Nhóm DAG Việt Nam – Hình thành và năm đầu hoạt động

BVR&MT – Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 08 năm 2020. Hiệp định EVFTA là Hiệp định thế hệ mới, việc thực thi Hiệp định được gắn với một loạt các điều kiện về môi trường, xã hội cũng như nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm xuất khẩu, trong đó có mặt hàng gỗ. Một trong những điểm mới của Hiệp định EVFTA là vai trò của các tổ chức xã hội được đề cao, qua đó hy vọng tiếng nói của người dân, của xã hội sẽ được phản ánh trong tiến trình triển khai, thực hiện Hiệp định EVFTA.

Diễn đàn chung lần thứ nhất giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thương mại và phát triển bền vững.

Theo Điều 13.15.4 Chương 13 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) ghi rõ “Mỗi bên phải thành lập một hoặc các Nhóm Tư vấn trong nước (DAG) mới, hoặc tham vấn ý kiến của Nhóm Tư vấn trong nước hiện có về phát triển bền vững có nhiệm vụ tư vấn về việc thực hiện Chương này. Mỗi bên phải quyết định về thủ tục để thành lập Nhóm hoặc các Nhóm Tư vấn trong nước và bổ nhiệm các thành viên của nhóm bao gồm các tổ chức độc lập, bảo đảm đại diện cân bằng giữa các lĩnh vực kinh tế, môi trường, xã hội như tổ chức người lao động và người sử dụng lao động, doanh nghiệp và các tổ chức môi trường. Mỗi Nhóm DAG có thể theo sáng kiến riêng đệ trình quan điểm hoặc kiến ghị với bên đó về việc thực hiện Chương này”.

Điều 13.15.5 Hiệp định chỉ ra các thành viên của Nhóm Tư vấn trong nước của mỗi bên sẽ gặp nhau tại một diễn đàn chung để tiến hành đối thoại về các khía cạnh phát triển bền vững trong mối quan hệ thương mại giữa hai bên.

Điều 13.15.6 Hiệp định chỉ rõ Diễn đàn chung phải được tổ chức mỗi năm 1 lần và kết hợp với các cuộc họp của Ủy ban Thương mại và Phát triển bền vững (TSD). Trong dịp này, hai bên sẽ thống nhất về hoạt động của diễn đàn chung không muộn hơn một năm sau ngày Hiệp định có Hiệu lực. Như vậy Nhóm DAG là thiết chế do Chính phủ thành lập theo quy định tại điều 13.15 Chương 13 “Thương mại và Phát triển bền vững” chức năng tư vấn về thực thi Chương 13 của Hiệp định EVFTA, việc thành lập tuân theo quy trình, thủ tục nội bộ từng bên, thành phần được làm rõ tại Chương 13 hiệp định.

Để ra được quyết định thành lập Nhóm DAG Việt Nam, Bộ Công thương được Chính phủ giao nhiệm vụ làm đầu mối, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên & Môi trường, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ liên quan khác xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ tiêu chí lựa chọn các thành viên của Nhóm DAG. Thông báo của Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị có quan tâm và theo tiêu chí đã được xác định trước có đơn xin ra nhập nhóm DAG Việt Nam. Sau gần 1 nẳm tiếp nhận đơn của các đơn vị, rà soát tiêu chí và điều kiện của từng đơn vị cuối cùng ngày 17 tháng 08 năm 2021, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1972/QĐ-BCT về việc thành lập Nhóm Tư vấn trong nước với ba thành viên chính đó là:

1/ Văn phòng giới sử dụng Lao động thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đại diện cho các doanh nhiệp (Giới chủ)

2/ Viện Công nhân Công đoàn IWTU, thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, đại diện cho người lao động

3/ Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), đại diện cho các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

Ba đơn vị này đại diện cho ba nội dung chính tại Chương 13 Hiệp định EVFTA gồm đại diện cho giới chủ, người lao động và các tổ chức xã hội làm việc về lĩnh vực môi trường.

Ngày 01 tháng 09 năm 2021 cuộc họp đầu tiên do Bộ công thương triệu tập công bố Quyết định số 1972/QĐ-BCT về việc thành lập DAG Việt Nam; Ngày 02 tháng 11 năm 2021, Thực hiện Quy định số 1972/QĐ-BCT ngày 17 tháng 8 năm 2021 và Được sự đồng ý, thống nhất phối hợp của các Bộ ban ngành, Nhóm Tư vấn trong ước (DAG Việt Nam) đã tổ chức cuộc họp bầu Ban Lãnh đạo Nhóm tư vấn trong nước Kết quả Nhóm DAG bầu được ban lãnh đạo bao gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch. Đại điện Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bà Trần Thị Lan Anh được bầu làm chủ tịch nhóm DAG; Đại diện Viện Công nhân và Công đoàn (IWTU) bà Phạm Thị Thu Lan được bầu làm Phó chủ tịch; Đại diện Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) bà Vũ Thị Bích Hợp cũng được bầu làm Phó chủ tịch.

Phiên họp lần thứ nhất của Nhóm DAG Việt Nam được tiến hành ngay sau đó với sự có mặt của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Tài nguyên Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên. Tại cuộc họp này, các đại biểu đã cho ý kiến đóng góp ý vào dự thảo và Nhóm DAG đã thông qua được “Quy chế Tổ chức và hoạt động của Nhóm DAG Việt Nam” theo quy định của Chương 13 (Thương mại và Phát triển Bền vững) của Hiệp định EVFTA.

Ngày 09 tháng 11 năm 2021, Nhóm DAG Việt Nam và DAG EU có cuộc họp chung giới thiệu về các tổ chức tham gia DAG của hai phía và bàn việc tham gia cuộc họp ngày 12 tháng 11 năm 2021 cuộc họp cùng với Ủy ban phát triển bền vững của hai bên (TSD).

Ngày 12 tháng 11 năm 2021, cuộc họp của DAG Việt Nam và DAG EU cùng với Ủy ban Phát triển Bền vững (TSD), đây là cuộc họp chính thức đầu tiên giữa Nhóm DAG hai phía cùng với Ủy Ban Phát triển Bền vững mà đại diện là các Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công An, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học & Đầu tư và Bộ Tài chính. Cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch DAG Việt Nam và DAG EU. Tại phiên họp Ủy ban Phát triển Bền vững do Vụ Chính sách Thương mại Đa biên Bộ Công thương, đại diện báo cáo về tiến trình thực hiện EVFTA sau một năm ký kết. Kết quả sau 1 năm ký kết các Bộ, Ngành từ Trung ương đến địa phương phía Việt Nam đã ban hành được kế hoạch hành động cho riêng thực hiện Hiệp định. Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Phát triển Bền vững, các thành viên của DAG đưa ra những câu hỏi về các hoạt động, đặc biệt phía DAG EU quan tâm đến việc Việt Nam thực hiện tiến trình phê duyệt các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Cuộc họp diễn ra trong không khí hợp tác cho sự phát triển bền vững của

Việt Nam trong tương lai. Hai bên thống nhất các cuộc họp hàng năm sẽ được tổ chức với sự tham gia đầy đủ hơn các thành viên của DAG Việt Nam, hy vọng số lượng các thành viên của DAG Việt Nam sẽ được mở rộng trong thời gian sắp tới theo kế hoạch có thể lên đến 15 thành viên đại diện cho các phân nhóm kinh tế, xã hội và môi trường.

TS. Nguyễn Phú Hùng (PGĐ Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững SRD)