BVR&MT – Mới đây, các nhà khoa học cảnh báo kể cả các quốc gia trên thế giới có đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải như trong hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu thì Trái Đất vẫn rơi vào tình trạng “nóng như đổ lửa” vì những nguồn xả thải CO2 khác mà con người không chủ động kiềm chế được.
Theo tính toán trong nghiên cứu mới đăng trên chuyên san Viện khoa học quốc gia Mỹ (PNAS), nếu các quốc gia đạt mục tiêu cắt giảm khí thải như trong hiệp định thì nhiệt độ trung bình Trái Đất vẫn sẽ tăng lên từ 4-5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp chứ không chỉ là 1,5-2 độ C như kế hoạch.
Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng cực kỳ khó khăn khi chính Trái Đất nói không với những nỗ lực giảm thải của con người. Theo nghiên cứu này, các tác giả đã nhắc tới những khía cạnh khi Trái Đất chuyển từ trạng thái trung hòa hoặc có ích sang có hại thì mức xả khí CO2 hoặc khí methane vào trong khí quyển sẽ nhiều hơn mức xả thải tất cả các hoạt động của con người kết hợp lại.
Nghiên cứu cho thấy các rừng và đại dương trên Trái Đất hiện hấp thụ khoảng hơn 50% lượng khí thải carbon toàn cầu trong vài thập kỷ qua kể cả khi con người ngày càng xả nhiều khí thải hơn. Nhưng diện tích rừng thì ngày càng thu hẹp trong khi các đại dương cũng dần bão hòa lượng CO2 có thể hấp thụ, điều này đồng nghĩa với việc những vùng hấp thụ CO2 tự nhiên đang yếu dần đi.
Trong khi đó, lượng khí methane và CO2 trong lòng đất ở những khu vực tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở Nga, Canada hay ở Bắc Âu tương đương với 15 năm xả thải của con người ở mức xả thải hiện nay. Vì vậy, việc rò rỉ những khí này từ lòng đất cũng góp phần làm quá trình ấm lên toàn cầu nhanh hơn và theo vòng tròn lại đẩy nhanh quá trình rò rỉ khí thải này.
Tương tự, lượng khí methane trong tầng nước sâu dưới lòng đại dương từng được cho là nhân tố tạo ra thời kỳ nóng lên toàn cầu từ nhiều triệu năm trước, cũng rất dễ chịu tác động ở một ngưỡng nhiệt nào đó chưa được xác định. Đây đều là những nguồn phát thải khí góp phần đẩy nhanh quá trình ấm lên toàn cầu mà con người không thể chủ động kiểm soát.
Hiện nay, thế giới đang nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon vốn đã làm Trái Đất tăng 1 độ C so với tời kỳ tiền cách mạng công nghiệp nhưng cũng đã gây ra những đợt nắng nóng, hạn hán và siêu bão với hậu quả nặng nề.
Theo những đánh giá đơn giản nhất thì quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh không thấm vào đâu so với tốc độ thay đổi của thời tiết. Góp phần vào tốc độ này là sự biến đổi tất cả các qui trình tự nhiên như tuyết rơi, hình thành băng và mực nước biển dâng hay hạ, vốn đều có mối liên kết nội tại vì vậy khi một qui trình bị cản trở và thay đổi thì kéo theo những qui trình khác cũng bị xáo trộn.