Những điểm nhấn kinh tế – xã hội 2017 và dấu ấn lãnh đạo, điều hành

BVR&MT – Những nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ và toàn hệ thống chính trị đã làm nên “một năm đặc biệt”, tạo nền tảng và niềm tin để chúng ta bước vào năm 2018 và chặng đường tiếp theo.

Năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Kinh tế tăng trưởng vượt bậc, với 13 chỉ tiêu đều đạt, vượt mức đề ra

Năm 2017 là một năm đặc biệt khi lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, trong đó tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt mục tiêu 6,7% được đề ra trước đó và trở thành mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Có thể nói, Chính phủ đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội giao; trong chỉ đạo điều hành luôn kịp thời, nhịp nhàng; giữ vững được sự ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, an sinh xã hội. Điều đáng nói, GDP liên tục tăng trưởng đều đặn qua các quý, cho thấy dấu ấn và hiệu quả của những giải pháp được Chính phủ ban hành.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; xuất khẩu tăng mạnh và xuất siêu 2,7 tỷ USD, khu vực công nghiệp phục hồi rõ nét, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.

Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Số doanh nghiệp thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục, với trên 126.850 doanh nghiệp, số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 3,16 triệu tỷ đồng; đồng thời có trên 26.450 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Quyết tâm của Đảng, Nhà nước phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực

Quyết tâm chính trị mạnh mẽ, dứt khoát, rõ ràng của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ủng hộ, hưởng ứng. Hàng loạt cán bộ lãnh đạo, kể cả cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị truy cứu trách nhiệm về hành vi tham nhũng, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều vụ án kinh tế lớn, phức tạp được đưa ra xét xử, điển hình là vụ án ở Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) gây thất thoát 2.000 tỷ đồng với số lượng người bị triệu tập tham gia tố tụng kỷ lục hơn 700 người. Đáng chú ý là việc khởi tố, bắt tạm giam, tới đây đưa ra xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhiều vị nguyên là lãnh đạo tập đoàn này. Xử lý sai phạm nghiêm trọng của ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Xử lý kỷ luật nghiêm khắc tập thể và người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt nhiệm kỳ 2011 – 2015 ở một số tỉnh, thành phố, bộ, ngành, doanh nghiệp.

Năm thành công về đối ngoại, đặc biệt là tổ chức thành công Năm APEC 2017

Năm APEC 2017 có chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, với 243 sự kiện được tổ chức ở 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, đón khoảng 21.000 đại biểu; đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao tại TP. Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11/11 với sự tham gia của 11.000 đại biểu, lãnh đạo các nền kinh tế APEC và doanh nghiệp.

Không chỉ thành công về công tác tổ chức, với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã chủ động, sáng tạo điều phối các hoạt động; đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp có giá trị, góp phần nâng cao vai trò, tác dụng của APEC; thể hiện vị thế và uy tín của Việt Nam ở châu Á – Thái Bình Dương.

Một năm tổng lực hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2017 ghi nhận hàng loạt nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương các bộ “dũng cảm cắt bỏ quyền lực của mình”, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp.

Với phương châm Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp. Tổ Công tác của Thủ tướng đã có hàng loạt cuộc làm việc sâu sát, tích cực với các bộ, ngành, địa phương để nắm bắt, rà soát, đôn đốc. Kết quả là cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, nhất là thủ tục về thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Quyền kinh doanh, tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp được đảm bảo, với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP quy định cụ thể trình tự một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; Tăng cường các giải pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu các cơ quan chức năng không được thanh tra quá 1 lần/năm đối với mỗi doanh nghiệp.

Lần đầu tiên, Trung ương có Nghị quyết xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế

Sau hơn 30 năm đổi mới của đất nước, kinh tế tư nhân lần đầu tiên được khẳng định là “một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết này là phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Đồng thời, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Xuất nhập khẩu đạt con số kỷ lục, ghi dấu mốc quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế

Kết thúc năm 2017, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xác lập kỷ lục mới khi đạt mốc 424,87 tỷ USD, với sự bứt phá của cả 3 chân kiềng: nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo. Kết quả này là nhờ công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và toàn xã hội.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy những bước tiến lớn của hoạt động xuất nhập khẩu. Năm 2001 – năm đầu tiên của thế kỷ 21, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số hơn 30 tỷ USD; năm 2007 đạt 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO; năm 2011 tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD và đạt 300 tỷ USD năm 2015. Riêng năm 2017, khoảng thời gian để chinh phục cột mốc mới đã được rút ngắn một nửa, khi chỉ cần 2 năm (2016 – 2017), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt mức 424,87 tỷ USD.

Như vậy, tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay (sau 10 năm), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gấp 4 lần. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 năm 2016.

Chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lũ

Năm 2017 là năm kỷ lục về số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới với 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn, lũ ống, lũ quét, lở đất, lở núi kinh hoàng ở các địa phương Tây Bắc và miền Trung. Các cơn bão, lũ xảy ra với cường độ mạnh, tính chất ngày càng trái quy luật, khó dự đoán.

Chỉ tính riêng cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa đã khiến hơn 100 người chết, hàng chục người mất tích. Sắp kết thúc năm 2017, hai cơn bão 15, 16 kèm mưa lớn tiếp tục đổ bộ vào vùng biển và các tỉnh phía Nam. Thống kê cả năm 2017, thiên tai, bão lũ cướp đi mạng sống của hơn 380 người; nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm bị mất trắng; các công trình hạ tầng và nhà dân bị sạt lở, hư hại, đổ sập, cuốn trôi. Thiệt hại lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể và cộng đồng đã chung tay ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, để giảm thiệt hại về người và của, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân và khôi phục sản xuất – kinh doanh.

Thị trường chứng khoán phục hồi ấn tượng

Ngày 4/12/2017, chỉ số VN-Index đạt mốc 970 điểm (tăng gần 46% so với ngày 30/12/2016), chính thức lấy lại toàn bộ điểm số đã mất kể từ cuối năm 2007 do chịu tác động trực tiếp từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Mức vốn hóa thị trường đến cuối năm 2017 đạt gần 3.360 ngàn tỷ đồng, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020.

Năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 26.000 tỷ đồng cổ phiếu, trái ngược hẳn so với thực tế của năm 2016 khi khối ngoại bán ròng 6.821 tỷ đồng. Đây là lượng giao dịch ròng trực tiếp thông qua giao dịch hàng ngày lớn nhất lịch sử, vượt xa cả thời kỳ bùng nổ 2007.

Năm 2017, thị trường vốn cũng chứng kiến dấu ấn của các nhà đầu tư nước ngoài khi các thương vụ thoái vốn nhà nước kỷ lục và thành công đều ghi nhận ưu thế của họ như thương vụ Sabeco, Vinamilk… Những thương vụ thoái vốn kỷ lục đó cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang rất kỳ vọng vào thị trường Việt Nam, khi năm 2018 sẽ còn những doanh nghiệp lớn nữa tiếp tục thoái vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược như Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, MobiFone, PV Oil, PV Power…

Việt Nam thu hút được khoảng 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tiếp tục là điểm đến tin cậy

12,9 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2017 là kỷ lục thu hút khách quốc tế đông nhất từ trước đến nay, tăng 29,1% so với năm 2016, được Tổ chức Du lịch thế giới xếp thứ 6/10 điểm đến du lịch có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy hình ảnh một Việt Nam năng động, môi trường chính trị – xã hội ổn định tiếp tục được bạn bè quốc tế tin yêu.

Năm 2017, ngành du lịch cũng đã phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 510.000 tỷ đồng, đóng góp tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.