35 đường ngang, đường dân sinh tự phát, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Nhiều đường ngang nằm tại điểm giao cắt với tỉnh lộ, huyện lộ là lối đi vào các hộ gia đình, cửa hàng kinh doanh gần khu vực đường tàu.

Dọc theo tỉnh lộ 703 từ ga Tháp Chàm đến huyện Ninh Phước, hiện có gần chục lối đi qua đường sắt do người dân tự mở để đi lại, vận chuyển hàng hóa, gia súc. Tại nhiều vị trí, nền đường sắt cao nên người dân đắp đất, đổ đá làm đường ngang. Một số điểm giao đường ngang với đường sắt có cắm biển cảnh báo “Chú ý tàu hỏa”; tuy nhiên có chỗ cắm, chỗ không, một số điểm biển báo bị cây cối, cỏ mọc che khuất tầm nhìn.

Trong khi đó, trung bình mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu khách, tàu hàng Bắc – Nam lưu thông qua tỉnh với tốc độ tàu khách chạy từ 70 – 80 km/giờ. Nhiều đường ngang giao với đường sắt do bị cong cua, khuất tầm nhìn từ cả hai phía đường bộ, đường sắt. Nếu không chú ý quan sát, người dân sẽ rất khó biết được ngay cả khi đoàn tàu đang đến gần, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Để bảo đảm an toàn chạy tàu và an toàn cho nhân dân, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê lối đi tự phát để lập hồ sơ, lên các phương án cụ thể để xóa bỏ các lối đi trái phép, không để phát sinh thêm lối đi tự phát trên địa bàn thuộc các địa phương quản lý. Ngành Giao thông vận tải tăng cường duy tu, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, xử lý các “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; giải quyết triệt để các vị trí vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường sắt.

UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần đường sắt Thuận Hải – đơn vị quản lý, khai thác hạ tầng đường sắt trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra, bảo trì các đường ngang hợp pháp. Trước mắt, khẩn trương rà soát các vị trí đường ngang tự phát giao với đường sắt đang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, thực hiện các biện pháp khắc phục như giải tỏa các vật cản che khuất tầm nhìn, cắm biển “Chú ý tàu hỏa” tại các lối đi dân sinh. Cùng với đó, Công ty nâng cấp các đường ngang phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang phòng vệ cảnh báo có cần chắn tự động; cung cấp lịch trình tàu chạy để tổ chức cảnh giới, đảm bảo an toàn giao thông đường sắt theo quy định.

Các huyện, thành phố khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, người dân cần có phương án đảm bảo an toàn giao thông theo quy định của pháp luật. Các địa phương phối hợp lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý, giải quyết triệt để các vị trí vi phạm về trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt tại các đường ngang có mật độ giao thông tăng cao.

Do nền đường sắt cao nên người dân đắp đất, đổ đá làm đường ngang đoạn qua huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Ông Phạm Thông, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Đường sắt, đặc biệt là quy tắc giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ để người dân nâng cao hiểu biết pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt. Đồng thời, Ban tăng cường kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn giao thông đường sắt như hành lang an toàn đường sắt, đường ngang dân sinh ngang qua đường sắt. Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp các đơn vị của ngành Đường sắt tổ chức thống kê, thi công rào, đóng các lối đi dân sinh mở trái phép trên tuyến đường sắt đi qua để đảm bảo an toàn giao thông.

Trong 6 tháng năm 2022, địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã xảy ra hai vụ tai nạn giao thông đường sắt làm bị thương hai người, xảy ra ba vụ ném đá lên tàu ở khu vực cách xa khu dân cư, nơi đồng ruộng chăn thả gia súc trên địa bàn huyện Thuận Bắc. Lực lượng chức năng đã tổ chức điều tra xác minh, xử lý nghiêm nhằm răn đe các đối tượng.