Những “ngọn hải đăng” giúp giữ rừng Yên Bái

BVR&MT – Từ khi ngành kiểm lâm và người dân dựng lên những chiếc chòi canh rừng giữa trập trùng núi rừng Yên Bái như những “ngọn hải đăng” trên biển đảo nhằm phát hiện sớm những đám cháy thì việc rừng bị cháy giảm xuống chỉ còn 01 vụ/ năm so với vài chục vụ như những năm trước.

Cách làm hay lắm!

Ông Nguyễn Thái Bình, Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm Yên Bái vốn là người gắn bó lâu năm ở tỉnh nên dấu chân ông gần như đã đặt đến tất cả các địa phương – chia sẻ với phóng viên Báo chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường: “Mùa khô năm 2016 – 2017 là mùa khô êm đềm nhất, cả một mùa chỉ xảy ra duy nhất một vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại không đáng kể, những năm trước cứ vào mùa là anh em kiểm lâm như ngồi trên đống lửa, mỗi mùa có đến vài chục vụ, do địa hình phức tạp nên khi phát hiện cháy không kịp thời rất khó chữa, chỉ khi gặp khe nước, ngọn lửa yếu đi thì mới khống chế được”.

Rừng ở Yên Bái thường ở vùng núi cao, gió mạnh, khô hanh nên nguy cơ cháy rất cao vào mùa khô.

Tiếp tục mạch hứng khởi ấy ông “bật mí” thêm: “Năm nay chúng tôi yên tâm hơn rồi, công tác giữ rừng và PCCCR đang được ngành kiểm lâm ở các điểm nóng thực hiện rất tốt. Tôi nghĩ các nhà báo nên đến tận nơi xem. Cái này hay lắm!”

Câu chuyện thú vị của vị tư lệnh ngành Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã thôi thúc chúng tôi vượt gần 200km đường rừng uốn lượn, nhiều đoạn đi trên mây trắng để đến huyện Mù Cang Chải, cùng theo chân anh Trần Quốc Toàn (SN 1984) và Vàng Súa Lử (SN 1983) là hai kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Púng Luông và xã Nậm Khắt.

Trên đường các anh kể: “Púng Luông 9 bản có 9 chòi, Nậm Khắc cũng vậy, các chòi đều có người trực đều đặn, đổi ca cho nhau. Mùa mưa thì không sao, nhưng mùa khô, thường phải trực 24/24h vì để xảy ra cháy rừng là người trực ca đó phải chịu trách nhiệm”. Lúc này chúng tôi mới biết “cách làm hay lắm!” kia chính là những chiếc chòi canh đang sừng sững trên đỉnh núi trước mặt.

“Ngọn hải đăng” giữa biển rừng

Sau nửa giờ đi bộ, luồn rừng, trèo lên ngọn núi cao chừng vài cây số, chúng tôi thấy chiếc chòi canh lửa ở vị trí cao nhất như những “ngọn hải đăng” trên đỉnh đảo, cả nhóm nhanh chóng trèo lên chòi canh cao chừng 12 m, đứng trên chòi có thể quan sát được bốn bề xung quanh. Chiếc chòi canh được dựng lên bằng sắt thép, lợp mái tôn màu xanh, sàn là ván gỗ hết sức đơn giản, thô sơ (có chòi làm hoàn toàn bằng gỗ, lợp mái lá), nhưng đó lại là phương cách hiệu quả để bảo vệ rừng. Được biết, “ngọn hải đăng” này của anh Mý Háng Tâu, một người dân sinh ra và lớn lên ở xã Púng Luông.

Chòi canh rừng sừng sững giữa rừng như ngọn hải đăng giữa biển.

Anh Tâu cho biết: “Từ ngày quỹ bảo vệ rừng của địa phương và chòi canh lửa được triển khai, người dân chúng tôi thay phiên nhau trực, cứ 2 người trực 1 ca, sau đó đổi ca. Người dân trực canh cháy rừng được trả tiền khoán bảo vệ từ quỹ phòng cháy rừng của địa phương. Việc này đã được phân công rõ ràng, có sự giám sát của chính quyền xã và lực lượng kiểm lâm. Khi phát hiện có nguy cơ cháy rừng, người dân lập tức gọi điện về xã để huy động lực lượng, ca nào trực phải cắm cờ màu của ca đó để những người giám sát theo dõi”.

Cùng chúng tôi đứng ở chòi canh sừng sững như những ngọn hải đăng, phóng tầm mắt nhìn xa xăm, anh Tòng, Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông chia sẻ: “Mỗi đợt cháy rừng, lực lượng kiểm lâm rất mỏng, phải huy động bà con khắp xã. Nếu cháy nhỏ tại gần bản thì gọi tổ đội xung kích, dân bản ra dập lửa, nếu cháy lớn thì phải huy động toàn xã từ thành viên ủy ban, các ban ngành đoàn thể rồi dân toàn xã. Nếu cháy lớn nữa thì phải báo cáo huyện, huyện sẽ huy động các xã lân cận trợ giúp để dập tắt đám cháy”.

Từ ngày có những “ngọn hải đăng” người dân lại càng có trách nhiệm hơn và ý thức hơn việc giữ rừng.

Còn nếu phát hiện được người để xảy ra cháy rừng sẽ bị xử lý ra sao? Ông Lê Văn Hùng – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải nói: “Đã từng có người dân phải chịu trách nhiệm bằng cách trồng lại toàn bộ diện tích rừng bị cháy. Cây giống sẽ được cung cấp nhưng công trồng rừng, hộ dân đó phải đi huy động anh em, hàng xóm khắp bản trồng giúp.Trồng rừng xong thì phải mổ heo, giết gà để cảm ơn dân bản đã giúp đỡ trồng rừng, cũng là tạ lỗi vì đã lỡ làm cháy rừng. Từ ngày có quỹ bảo vệ rừng của địa phương do người dân tự đóng góp, người dân lại càng có trách nhiệm hơn và ý thức hơn việc giữ rừng. Họ đã biết nghĩ rằng giữ rừng là giữ cho mình, cháy rừng như thể cháy da thịt mình”.

Văn Hoàng