Những ưu tiên trong bảo tồn đa dạng sinh học

BVR&MT – Ða dạng sinh học (ÐDSH) có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, công tác bảo tồn ÐDSH ở nước ta đang đối mặt với nhiều mối đe dọa từ sự gia tăng dân số, thay đổi phương thức sử dụng đất, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường… Ðây đang là những nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Voọc sinh sống tại bán đảo Sơn Trà (TP Ðà Nẵng). Ảnh: Đặng Hữu Hùng

Việt Nam là quốc gia giàu có về ÐDSH, khi được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng của tài nguyên sinh vật. Tính đa dạng về hệ sinh thái bao gồm rừng, biển, đất ngập nước… cùng hệ thống các kiến thức truyền thống và văn hóa địa phương về quản lý và sử dụng tài nguyên đã làm ÐDSH có vai trò và giá trị vô cùng to lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế – xã hội.

Nhận thức được sự cần thiết phải bảo tồn ÐDSH, từ những năm 1960 của thế kỷ trước, Ðảng và Nhà nước đã có những chính sách bảo vệ các khu rừng nguyên sinh (rừng cấm). Quyết tâm và cam kết bảo tồn ÐDSH của Nhà nước được chú trọng hơn sau khi Việt Nam trở thành thành viên của các công ước CBD (năm 1992) và CITES (năm 1994), với một hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn (VQG và KBT) đã được quy hoạch và thành lập trên toàn quốc.

Tính đến nay, Việt Nam có 186 KBT, với hệ thống các KBT đã được thiết lập, nước ta đã được quốc tế công nhận 20 khu có các danh hiệu quốc tế về giá trị ÐDSH, bao gồm năm khu Ramsar, tám khu dự trữ sinh quyển thế giới, năm khu di sản ASEAN và hai khu di sản thiên nhiên thế giới. Ðáng chú ý, năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật ÐDSH được đánh giá là rất tiến bộ, có tầm nhìn, hệ thống và tiếp cận đầy đủ các cam kết và chuẩn mực quốc tế về bảo tồn ÐDSH. Ðây là khung luật đầu tiên của Việt Nam quy định về bảo tồn và phát triển bền vững ÐDSH, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững ÐDSH…

Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá: Mặc dù Việt Nam đã đạt được một số kết quả trong công tác bảo tồn ÐDSH thời gian qua, song thực tế cho thấy tài nguyên ÐDSH của Việt Nam liên tục bị suy giảm, suy thoái dưới áp lực của gia tăng dân số. Tình trạng khai thác quá mức tài nguyên sinh vật và sự đánh đổi với ưu tiên phát triển kinh tế diễn ra khá phổ biến tại các địa phương trên cả nước.

Trong khi đó, các chính sách, quy định pháp luật chưa đồng bộ, công tác bảo tồn ÐDSH chưa được quan tâm đúng mức; vấn đề bảo vệ các loài hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm còn có sự chồng chéo về phân quyền, trách nhiệm quản lý giữa hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng văn bản triển khai Luật ÐDSH chưa đạt được sự thống nhất dẫn đến sự chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, bảo tồn các loài.

Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn loài còn rất hạn chế, thiếu sự quan tâm hỗ trợ. Mặt khác nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo tồn loài, bảo tồn ÐDSH còn nhiều hạn chế, một số bộ phận người dân vẫn có thói quen sử dụng các loài động vật hoang dã nguy cấp dẫn đến nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ gia tăng và trở thành vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội. Nhận thức của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã được nâng lên, nhưng chưa đủ và chưa quyết liệt trong việc bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm một cách hiệu quả và toàn diện…

Ðáng lo ngại, theo số liệu thống kê về hiện trạng các loài động vật nguy cấp, quý hiếm cho thấy, nhiều loài đang ở mức báo động, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cao do nguyên nhân chính là việc khai thác quá mức và mất môi trường sống. Trong đó có nhiều loài đặc hữu như: voọc mũi hếch, ước tính chỉ còn khoảng 190 cá thể; voọc mông trắng chỉ phân bố ở Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên Văn Long (Ninh Bình) và hiện chỉ còn khoảng 100 cá thể. Ðáng chú ý, tê giác Java Việt Nam, một trong hai quần thể tê giác duy nhất còn sót lại trên trái đất đã được xác nhận bị tuyệt chủng tại Việt Nam vào năm 2010.

Để từng bước khắc phục những tồn tại nêu trên, nhất là đưa công tác bảo tồn ÐDSH sớm đi vào nền nếp và đạt hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, các địa phương tập trung rà soát đồng bộ, chỉnh sửa, bổ sung luật và các luật có liên quan đến ÐDSH như: Luật ÐDSH, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản theo hướng thống nhất quản lý về ÐDSH. Tiếp tục hoàn thiện, thống nhất các văn bản dưới luật hướng dẫn về ÐDSH, phân loại khu bảo tồn phục vụ quản lý hiệu quả các khu vực có giá trị ÐDSH cao ở Việt Nam. Việc đầu tư cho công tác bảo tồn ÐDSH là đầu tư cho xã hội và phát triển bền vững, do đó cần xác định tỷ lệ chi ngân sách cho các hoạt động bảo tồn ÐDSH và là dòng ngân sách riêng không phụ thuộc vào dòng chi chung cho môi trường. Ðồng thời, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng đối với công tác bảo tồn ÐDSH, do vậy cần tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án về tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân bản địa, cộng đồng tại vùng đệm về giá trị của ÐDSH, nhất là huy động sự đầu tư của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cho công tác bảo tồn ÐDSH…