Những chính sách mới có hiệu lực đầu năm 2022

BVR&MT – Đầu năm 2022, hàng loạt chính sách mới quan trọng có hiệu lực thi hành. Trong đó, có thể kể đến các Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Nghị định về tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng…

Tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội

Nghị định 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ mang tin vui đến ngay từ ngày đầu năm 2022 cho những người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu và mức trợ cấp được tăng 7,4% so với mức lương hưu, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội của tháng 12/2021.

Rút ngắn kỳ điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 10 ngày/lần.

Sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức tăng nêu trên, mà mức lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng, người nghỉ hưu trước năm 1995 còn được tăng thêm với mức như sau: Tăng 200.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng liên quan trực tiếp đến người dân, Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều cũng có hiệu lực từ đầu năm mới. Cụ thể, từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn, thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo.

Trước đây, ở thành thị, hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì mới được coi là hộ nghèo. Còn ở nông thôn, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì được xác định là hộ nghèo.

Cũng từ ngày 1/1/2021, với các khoản vay mua nhà ở, theo Quyết định 1956 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 là 4,8%/năm, bằng với mức lãi suất năm 2021 và giảm 0,2%/năm so với các năm 2019 và 2020. Đối tượng được vay vốn là: Cán bộ, công chức, viên chức và người thu nhập thấp cần vay vốn để mua nhà ở xã hội hoặc mua ở nhà thương mại diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; hoặc mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có tổng giá trị hợp đồng mua bán không quá 1,05 tỷ đồng…

Càng xả nhiều rác càng phải trả nhiều tiền

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với 16 chương, 171 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, với nhiều điểm mới quan trọng như mở rộng phạm vi điều chỉnh, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao…

Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Luật này là quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý theo quy định (hiện nay, theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, không phân loại rác có thể sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng). Ngoài ra, Luật mới cũng quy định giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Tức là, kể từ ngày 1/1/2022, gia đình, cá nhân nào càng xả nhiều rác thì càng phải trả nhiều tiền…

Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, với nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, đáng quan tâm là quy định cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định người đi xuất khẩu lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước đến làm việc, nếu hai nước đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Điểm mới quan trọng khác là Luật nghiêm cấm việc thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động của người lao động.

Tăng nặng các mức xử phạt vi phạm giao thông

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng đã tăng nặng nhiều mức xử phạt vi phạm. Cụ thể, nghị định bổ sung quy định: Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đón, trả khách; nhận, trả hàng trên đường cao tốc.

Hành vi điều khiển ô tô không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị xử phạt 4-6 triệu đồng, thay cho mức phạt cũ từ 800.00 đồng đến 1 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên, mô tô ba bánh thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Có giấy phép lái xe, nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển; không có giấy phép lái xe, hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy phép lái xe bị tẩy xóa…

Hành vi không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, thay cho mức phạt từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Hành vi tài xế ôtô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng, thay cho mức phạt 3-5 triệu đồng; Người lái ôtô có bằng lái xe hết hạn trên 3 tháng, không có bằng lái xe, tẩy xóa, sử dụng bằng lái xe không hợp lệ cũng bị phạt 10-12 triệu đồng…

Với hành vi đua mô tô, xe máy, xe đạp điện trái phép, mức phạt tăng từ 7-8 triệu đồng lên 10-15 triệu đồng và tịch thu xe; hành vi đua ôtô trái phép tăng từ 8-10 triệu đồng lên 20-25 triệu đồng và tịch thu xe. Ngoài ra, Nghị định 123/2021 bổ sung quy định phạt tiền 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện trốn tránh, không trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi phương tiện tham gia giao thông qua các trạm thu phí…/.

                    Giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh 10 ngày một lần
Có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu quy định giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hằng tháng (tức là 10 ngày một lần). Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.

Trước đây, Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Việc rút ngắn khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá, xăng của Nghị định 95/2021/NĐ-CP được cho là nhằm tránh tình trạng tăng giá sốc, giảm giá chậm như hiện nay.