Những “bà đồng nát” làm việc không vì tiền!

BVR&MTNếu ở một số khu vực, địa điểm, hoạt động thu gom, phân loại rác thải còn xa lạ với nhiều người dân thì tại Tổ dân phố số 7, phường Phúc Đồng, quận Long Biên (TP Hà Nội), từ hơn một năm qua, Chi hội Phụ nữ nơi đây đã triển khai hiệu quả mô hình “Thu gom, phân loại rác tái chế gây quỹ hội, bảo vệ môi trường”, thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia, tạo sức lan tỏa rộng rãi. 

Từ khi triển khai mô hình “Thu gom, phân loại rác tái chế gây quỹ hội, bảo vệ môi trường”, đều đặn mỗi ngày, cô Trần Thị Thu Hương – một “hạt nhân nòng cốt” trong Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố số 7 lại đến từng hộ gia đình để “xin rác”. “Hằng ngày, cứ 8h sáng là chúng tôi đi thu gom rác ở những nhà có người về hưu. Khoảng 5h-5h30 chiều, chúng tôi lại đi thu gom tiếp, ở những gia đình bận đi làm. Được làm công việc này, tôi thấy vui lắm. Vì mình vừa làm sạch môi trường, vừa gây quỹ”, cô Hương hào hứng chia sẻ. 

Sau khi thu gom, rác thải sẽ được đưa về kho chung. Chai nhựa, bìa carton, sắt thép… được để riêng, gọn gàng trong từng bao tải. Với các loại rau, củ thừa trong ăn uống, các “bà đồng nát” sẽ tận dụng làm phân bón cho cây. 

Hai tuần một lần, Chi hội Phụ nữ sẽ tổ chức bán phế liệu. Số tiền thu được sẽ dùng để từ thiện hay ủng hộ quỹ xã hội như ủng hộ tiền mặt và khẩu trang cho tỉnh Bắc Giang trong đợt dịch năm 2021; ủng hộ cho quỹ vaccine phòng chống Covid-19; thăm các gia đình liệt sỹ (27/7); mua quà cho các em nhỏ khuyết tật nhân dịp 1/6 hay Tết Trung thu…

Bên cạnh những đóng góp thiết thực kể trên, việc thu gom, phân loại rác thải còn có ý nghĩa với môi trường sống, làm đẹp cảnh quan đô thị. Nhờ bàn tay cần mẫn, chăm chỉ của các chị em phụ nữ mà giờ đây, mỗi con đường ở Tổ dân phố số 7 đều sạch sẽ, không có bóng dáng của bất kỳ loại rác thải, phế liệu nào. 

Không chỉ người lớn, những đứa trẻ nơi đây cũng có ý thức giữ gìn cảnh quan chung. Sau khi uống nước ngọt xong, thay vì xả thải ra môi trường, chúng sẽ tìm đến bà Hương “đồng nát”, tíu tít khoe: “Bà ơi, con có lon nước ngọt cho bà này!”. Mỗi khi nhận được “món quà” từ các cháu, những “bà ve chai” lại dành lời khen có cánh cho các em, như một cách khích lệ, động viên việc làm ý nghĩa của con trẻ. Có thể thấy, những đứa trẻ nơi đây đã được giáo dục kỹ lưỡng về việc giữ gìn, bảo vệ môi trường. Đó không phải là những bài giảng nặng về lý thuyết, mà là những việc làm thực tế, tuy nhỏ mà ý nghĩa. 

Trước khi việc phân loại rác thải được người dân Tổ dân phố số 7 ủng hộ như bây giờ, các cán bộ thuộc Chi hội Phụ nữ đã phải nỗ lực rất nhiều trong công tác tuyên truyền, vận động. 

Nhớ lại những ngày đầu triển khai mô hình “Thu gom, phân loại rác tái chế gây quỹ hội, bảo vệ môi trường” – ở thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà Thiều Thị Thu – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố số 7 cho biết: “Khó khăn lớn nhất là vấn đề bảo quản rác thải. Vì dịch bệnh phức tạp, những người đi mua rác không thể làm việc. Khi ấy chúng tôi phải trao đổi với nhau trên Zalo, bàn các biện pháp để vừa phòng dịch, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường cho khu phố”.

Dịch bệnh đã khiến Chi hội Phụ nữ “đau đầu” với chuyện bảo quản phế liệu. Thêm vào đó, nhiều ông chồng lại không ủng hộ việc vợ mình đi phân loại rác thải trong thời điểm dịch bệnh hoành hành. Nhiều ông còn “nói nhỏ” với bà Thu là nếu cần gây quỹ, họ sẵn sàng ủng hộ tiền mặt thay vì để vợ miệt mài kiếm từng đồng từ rác thải. 

Thấu hiểu nỗi lo của các ông chồng, cán bộ Chi hội Phụ nữ đã mua sắm, trang bị cho hội viên găng tay, khẩu trang 4D và xịt khuẩn để đảm bảo an toàn. Sau khi thu gom, rác sẽ được buộc cẩn thận trong các túi bóng, khử khuẩn trước khi cất vào kho.

Bên cạnh đó, các cán bộ Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố số 7 còn tích cực tuyên truyền, chia sẻ về mục đích, ý nghĩa của việc phân loại rác thải; hướng dẫn các hộ gia đình phân loại đúng cách. Nhờ vậy mà sau khi tình hình dịch bệnh “hạ nhiệt”, mô hình “Thu gom, phân loại rác tái chế gây quỹ hội, bảo vệ môi trường” đã phát triển hơn. “Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, mô hình thu gom, phân loại rác thải được triển khai rộng hơn. Các gia đình cũng dần nhận thấy những hiệu quả, lợi ích từ mô hình này nên bắt đầu thực hiện việc phân loại rác ngay từ nhà”, bà Thiều Thị Thu cho hay. Bà Thu cũng vui vẻ tiết lộ thêm, lượng phế liệu mà các “bà đồng nát” thu gom được ngày một nhiều. Từ đầu tháng 1 đến nay, Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố số 7 đã bán phế liệu được hơn 9 triệu đồng.

Cũng vui mừng trước kết quả trên, cô Lê Thị Lẽ, Tổ trưởng Tổ 2 – Chi Hội Phụ nữ Tổ dân phố số 7 chia sẻ: “Mô hình thu gom, phân loại rác thải là mô hình ý nghĩa, giúp môi trường sạch, đẹp. Các chị em ở đây đều nhiệt tình, năng nổ. Ngay cả các cháu nhỏ, khi thấy rác thải, phế liệu cũng đều có ý thức mang đến cho các bà”. 

Dù công việc thu gom, phân loại rác thải đôi khi cũng nặng nhọc, vất vả, nhưng những “bà đồng nát” ở Tổ dân phố số 7 vẫn luôn vui vẻ, mỉm cười mỗi khi làm việc. Cô Nguyễn Thị Hiền – một hội viên năng nổ trong việc phân loại rác bộc bạch: “Trong gia đình, các con, các cháu đều ủng hộ, hỗ trợ tôi trong việc thu gom rác thải nên tôi thấy vui lắm. Mỗi khi phân loại rác, các chị em thường trò chuyện vui vẻ, còn hát cho nhau nghe”.

Không chỉ triển khai mô hình thu gom, phân loại rác thải, để góp phần bảo vệ môi trường, Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố số 7 còn năng nổ tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa khác như tổng vệ sinh môi trường vào sáng thứ bảy hằng tuần; tham gia ngày hội thu gom, phân loại rác tái chế; tham gia chương trình đổi rác lấy quà…

Một việc làm – hai ý nghĩa, mô hình “Thu gom, phân loại rác tái chế gây quỹ hội, bảo vệ môi trường” của Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố số 7 không những giúp môi trường được xanh, sạch hơn, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của xã hội. Mong mô hình trên sẽ được nhân rộng tại nhiều khu vực thuộc dải đất hình chữ S, để chất lượng môi trường ngày càng được cải thiện, nâng cao.Thực hiện: Trà Giang – Hồng Nhung