Nhu cầu xuất khẩu tăng, giá lúa ĐBSCL cao ngất ngưởng

BVR&MT – Giá thu mua lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tăng cao kỷ lục, đặc biệt các loại lúa hạt dài. Giá tăng đang ảnh hưởng trực tiếp tới việc giao dịch những hợp đồng mới và nhiều doanh nghiệp thiếu gạo thành phẩm để đáp ứng cho các hợp đồng đang phải ngược xuôi tìm mua.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa lên cao kỷ lục do vụ Đông Xuân đã kết thúc thu hoạch, diện tích thu hoạch của vụ Hè Thu chưa đáng kể. Trong khi đó, những thông tin mở thầu cùng những lời đồn đoán về nhu cầu thu mua gạo với khối lượng lớn của các nhà nhập khẩu quan trọng như Philipines, Indonesia… cũng tạo tâm lý khiến giá lúa tăng cao.

Giá lúa tại ĐBSCL tăng cao đã làm gia tăng lợi nhuận cho người trồng lúa.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, hiện giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL đang tiếp tục tăng mạnh. Đặc biệt là giá gạo thành phẩm, trong đó giá gạo trắng 5% tấm đã vượt hơn 10.000 đồng/kg. Riêng giá lúa khô loại thường ở ĐBSCL đang dao động từ 6.700 – 6.800 đồng/kg, lúa khô hạt dài khoảng 6.900 – 7.000 đồng/kg.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, kết thúc tháng 4/2018, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 670.000 tấn, với giá trị đạt 341 triệu USD. Như vậy, tính chung 4 tháng qua, khối lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước ước đạt 2,16 triệu tấn với giá trị 1,1 tỷ USD, tăng 21,7% về khối lượng và tăng 37,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Nếu tính giá gạo xuất khẩu trung bình cũng tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2017.

“Bộ Thương mại Indonesia vừa quyết định cho phép Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Bulog) này nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo trong năm 2018 nhằm làm giảm giá gạo trên thị trường nội địa hiện đang ở mức cao, còn nhà nhập khẩu Indonesia cũng sẽ nhập thêm khoảng 500.000 tấn gạo lần 2 từ đây cho đến hết tháng 7. Chính những nhu cầu từ Philippines và Indonesia đang làm cho thị trường lúa gạo Việt Nam nóng lên từng ngày”, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.