Nhiều loài mèo lớn đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng

BVR&MT – Xu hướng tuyệt chủng thời Kỷ Băng Hà đang xảy ra với nhiều loài mèo lớn hiện nay. Nghiên cứu mới do các nhà khoa học từ Đại học Sussex (Anh) và Khoa Nghiên cứu Bảo tồn Động vật Hoang dã Đại học Oxford (WildCRU) công bố mới đây cho hay.

Bằng cách sử dụng nguồn dữ liệu toàn cầu mới mang tên FelidDIET, các nhà khoa học đã nghiên cứu nguyên nhân gây tuyệt chủng của 7 loài đại miêu thời Kỷ Băng Hà gồm 4 loài hổ răng kiếm, sư tử Hang Động, sư tử Mỹ và báo Mỹ.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng nếu những loài động vật này còn sống thì trung bình chỉ có 25% con mồi yêu thích của chúng còn tồn tại ở những khu vực tự nhiên chúng thường sinh sống trước đây – phần lớn số lượng loài làm mồi đã tuyệt chủng, một phần do tác động của con người. Nhóm nghiên cứu cho rằng sự biến mất của nhiều loài con mồi là nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của 7 loài đại miêu kể trên.

Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng cơ sở dữ liệu để tìm hiểu xem liệu số lượng con mồi đang suy giảm có thể gây tuyệt chủng cho những loài động vật lớn thuộc họ mèo phổ biến hiện nay không.

Kết quả cho thấy nếu tất cả những con mồi trong khu vực phân bố của loài mèo lớn đang bị đe dọa và suy giảm hiện nay bị tuyệt chủng thì số lượng con mồi của sư tử châu Phi chỉ còn 39% và của báo gấm Sunda là 37%.

Sư tử châu Phi ở Kenya (Ảnh: Dr Chris Sandom)

Nhóm nghiên cứu cũng lo lắng rằng nếu xu hướng số lượng con mồi bị sụt giảm tiếp tục diễn ra sẽ dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng cao cho hai loài sư tử châu Phi và báo gấm vân mây Sunda.  Sự đa dạng con mồi ở những khu vực sinh sống của loài hổ, báo hoa mai, báo cheetah đang suy giảm cũng góp phần đẩy các loài này vào nguy cơ tuyệt chủng.

Tiến sĩ Chris Sandom, Đại học Sussex chia sẻ: “Nghiên cứu này chỉ ra rõ ràng rằng nếu con mồi chính của loài đại miêu tiếp tục sụt giảm số lượng theo mức độ hiện nay thì các loài sư tử, báo gấm Sunda, hổ và báo cheetah sẽ có nguy cơ tuyệt chủng cao. Các loài đại miêu sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm thức ăn ở những khu vực các loài con mồi đã hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Xu hướng đáng buồn này đã bắt đầu từ cuối Kỷ Băng Hà. Chúng ta một lần nữa phải kìm hãm xu hướng này và nhu cầu cấp bách hiện nay là các chính phủ phải bảo vệ cả các loài mèo lớn và con mồi của chúng.”

Theo Giáo sư David Macdonald, Giám đốc WildCRU, nghiên cứu này đã chỉ ra hậu quả của sự tổn thất con mồi hay còn gọi là “sự suy giảm cá thể trong hệ sinh thái” và cho rằng nếu không có dấu tích của loài người thì đã không dẫn đến sự hủy diệt của thế Canh Tân và như vậy sẽ có thêm từ 1 đến 5 loài thuộc họ mèo khác trên khắp thế giới.

Ông David nhấn mạnh: “Churchill đã có câu cách ngôn rằng đối với những kẻ không biết rút kinh nghiệm từ lịch sử thì lịch sử sẽ lặp lại với họ. Thật đáng buồn là điều này đang đúng khi chúng ta nhìn vào số lượng con mồi của sư tử ở Đông Phi và báo gấm  hoa mai ở Indonesia và Malaysia đang cạn kiệt giống như đồng loại của chúng đã bị xóa sổ ở nhiều khu vực khác.”

Phương Thảo (Theo Science Daily)