Những người thợ rừng

BVR&MT – Mỗi lần vào rừng, với họ không phải là một cuộc trải nghiệm hay thử thách sinh tồn mà là một chuyến đi làm xa nhà, kéo dài nhiều ngày hoặc hàng tuần. Cái giá phải trả là mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu để tìm kiếm những sản vật có thể giúp họ có tiền trang trải cuộc sống.

Thành viên của nhóm Thợ rừng leo lên cây cao lấy hạt dổi.

Xin cơm của rừng

“Anh em thợ rừng xin chào các bác nhé”. Câu chào đó tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần kể từ khi bắt gặp họ trên kênh YouTube “Thợ rừng”, để rồi từ xem thành mê, xem như một thói quen và muốn gặp họ, muốn vào rừng cùng họ ngay. Ấp ủ ý định đã lâu nhưng mãi đến đầu năm nay, tôi mới có cơ hội gặp họ, khi những chuyến đi rừng đã trở nên vất vả hơn vì thời tiết giá lạnh và vì thời điểm này trong năm gần như chẳng có gì cho anh em thợ rừng tìm kiếm trước lúc mùa mật ong đến vào tháng 3.

Bất chấp tất cả, tôi vẫn quyết định đi Thanh Hóa sau khi đã hẹn gặp được Lê Hải Hà, một trong bốn người thợ rừng trong câu chuyện này. Ðến Thanh Hóa và từ TP Thanh Hóa, tôi lại di chuyển đến thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, một huyện miền núi phía tây nam Thanh Hóa và có đông đồng bào dân tộc Thái (chiếm 43%), Thổ (14,5%)… sinh sống, trước lúc gặp những nhân vật vốn chỉ thấy trên YouTube trong gần một năm qua. Qua điện thoại, Hà cho biết anh đang dựng vi-đê-ô cho kịp đăng lên kênh vào buổi chiều sau khi họ vừa đi rừng ở huyện Quế Phong (Nghệ An) về. Tuy vậy, chàng trai sinh năm 1987 vẫn dành thời gian cho cuộc gặp gỡ và từ ngôi nhà của mình nằm bên đường Hồ Chí Minh đi Nghệ An, anh dẫn tôi đến nhà Lê Ðình Minh, người chú họ và cũng là một thành viên khác của thợ rừng, cách đó không xa. Trong khi đó, Vi Văn Tự và Lương Văn Quý thì đến sau một chút vì cả hai đều ở khác xã.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về bốn người là sự chân thật và cởi mở trong cách nói chuyện, hệt như con người họ trên các vi-đê-ô mà tôi đã xem. Trong khi Hà sinh năm 1987, Minh sinh năm 1988 thì Tự sinh năm 1991, Quý sinh năm 1992. Và nếu Hà, Minh mới đi rừng gần đây thì cả Tự và Quý đều đi rừng từ nhỏ cùng bố mẹ. Không có gì ngạc nhiên khi những kỹ năng đi rừng của họ rất thành thục, từ việc làm bẫy, đặt bẫy, giăng lưới bắt cá, bắt lươn đến trèo cây, tìm ong lấy mật. Vì thế, vốn đã nghĩ cuộc sống của họ sẽ có gì đó gần giống với các nhân vật trong truyện ngắn Những người thợ xẻ của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp nhưng sau khi xem kênh “Thợ rừng” và nghe họ tâm sự, tôi nhận thấy thực tế giữa công việc của thợ rừng và thợ xẻ chẳng có gì liên quan. Bốn anh em Hà vào rừng chỉ là đi lấy hạt dổi, mật ong, nấm, hạt mắc khén… và không chặt cây, xẻ gỗ như nhóm Bường, Biên, Biền, Ngọc trong Những người thợ xẻ. Thậm chí, nói như Hà thì từ khi đi rừng và quay clip cho kênh “Thợ rừng”, ý thức giữ và bảo vệ rừng của các anh đã được nâng lên một mức cao hơn, nhất là sau sự cố bắt mấy con dúi và cả nhóm được nhắc nhở đây là động vật hoang dã cần được bảo vệ. Họ hiểu rõ nếu muốn sống nhờ rừng, gắn bó với rừng, họ cần giữ rừng, trồng rừng. Vì thế, họ xót xa trước những cây gỗ quý hiếm hay cây mắc khén bị người dân chặt phá hay luôn ghi nhớ phải dành thời gian để trồng lại những cây sâm cau sau khi đã lấy rễ, củ, cũng là để cây mọc lại, giúp người sau có sản phẩm khai thác hoặc chính họ có hình ảnh để quay vi-đê-ô.

Công việc vất vả

Chính vì chỉ tìm hạt dổi, mật ong, nấm, hạt mắc khén mà không đặt bẫy lợn rừng hay săn các con thú quý hiếm có thể bán lại với giá trị kinh tế cao hơn, không quá lời nếu nói rằng, mỗi chuyến đi của nhóm thợ rừng giống như một cuộc hành quân thật sự với những chiếc ba-lô to trên vai và hành trình kéo dài. Hà sẽ mang theo các thiết bị quay, đồ dùng cá nhân như võng, bạt phủ và mùa đông thì thêm chiếc chăn; Minh mang theo nồi, bát, đũa, gia vị, gạo, cá khô… đủ dùng cho số ngày họ dự tính ở trong rừng; còn trong ba-lô của Tự và Quý lại có móng leo cây, bộ đồ bảo hộ phòng ong đốt, lưỡi cuốc, dây thừng. Cả bốn người sẽ đi trên ba xe máy, rong ruổi trên các cung đường của Thanh Hóa hay Nghệ An, tới những cánh rừng sâu, thậm chí có những cánh rừng họ phải đi tới 200 km hoặc mất hai ngày trời mới đến được. Ðến đó, họ sẽ gửi xe hoặc giấu xe trong các bụi cây, rồi đi bộ 5 đến 10 km nữa vào sâu bên trong rừng. Nếu chuyến đi kéo dài cả tuần, như khi họ lấy hạt dổi do mùa hạt dổi ngắn, họ sẽ phải dựng một cái lán bằng tre, trúc sát con suối hoặc nơi nào có nước; còn nếu chỉ kéo dài vài ngày, họ sẽ mắc võng ngủ qua đêm. Thực phẩm sẽ chỉ là những con cua, con lươn hay con ếch bắt bên bờ suối, vũng nước to hoặc may mắn là những con cá phía dưới chân đập thủy điện khi chưa xả nước và nấu với hoa chuối, măng rừng hay các loại lá mà chỉ những người đi rừng kinh nghiệm như họ mới biết có tác dụng gì.

Anh Lương Văn Quý với nấm ngọc cẩu vừa được đào lên.

Anh em thợ rừng luôn tin vào kinh nghiệm của các bậc cha chú truyền lại, cũng như từ trải nghiệm của bản thân. Rằng nếu không vi phạm các quy định của pháp luật như chặt cây lấy gỗ trái phép, săn bắn chim, thú quý hiếm thì rừng sẽ không để họ đói, rừng sẽ cho họ thứ cần tìm như hạt dổi, hạt mắc khén, nấm, cho cơm họ ăn. Chẳng thế mà trước mỗi bữa ăn, điều mà tôi rất trân trọng ở họ là câu mời thần rừng, thổ công, thổ địa quen thuộc mà Tự hay Quý đọc bằng tiếng Thái: “Con cháu đi kiếm ăn, có cơm, có rượu, có thịt… thổ công, thổ địa ăn cơm trước con cháu, phù hộ cho con cháu đi kiếm ăn được may mắn, phù hộ cho con cháu sức khỏe để đi đến nơi, về đến chốn”.

Nút bạc về rừng

Cái tên Thợ rừng hẳn đã được Hà suy nghĩ, cân nhắc từ rất lâu trước khi anh và Minh, Tự, Quý lấy đó đặt cho kênh YouTube của họ. Thực tế thì như chàng trai người dân tộc Thổ này chia sẻ, anh cũng đã có một thời gian làm vlog một mình nhưng không thành công, trước lúc nhận ra rằng, muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa phải đi với nhiều người. Sau đó, biết Tự và Minh cũng có ý tưởng tương tự, anh em bàn với nhau và rủ thêm Quý tham gia. Vậy là cái tên Thợ rừng chính thức ra đời, gần gũi như cuộc sống và công việc của họ.

Như Tự cho biết thêm, hồi đầu, họ đã phải đếm từng giờ, đếm từng người đăng ký để chờ đạt mốc 1.000 người đăng ký (subs) và 4.000 giờ xem theo quy định của YouTube mới được bật nút kiếm tiền sau khi đăng vi-đê-ô đầu tiên vào giữa tháng 5-2020. Tuy nhiên thì chỉ đến giữa tháng 9, kênh Thợ rừng đã đạt được Nút bạc cho 100.000 subs. Khi đó, bốn anh em quyết định mang phần thưởng này vào rừng, như để cảm ơn rừng, thay vì mở hộp ở nhà, lấy Nút bạc ra khoe với người xem ngay trên lán, sau đấy mới tổ chức một bữa tiệc nhỏ ăn mừng cùng những người thân tại nhà.

Phải nói rằng, mặc dù đi sau so với rất nhiều kênh về trải nghiệm, sinh tồn trong rừng, thành công mà Thợ rừng có được trước hết là nhờ sự chân thật trong những nội dung mà họ thực hiện. Mỗi chuyến đi, mỗi vi-đê-ô tải lên là một hoặc nhiều ngày kiếm sống thật sự trong rừng, không phải là những thử thách sinh tồn để biểu diễn, thể hiện các kỹ năng. Vì thế, các cảnh quay đều không có sự sắp đặt, cứ đi như thế nào, làm những gì thì họ quay như vậy, ngay cả khi công việc đấy rất nguy hiểm như Tự và Quý phải leo những cây cao vài chục mét để lấy hạt dổi hay mật ong. Nhờ đó, bốn anh em Hà, Minh, Tự và Quý dần dần được sự chú ý, rồi được người xem yêu thích. Thậm chí, có khán giả vì yêu quý mà gửi tặng họ những đôi dép đi rừng, lều ngủ, bộ đồ bảo hộ chống ong đốt hay chỉ đơn giản là những lọ ruốc thịt. Ðáp lại, những người thợ rừng tuổi 8x, 9x đều tự nhủ sẽ mang đến nhiều vi-đê-ô hấp dẫn, đa dạng các chủ đề về cuộc sống, sinh hoạt của họ hay về rừng núi Thanh Hóa, Nghệ An giới thiệu cho người xem. Bởi họ nghĩ không thể lúc nào cũng chỉ có những cảnh quay đi lấy hạt dổi hay mật ong, bắt cá, bắt lươn, rất dễ khiến nội dung trở nên nhàm chán và buồn tẻ.

Hà tâm sự, các anh muốn xây dựng kênh Thợ rừng thành công hơn nữa, có được cửa hàng bán và quảng bá những sản vật của địa phương như mật ong, hạt dổi, mắc khén và có một trang web riêng. Dĩ nhiên, đây cũng là mơ ước của nhiều YouTuber như Thợ rừng nhưng nếu ngược thời gian về một năm trước hoặc hơn thế, hẳn Hà, Minh, Tự và Quý có lẽ không nghĩ rằng, cuộc sống của họ thay đổi nhanh đến vậy. Giống như nhiều thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, họ rời Như Xuân tới các tỉnh, thành phố làm ăn nhưng công việc đều không ổn định. Cuối cùng thì Hà từ Hà Nội về nhà, với chút “vốn liếng” là kỹ năng chụp ảnh, xử lý ảnh, quay phim; Quý và Tự lúc làm chỗ này, chỗ nọ nhưng nhiều lúc vẫn chấp nhận vứt bỏ tất cả để về đi rừng hay làm những công việc mang tính thời vụ, trong khi Minh ngoài việc làm đầu bếp cho các nhà hàng cũng về lợp mái, dựng phông, bạt đám cưới. Thực ra thì ngay ở thời điểm này, nếu trong vùng có ai nhờ vả lắp mái tôn hay dựng phông, bạt, họ vẫn dành thời gian giữa những chuyến vào rừng để giúp đỡ mọi người và cũng để có thêm thu nhập.

Giờ thì họ đã trở về nhà, được làm công việc yêu thích, được khắp nơi trên cả nước, thậm chí nước ngoài biết đến và có thu nhập ổn định hơn so với những ngày đi làm thuê, các chàng trai người Thái đen, người Thổ ở Thanh Hóa có lẽ chẳng mong gì hơn là có sức khỏe, nhận được nhiều tình cảm của người xem dành cho kênh Thợ rừng. Khi tôi hỏi họ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian làm YouTuber, tất cả đều nhắc đến việc Tự từng bị ong đốt hơn 300 mũi trên người, trên mặt, tới mức anh phải nhập viện cấp cứu, chứ không phải là các sự kiện khác vui hơn, nhiều ý nghĩa hơn. Bởi với họ lúc đó, sức khỏe của Tự là trên hết và rồi sau này, khi có thời gian ngồi lại, họ cũng giật mình nhận ra công việc của họ thật sự đầy rẫy những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Lúc chia tay bốn anh em, tôi chỉ chúc và mong họ được bình an, như Tự và Quý vẫn cầu trước mỗi bữa ăn rằng “Con cháu đi kiếm ăn, có cơm, có rượu, có thịt… thổ công, thổ địa ăn cơm trước con cháu, phù hộ cho con cháu đi kiếm ăn được may mắn, phù hộ cho con cháu sức khỏe để đi đến nơi, về đến chốn”.

NGUỒNNhân dân
Tags:
CHIA SẺ