Những yếu tố khiến nhu cầu bất động sản logistics ở Việt Nam tăng cao

BVR&MT – Theo Công ty Savills Việt Nam, ngành hậu cần kho bãi (logistics) của Việt Nam đang có mức tăng trưởng đáng kể do sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, các lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử.

Kho bãi chứa container tại cảng Tân Vũ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Các chuyên gia nhận định tại Việt Nam, ngành công nghiệp logistics đã phát triển mạnh nhờ sự tăng trưởng của thương mại điện tử. Đây là một trong những yếu tố khiến nhu cầu bất động sản logistics tăng mạnh.

Khảo sát của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, ngành hậu cần kho bãi (logistics) của Việt Nam đang có mức tăng trưởng đáng kể do sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, các lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử.

Theo Báo cáo Thương mại Điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số công bố cho thấy, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Ước tính, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt 20,5 tỷ USD, chiếm khoảng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Trước những bước phát triển mạnh mẽ, logistics tại Việt Nam hiện vẫn tập trung hầu hết tại các thị trường lớn.

Đây là cơ hội với các nhà đầu tư đối với mảng này để mang tới nguồn cung đáp ứng nhu cầu ngày càng đi lên của logistics.

Theo ông Thomas Rooney – Quản lý cấp cao Dịch vụ Tư vấn bất động sản (Savills Hà Nội), thị trường logistics hiện nay vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng. Nguồn cung chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu, đòi hỏi các chủ đầu tư cần linh hoạt đưa ra những mô hình mới và tối ưu diện tích kho bãi sẵn có.

Phân tích về nhu cầu đối với logistics, ông Thomas cho biết, ngành thương mại điện tử cần diện tích thuê kho lớn để lưu trữ nhiều mặt hàng cũng như lắp đặt hệ thống hỗ trợ hoạt động lấy hàng, đóng gói. Thêm vào đó, các nhà sản xuất quốc tế với những mặt hàng giá trị gia tăng cao đều kỳ vọng có cả mặt bằng kho bãi để lưu trữ hàng hóa sau sản xuất.

Nhưng trên thực tế, hiện nguồn cung đối với mặt bằng nhà kho tại thị trường Việt Nam, đặc biệt tại phía Bắc vẫn chưa nhiều. Do vậy, các nhà đầu tư có thể cân nhắc tới các nhà kho cao tầng hoặc kho cảng thông minh.

“Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất nổi bật của thế giới với môi trường đầu tư ngày một được cải thiện và các Hiệp định thương mại lớn được ký. Điều này đã tạo thêm sức hút của thị trường công nghiệp Việt Nam đối với danh mục đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế lớn và uy tín. Đầu tư về hệ thống hạ tầng và kho vận sẽ đồng thời củng cố chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất” – Ông Thomas Rooney phân tích.

Đi kèm đó, triển vọng tích cực của ngành thương mại điện tử và nhu cầu giao hàng nhanh tiếp tục tăng cao hứa hẹn sẽ là tiền đề để thị trường logistics thêm phát triển trong thời gian tới với những mô hình hoạt động hiệu quả và được tối ưu hơn.

Trong bối cảnh chung, báo cáo của Công ty Savills cũng chỉ ra rằng các nhà đầu tư vẫn giữ kỳ vọng lạc quan hơn đối với thị trường logistics tại châu Á-Thái Bình Dương.

Cụ thể, trong khi tổng vốn đầu tư vào phân khúc logistics quý 2/2023 tại toàn thị trường châu Âu giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, thì tại châu Á-Thái Bình Dương, tổng vốn đầu tư chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ khoảng 14%.

Siêu tàu container M/V OOCL SPAIN tại cảng Gemalink (cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn giữ sự quan tâm mạnh mẽ đối với khu vực châu Á, những thị trường sở hữu yếu tố nền tảng hỗ trợ sự phát triển dài hạn và tận dụng nhu cầu ngày càng tăng đối với bất động sản logistics, bất động sản kho bãi.

Savills dẫn chúng, tại thị trường Nhật Bản, logistics tiếp tục là phân khúc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt với những nhà đầu tư nước ngoài muốn gia nhập Nhật Bản. Tương tự, thị trường Ấn Độ cũng có hoạt động khá sôi động khi tỷ lệ hấp thụ nguồn cung logistics mới trong quý 2/2023 đạt 40-50% nhờ các chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất như đề án khuyến kích Liên kết Sản xuất (Production Linked Incentive Scheme- PLI).

Điều này đã kiến nhà đầu tư giữ triển vọng lạc quan và tìm kiếm thêm những cơ hội mở rộng mạng lưới phân phối tại các thành phố khác tại quốc gia này.

Nhìn chung, bền vững vẫn là vấn đề được cân nhắc trong mọi đàm phán giữa chủ nhà và khách thuê, đặc biệt là tại các thị trường phát triển. Mặt bằng cho thuê logistics cần đạt được các yêu cầu về tối ưu năng lượng cũng như đảm bảo cam kết về ESG của các doanh nghiệp. Đây được coi là những yếu tố cơ bản khiến dự án thu hút và mang lại lợi thế cạnh tranh trong các quyết định thuê tương lai.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận xét Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần, đặc biệt trước sự phát triển của ngành thương mại điện tử. Điều này đi đôi với nhu cầu tăng cao về bất động sản công nghiệp chất lượng cao.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm địa điểm. Các khu công nghiệp và khu hậu cần kho bãi, đặc biệt xung quanh thành phố lớn như Hà Nội, đang có tỷ lệ lấp đầy cao, nhiều nơi đạt gần 100%. Nguồn cung bất động sản công nghiệp vẫn thiếu so với cầu phát triển của các doanh nghiệp.

Do đó, đây chính là cơ hội để các đơn vị phát triển bất động sản quốc tế đầu tư vào Việt Nam, nhất là khi dòng vốn nước ngoài chảy vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp của VIệt Nam vẫn rất dồi dào. Nhiều nhà đầu tư đang nắm bắt cơ hội để đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị trường.

“Cũng bởi vậy, việc thiếu hụt nguồn cung sẽ sớm được giải quyết trong thời gian tới” – ông Matthew Powell nhấn mạnh./.

NGUỒNvietnamplus.vn
Tags: ,
CHIA SẺ