Những chiến sỹ “áo xanh” trên mặt trận “Giải cứu nông sản”

BVR&MT – Trong khi các cấp ngành chức năng vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán “giải cứu nông sản” thì như thường lệ, trên những tuyến phố tấp nập của Thủ đô Hà Nội, những “màu áo xanh” thân thuộc của thanh niên tình nguyện lại xông xáo và cần mẫn từ sáng sớm tới tối khuya chỉ với một tinh thần duy nhất đó là san sẻ bớt đi nỗi đau của người nông dân Việt.

Bà con nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội bên những cánh đồng củ cải chất đống vì không bán được.

Những ngày qua trên các phương tiện truyền thông báo chí tràn ngập hình ảnh những cánh đồng tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội và một số địa phương khác với la liệt những bó củ cải, su hào… được chất thành đống, chẳng ai mảy may đoái hoài tới. Bên cạnh là hình ảnh người nông dân với vẻ mặt tiêu điều, buồn bã. Tất cả đều xuất phát từ một “điệp khúc” đã quá đỗi quen thuộc – “Được mùa, mất giá!”.

Sức trẻ, bầu nhiệt huyết và còn hơn thế…

Vô tình ngang qua địa điểm ngã ba Kim Mã – Đê La Thành – Cầu Giấy những ngày cuối tháng 3 này hẳn ai cũng bị cuốn hút bởi một góc nhỏ bắt mắt mang dòng khẩu hiệu “CHIẾN DỊCH GIẢI CỨU NÔNG SẢN – NGƯỜI VIỆT DÙNG NÔNG SẢN VIỆT” mà các bạn sinh viên tình nguyện đã dày công thiết kế và bài trí một cách đầy ấn tượng. Ngay cạnh tấm phông ấy là hàng trăm những túi đựng nào là su hào, củ cải, rồi khoai tây… được bày gọn gàng, ngay ngắn mà nếu lướt qua mọi người tưởng như đang được tham quan một triển lãm nông sản vậy.

Một trong những địa điểm tổ chức “Chiến dịch giải cứu nông sản” của các bạn thanh niên tình nguyện trên phố Đê La Thành – Đống Đa – Hà Nội.

“Cắm chốt” tại vị trí này suốt nhiều ngày qua, những chàng trai, cô gái độ tuổi đôi mươi trẻ trung mang trên mình màu áo xanh tình nguyện với nụ cười luôn thường trực trên môi, chốc chốc lại niềm nở mời gọi  khách qua đường mua nông sản giúp bà con nông dân. Họ là sinh viên, nhân viên, thậm chí có cả giám đốc đang công tác và học tập trên địa bàn Tp. Hà Nội nhưng đều là thành viên mang sức trẻ, bầu nhiệt huyết của Trung tâm Phát triển Thanh thiếu niên Việt Nam – Cộng đồng tình nguyện Việt Nam.

Trao đổi cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử, anh Đỗ Văn Dệ – Giám đốc Trung tâm Phát triển Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết: “Thấu hiểu được những gánh nặng người nông dân phải trải qua trong quá trình sản xuất nông nghiệp chúng tôi đã chủ động về tận địa phương để thu mua nông sản tồn đọng cho bà con, sau đó đưa ra thị trường thông qua chiến dịch “Giải cứu nông sản” nhằm thúc đẩy sức mua người tiêu dùng, giảm bớt thiệt hại cho người làm nông nghiệp địa phương”.

Theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, diện tích sản xuất củ cải đến kỳ thu hoạch tại xã Tráng Việt khoảng 20ha, sản lượng ước 1.200 tấn, trong khi đặc thù củ cải rất khó bảo quản nên cần phải tiêu thụ gấp. Ngoài ra, vẫn còn khoảng 20ha đang ở giai đoạn cây non.

Hiện, giá củ cải bán tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt khoảng 1.500-2.000 đồng/kg; củ cải già dùng để sấy khô và muối chỉ còn 1.000 đồng/kg.

Quá trình triển khai chương trình cũng được thành viên trong Ban tổ chức tiến hành hết sức bài bản và khoa học.

“Khi nhận được thông tin về nông sản chúng tôi sẽ cử người về địa phương khảo sát xem quy mô và mức độ đến đâu, chất lượng nông sản như thế nào, đã được kiểm định về vệ sinh an toàn thực phẩm hay chưa…Sau đó thu mua nông sản, đóng gói và đưa lên xe bảo quản và vận chuyển tới nơi cần tiêu thụ đó là những thành phố lớn, nơi tập trung dân cư đông đúc, sức tiêu thụ lớn.

Mỗi ngày bình quân chúng tôi bán được khoảng 2 tấn củ cải, 20.000 củ su hào, cùng với đó là khoai tây, khoai lang…”, anh Dệ hào hứng chia sẻ.

Đặc biệt, với những tiêu chí liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng, ban tổ chức “Chiến dịch giải cứu nông sản” luôn tuyển chọn kỹ càng và khắt khe chất lượng đầu vào của nông sản. Theo đó, chỉ những sản phẩm có sự kiểm định của các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp, sản xuất theo quy trình VietGAP thì nhóm mới nhập vào. Trong quá trình bảo quản, những nông sản có dấu hiệu xuống cấp sẽ bị loại bỏ ngay lập tức.

Chỉ những sản phẩm có sự kiểm định của các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp, sản xuất theo quy trình VietGAP thì nhóm mới nhập vào và bán cho người tiêu dùng.

Mỗi chiến dịch như vậy, theo BTC kinh phí bỏ ra có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Các xe tải thu mua được BTC bố trí nhanh nhất về các địa phương đang chờ được “giải cứu nông sản”, nơi gần thì có Tráng Việt (Mê Linh Hà Nội), xa thì tới tận Hải Dương, Lào Cai…

Hiện nhóm đã xin được 5 địa điểm tổ chức trên các tuyến phố như Đê La Thành, Giảng Võ, Thái Hà… và sức mua cũng khá tốt. Và như những nhà kinh doanh “lão luyện”, việc tổ chức phân phối giữa các điểm cũng được Nhóm cập nhật thường xuyên, nơi nào tiêu thụ tốt sẽ có phương án “chuyển giao” số lượng nông sản kịp thời sao cho thành phẩm đưa tới người tiêu dùng luôn trong trạng thái tươi ngon nhất. Cuối ngày các bạn lại vào sổ và kiểm kê thu chi vô cùng khoa học và lên phương án cho những ngày tiếp theo.

Tuy phức tạp và gian nan là vậy, song với sự sáng tạo và chủ động trong mọi tình huống, chiến dịch đặc biệt của những chiến sỹ “áo xanh” luôn thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận, từ đó thúc đẩy tinh thần vì cộng đồng của xã hội. Lợi nhuận thu được Ban tổ chức trang trải số vốn và kinh phí đã đầu tư, tích lũy cho những chương trình vì cộng đồng sắp tới.

Tuổi trẻ là cho đi…

“Chiến dịch giải cứu nông sản” của các thành viên Trung tâm Phát triển Thanh thiếu niên Việt Nam – Cộng đồng tình nguyện Việt Nam tưởng như sẽ dễ dàng triển khai nhưng nếu không có bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thần thiện nguyện hết mình vì cộng đồng thì thật khó để thực hiện.

“Để có thể triển khai được chương trình ý nghĩa này nhóm đã phải tự mình lên kế hoạch mà không được bất cứ sự tư vấn, động viên nào từ các cấp Thành đoàn Thành phố. Sau đó chúng tôi cất công đến “gõ cửa” từng phường trên địa bàn thành phố Hà Nội để xin được những địa điểm tổ chức bán nông sản cho bà con. Tuy một số lãnh đạo chính quyền sở tại thấu hiểu và đồng ý cho nhóm được tổ chức, nhưng đa phần đều nhận được những cái lắc đầu tiếc nuối. Đến thời điểm hiện tại chúng tôi chỉ xin được năm địa điểm trong khi số nông sản cần phải tiêu thụ còn rất lớn”, anh Dệ ngậm ngùi chia sẻ.

Đêm đến những chiếc lều “dã chiến” trở thành nơi ăn uống, nghỉ ngơi và “nuôi” hy vọng cho những thành công của chiến dịch giải cứu nông sản mà nhóm vẫn đau đáu kể từ lúc bắt đầu.

Thêm vào đó, đôi lúc các đội an ninh trật khu vực do không được địa phương thông báo nên thường xuyên đến địa điểm bày bán nông sản để thẩm tra xác minh cũng phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp mà các bạn đang muốn hướng đến người dân. Đó là chưa kể những lần phải đối đầu với những thành phần xã hội đến gây gổ, đòi bảo kê, làm luật…

Khi được hỏi với những điều đang làm và miệt mài cống hiến các bạn có mong nhận lại gì không, những chàng trai, cô gái mang trên mình màu áo xanh liền nở nụ cười vô tư và hồn nhiên đáp lại rằng, chúng mình chỉ đang phấn đấu hết mình vì tuổi trẻ và xã hội mà thôi.

Dù còn nhiều khó khăn và chông gai, những chiến sỹ “áo xanh”  vẫn cần mẫn và nhiệt huyết trên mặt trận “Giải cứu nông sản Việt”.

Trong những chiến dịch ấy chúng mình đã được trải nghiệm thất bại và thành công, được trưởng thành hơn trong suy nghĩ và kỹ năng sống để sau này trong những cương vị, vị trí mới vẫn hết lòng vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc, vì sự phát triển của cộng đồng và xã hội chứ không mong muốn gì hơn.

Đối với riêng chiến dịch giải cứu nông sản, các bạn tình nguyện viên thực sự mong rằng sẽ không còn phải “giải cứu nông sản” nữa, hy vọng  các ngành các cấp của Bộ NN&PTNT cũng như chính quyền các địa phương quan tâm hơn nữa đến đời sống bà con, xây dựng những chiến lược phát triển phù hợp, có định hướng rõ ràng để tới đây điệp khúc “Mất mùa được giá” hay “Được mùa mất giá” sẽ không còn lặp lại.

Mới đây, Sở Công thương Hà Nội đã có công văn gửi các doanh nghiệp, ban quản lý chợ, đề nghị hỗ trợ thu mua và bán củ cải cho xã Tráng Việt (huyện Mê Linh); đồng thời, hỗ trợ nông dân sơ chế, chế biến sản phẩm. Hiện, hệ thống siêu thị BigC cam kết hỗ trợ tiêu thụ 30 tấn; hệ thống siêu thị Fivimart tổ chức quầy hàng tại khuôn viên; chuỗi thực phẩm Tâm Thành, Biggreen cam kết bán hàng không lấy lãi hỗ trợ người dân.

 

Phóng viên baovemoitruong.org.vn ghi lại một số hình ảnh đẹp của những “màu áo xanh” dưới đây:

Từ sáng sớm tới tối khuya, các tình nguyện viên vẫn hừng hực khí thế và hết mình cho chiến dịch giải cứu nông sản.

Nông sản được “giải cứu” rất đa dạng với đủ loại từ củ cải, su hào, cho đến khoai tây…
Những chiếc lều “dã chiến” là đại bản doanh của các chiến sỹ “áo xanh” bất kể trời mưa nắng, ngày đêm.

Sự ủng hộ và quan tâm của người tiêu dùng là niềm động viên vô cùng lớn lao và ý nghĩa đối với các thanh niên tình nguyện trong chiến dịch đặc biệt này.

Hậu Thạch – Hoàng Tưởng