Những “viên ngọc xanh” của cao nguyên Mộc Châu

BVR&MT – Cây chè được phát triển theo hướng hữu cơ đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở xã miền núi Tân Lập, huyện Mộc Châu (Sơn La) có nguồn thu nhập khá, có việc làm ổn định, đẩy nhanh xóa nghèo và vươn lên làm giàu. Không những vậy, những đồi chè xanh mướt nơi đây được ví như những “viên ngọc xanh” hút khách du lịch của Tây Bắc.

Theo chân những người trồng chè đi thu hoạch, chúng tôi có mặt từ sáng sớm, trên cánh đồng chè, xã Tân lập.

Theo chân những người trồng chè đi thu hoạch, chúng tôi có mặt từ sáng sớm, trên cánh đồng chè, xã Tân lập. Đồi chè rộng hơn chục ha, liền vùng, liền thửa, một màu chè xanh ngát, hương chè buổi sáng man mát lan tỏa cùng cái se se lạnh tạo nên khung cảnh tuyệt vời. Chúng tôi đi qua những hành chè, hai bên là những nõn chè mọc xanh tốt cao, ẩn dưới những ngọn lá chè xanh non là những giọt sương sớm đang đợi chờ thu hoạch.

Những ngọn lá chè xanh non là những giọt sương sớm đang đợi chờ thu hoạch.

Nhằm giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng sang trồng chè, đem lại giá trị cao về kinh tế và xây dựng thương hiệu chè Mộc Châu như ngày nay.

Trong quá trình trồng chè của gia đình anh Tráng A Khau và nhiều hộ dân ở đây đã trải qua không ít khó khăn. Thường là người dân ở đây thu hoạch 4 lứa/năm, chính vì vậy người dân phải thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa bón phân hữu cơ để bảo vệ cây chè, giúp lọc non cây chè ra đều hơn.

Tráng A Khau – xã Tân Lập, huyện Mộc Châu đang chăm sóc cây chè.

Theo anh Tráng A Khau – xã Tân Lập, huyện Mộc Châu là một thanh niên thực hiện chuyển đổi cây trồng sang cây chè cho biết: Trước kia, Người dân, người Mông ở Xã Tân Lập họ sống chủ yếu làm nông nghiệp, làm nương, làm rẫy nên không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Gia đình tôi đã chuyển đổi cây trồng và đưa cây chè vào trồng.

Theo người dân tại đây phải đến năm 1958, cây chè mới trở thành giống cây trồng chủ lực đem lại hình ảnh cho Mộc châu. Chè đã được cán bộ chiến sĩ Nông trường Quân đội đưa vào trồng thử nghiệm đầu tiên tại cao nguyên Mộc Châu ở khu vực 66. Đến nay đã hơn 60 năm, cây chè ở Mộc Châu được phát triển thành vùng nguyên liệu tập trung rộng lớn, với nhiều giống chè năng suất, chất lượng cao.

Bà Vì Thị Phương – Tân Lập, Mộc Châu chia sẻ về chắc chăm sóc cây chè và đặc điểm của chè Mộc Châu.

Bà Vì Thị Phương – Tân Lập, Mộc Châu cho biết: Cách chăm sóc cây chè của người dân nơi đây hoàn toàn bằng hữu cơ. Nếu cây chè có sâu thì người dân dùng hoàn toàn bằng chế phẩm sinh học như vậy chè Mộc Châu đảm bảo chất lượng, uống rất ngon.

Mộc Châu là huyện miền núi, cao nguyên và có vùng biên giới, nằm ở hướng Đông Nam của tỉnh Sơn La. Người dân trồng cây chè ở Tân Lập nói riêng và Mộc Châu nói chung được trồng cách đây hàng chục năm, nhờ độ cao và khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho cây chè có chất lượng cao. Chè pha được nước, màu nước xanh đẹp, vị ngọt hậu và hương thơm tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Xã Tân Lập, từ một xã khó khăn, nhờ nguồn lực đầu tư từ các dự án, chính sách dân tộc, kinh tế – xã hội của xã đã thay đổi tích cực. Chỉ tính năm 2018, xã đã được đầu tư xây dựng 23 công trình cơ sở hạ tầng với tổng số vốn hàng chục tỷ đồng, gồm các công trình: Trường lớp học, Nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn.

Mộc Châu hình thành khu chè hữu cơ an toàn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao.

Theo UBND huyện Mộc Châu, giai đoạn 2016 – 2020, huyện được đầu tư hàng chục tỷ đồng từ Chương trình 135 để phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, huyện còn lồng ghép linh hoạt ngân sách huyện để bảo đảm các nguồn vốn đầu tư, giúp các vùng khó khăn sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân mở rộng phát triển sản xuất chè, cây chanh leo đã góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo từ 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 12,74% xuống còn 4,94 % năm 2019. Theo báo cáo số 2964/QĐ-UBND của UBND huyện Mộc Châu ngày 13/12/2019, tổng số hộ nghèo là 1.457 hộ, tỉ lệ cận nghèo là 1.338 hộ; hộ nghèo có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 VNĐ trở xuống ( đối với nông thôn); từ đủ 900.000 VNĐ ( trở xuống đối với thành thị) là 1.423 hộ; Hộ nghèo có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 VNĐ – 1.000.000 VNĐ ( đối với nông thôn), trên 900.000 VND – 1.300.000 VNĐ ( đối với thành thị) và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên là 34 hộ.

Theo đó, các mô hình kinh tế như trồng chanh leo, mận hậu, chè đều được thực hiện, sau đó phổ biến kinh nghiệm và nhân rộng trong nhân dân. Nhờ đó, hiện toàn xã Tân Lập có 270 ha trồng chè, sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 3.000 tấn. Giá trị sản xuất bình quân đạt 100 triệu đồng/ha trồng chè. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng/năm.

Đồi chè trái tim biểu tượng của cao nguyên Mộc Châu.

Nổi tiếng nhất là đồi chè trái tim nằm trong khu nông trường liên doanh với Đài Loan. Đồi chè này thuận tiện để tham quan nhất vì khá gần Thị trấn Nông trường Mộc Châu (chỉ cách khoảng 9km). Ngoài ra còn có đồi chè trái tim ở nông trường Mộc Sương thuộc xã Tân Lập và đồi chè trái tim Tân Hợp.

Hình ảnh đồi chè trái tim của cao nguyên Mộc Châu như một màu xanh vốn biểu tượng cho tình yêu, sức sống tình cảm của người dân Mộc Châu gửi gắm vào cây chè. Họ đã chăm sóc những luống chè khéo léo, cắt tỉa tạo thành hình trái tim và những đồi chè trái tim này đã trở thành điểm đến ấn tượng, thu hút rất nhiều du khách phát triển kinh tế – xã hội.

Văn Trì