Những “Điểm tựa của bản làng” góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

BVR&MT – Trên mọi miền biên cương của Tổ quốc, những việc làm của người có uy tín đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, có tác dụng to lớn, động viên các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng biểu trưng và hoa cho những người uy tín vùng biên giới năm 2018.

Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chăm lo phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã ghi rõ: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết… Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc…

Quán triệt sâu sắc chủ trương đường lối của Đảng, các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, cả hệ thống chính trị đã xây dựng chương trình hành động, lập quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Một trong những nhiệm vụ được quan tâm là xây dựng đội ngũ những người có uy tín, già làng, trưởng bản mẫu mực làm cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân; là chỗ dựa tin cậy của các cơ quan chức năng.

Hiện nay, cả nước có 34.800 người có uy tín, do nhân dân tin tưởng, bầu chọn, đang ngày đêm lăn lộn với phong trào hành động cách mạng ở cơ sở. Trong đó, người có uy tín ở địa bàn biên giới có vai trò rất quan trọng. Đó là những người được thôn bản, buôn làng, phum sóc bình chọn, gắn bó mật thiết với nhân dân; không quản ngại khó khăn, vất vả, người có uy tín đã đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; tham gia giải quyết tốt mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn bản, buôn làng, phum sóc đoàn kết, bình yên, phát triển.

Người có uy tín trong cộng đồng ở khu vực biên giới là những người gương mẫu đi đầu trong phong trào “toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”; mồ hôi, công sức của người có uy tín đã góp phần xây dựng biên giới với các nước bạn hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Những bông hoa đẹp vùng biên

Đại úy Lỳ Hừ Cà, Đồn Biên phòng Leng Shu Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết Đồn biên phòng Leng Shu Sìn được giao quản lý đoạn biên giới giáp với nước bạn Lào và hai xã biên giới Chung Chải và Leng Shu Sìn. Đây là hai xã đặc biệt khó khăn, thành phần dân tộc đa dạng và tình trạng di cư tự do, tranh chấp đất đai, phá rừng làm nương rẫy… Điều đó đòi hỏi công tác vận động quần chúng phải có sự linh hoạt và nhạy bén.

Các đại biểu tham gia giao lưu tại Lễ tôn vinh.

Với vai trò Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Lỳ Hừ Cà cùng với các chiến sĩ trong Đồn đã phối hợp chặt chẽ với đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín tại địa phương để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến bà con nhân dân.

Thời gian qua, đơn vị đã cử nhiều tổ công tác xuống địa bàn, gần gũi các già làng, trưởng bản, người có uy tín để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để dần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc” hàng năm nhằm tạo môi trường cho các dân tộc giao lưu, tìm hiểu phong tục tập quán của nhau để hiểu và thông cảm với nhau, không còn phân biệt dân di cư hay dân bản địa. Khi bà con đã xích lại gần nhau hơn, chúng tôi lại cùng với các già làng, trưởng bản, người có uy tín tuyên truyền, vận động đồng bào cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới và tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đến nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của bà con dần đi vào ổn định. Có được điều đó là nhờ sự nỗ lực rất lớn của người có uy tín tiêu biểu như già làng Hù Chà Thái ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải và trưởng bản Chảo Go Tư ở bản Lỳ Mạ Tá, xã Sín Thầu cũng có mặt trong chương trình tôn vinh hôm nay. Thay mặt cho đồng chí, đồng đội, tôi xin được gửi lời cảm ơn các đại biểu người có uy tín của cả nước cũng như của khu vực biên giới tỉnh Điện Biên lời cảm ơn chân thành nhất.

Đại úy Lỳ Hừ Cà chia sẻ: Bản thân anh là người sinh ra và lớn lên trên vùng biên giới Mường Nhé, hình ảnh những người chiến sĩ biên phòng tận tụy vì nhân dân biên giới đã in đậm trong tâm trí của anh, nhất là tấm gương anh hùng Trần Văn Thọ qua lời kể của các già làng. Bởi vậy, khi được khoác trên vai màu quân hàm xanh, tôi xác định sẽ luôn khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ đơn vị phân công.

Là một người con của dân tộc Hà Nhì, song anh lại được đồng bào Mông, Shi La, Cống, Khơ Mú, Thái trên địa bàn hết sức tin tưởng và yêu quý, Đại úy Lỳ Hừ Cà cho biết: Bản thân anh luôn tâm niệm rằng đã khoác trên mình bộ quần áo của người lính bộ đội Cụ Hồ, tôi luôn nghĩ rằng, nếu chúng ta gần dân, tin tưởng dân hơn và vì bình yên hạnh phúc của nhân dân thi chúng ta nhận lại từ nhân dân niềm tin, sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân dành cho chúng ta.

Thời gian qua, với vai trò là Đại biểu Quốc hội khóa XII và là Phó hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi Yêu nước của tỉnh Sóc Trăng, Hòa thượng Thạch Huôn đã phối hợp với các ban ngành chức năng trong công tác vận động đồng bào thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua hàng chục buổi nói chuyện, tuyên truyền cho hàng ngàn lượt người dân cũng như bà con Phật tử trong vùng. Đặc biệt, Hòa thượng cũng đã cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt thường kỳ hàng tháng cho phật tử về nội dung Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” cũng như mỗi tháng 4 lần tổ chức vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tích cực tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên biển.

Qua đó, đồng bào dân tộc thiểu số xã Lai Hòa đã cung cấp hàng nghìn nguồn tin có giá trị cho lực lượng công an, quân sự triệt phá nhiều vụ án hình sự, gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Hòa thượng cũng đã trực tiếp tham gia cùng chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng giải quyết dứt điểm một số vụ việc liên quan đến tôn giáo như đất đai, truyền đạo trái phép, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, gây mất an ninh chính trị cũng như gây mâu thuẫn nội bộ trong các cơ sở thờ tự.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, với vai trò của mình, hòa thượng Thạch Huôn đã tích cực vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các công trình giao thông nông thôn và công trình phúc lợi. Đồng thời cũng đã bàn bạc, thống nhất trong nhà chùa để hiến gần 20.000 m2 đất để xây dựng trường tiểu học và trung học cơ sở tại ấp Prey Chóp B. Bản thân hòa thượng Thạch Huôn cũng duy trì tốt việc dạy chữ Khmer cho khoảng từ 120 đến 150 con em phật tử người Khmer trên địa bàn từ lớp 1 đến lớp 3 tại chùa, trong đó có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ học bổng. Bên cạnh đó, là một chức sắc tôn giáo người Khmer, hơn ai hết, Hòa thượng Thạch Huôn hết sức trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình nên luôn tích cực vận động nhân dân bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống như Tế Chol Chnam Thmây, Lễ Sene Đôl Ta, lễ Oóc Om Bóc cùng các làn điệu hát múa truyền thống như Rom Vong, Lăm Leo, Saravan, múa xúc tép, múa gặt lúa…

Về dự chương trình Tôn vinh người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới năm 2018, hòa thượng Thạch Huôn cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín tiêu biểu mà chính quyền và bà con nhân dân đã bình chọn, tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong phụng sự Phật pháp và phương châm sống “Tốt đời đẹp đạo” của một tu sĩ Phật giáo, nỗ lực gắn kết, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và đặc biệt là tham gia tích cực vào cuộc phong trào Toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.