Nhiều nét độc đáo ở Công viên địa chất Đắk Nông

BVR&MT – Vừa được Ủy ban chương trình và quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, Công viên địa chất Đắk Nông của Việt Nam hứa hẹn là một điểm hút du khách quốc tế trong tương lai.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung trong Công viên địa chất Đắk Nông.

Không quá xa lạ với những người mê khám phá, đặc biệt là đối tượng giới trẻ trong nước, Công viên địa chất Đắk Nông không chỉ có giá trị về mặt khoa học, tự nhiên mà còn có nhiều giá trị về mặt lịch sử và văn hóa.

Trải dài trên diện tích 4.760 km2, bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’long và thị xã Gia Nghĩa, Công viên địa chất Đắk Nông có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước….
Núi lửa Nâm Gle.

Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học. Vùng đất này cũng lưu giữ nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.

Lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm cách ngày nay, khi nơi đây còn là một phần của đại dương rộng lớn với các dấu tích được tìm thấy như đá trầm tích, hóa thạch cúc đá và các loại hóa thạch khác. Vận động kiến tạo của lớp vỏ Trái đất đã khiến khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Chính hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ đến một nửa diện tích khu vực này bởi các lớp dung nham bazan.
Đáng chú ý, cách đây khoảng 10.000 năm, núi lửa vẫn còn hoạt động, tạo nên hệ thống hang động núi lửa độc đáo, đồ sộ nhất khu vực Đông-Nam Á, trong đó đặc biệt đã phát hiện được dấu tích cư trú của người tiền sử từ khoảng 10.000 năm cách ngày nay.
Lễ Iun Jông (hay còn gọi là lễ gắn kết tình thân) của cộng đồng dân tộc Mạ xuất phát từ tình cảm gia đình.

Đây cũng là quê hương của ba dân tộc bản địa Mạ, M’nông, Êđê. Vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nhiều dân tộc phía Bắc đã di cư đến Đắk Nông lập nghiệp, biến nơi đây thành vùng đất đa sắc màu văn hóa của hơn 40 dân tộc.

Bên cạnh đó, vùng đất Đắk Nông còn là một phần của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được tổ chức UNESCO công nhận là “Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” năm 2005.
Các nhà khảo cổ đang khai quật các di chỉ trong Hang C6.1

Trong đó đáng chú ý có việc phát hiện ra bộ đàn đá cổ được chế tác từ đá bazan có niên đại khoảng 2.500 năm – là một trong những nhạc cụ lâu đời nhất của nhân loại. Trong âm thanh rộn ràng của cồng chiêng, sử thi và các nhạc cụ dân tộc, hòa cùng tiếng gió reo, thác đổ, tiếng cỏ cây hoa lá, tiếng núi lửa phun trào và cả những âm vang hào hùng của những bản tráng ca lịch sử, đàn đá nổi bật lên như là biểu tượng của sự kết tinh các âm điệu trong vùng Công viên Địa chất Đắk Nông.

Một cây thiêng trong tâm niệm của những người dân thuộc Công viên địa chất Đắk Nông.

Đến với Công viên Địa chất Đắk Nông là đến với xứ sở của những Âm điệu để trải nghiệm “Trường ca của Lửa và Nước”, thưởng thức “Bản giao hưởng của Làn gió mới” và lắng nghe “Âm vang từ Trái Đất”.

Thác Liêng Nung, nơi có  truyền thuyết gắn với lịch sử lập đất, lập bon của các bon làng.

Trước khi tận mắt chứng kiến và trải nghiệm những điều hấp dẫn của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, chúng ta có thể khám phá ba tuyến du lịch chính qua ứng dụng izi.TRAVEL trên điện thoại. “Du lịch” tại chỗ qua ứng dụng đặc biệt này, bạn không chỉ được mãn nhãn với những hình ảnh đẹp mà còn cảm nhận được hơi thở của cuộc sống thường nhật trên vùng đất đa sắc màu văn hóa này với những âm thanh sống động.

Hồ Tà Đùng.