Nhiều hồ thủy điện vẫn dưới mực nước chết sau hoàn lưu bão Wipha

BVR&MT – Hiện nay, các hồ thủy điện miền Trung và Nam hiện vẫn ở mực nước thấp, thậm chí một số hồ thủy điện còn dưới mực nước chết như Sông Tranh 2, Sông Bung 4…

Ảnh minh họa.

Mặc dù hoàn lưu bão số 3 Wipha đã gây mưa lớn trên diện rộng tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong suốt các ngày từ 2/8 đến 5/8, nhưng tình hình thủy văn-nước về các hồ thủy điện trên cả nước cải thiện không đáng kể, trong khi các hồ ở khu vực ít chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão thì vẫn ở mức nước rất thấp, thậm chí còn dưới cả mực nước chết.

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 8/8 cho biết, ngay khi có thông tin về cơn bão số 3, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và các chủ hồ thủy điện để cập nhật hướng di chuyển của cơn bão, lưu lượng nước dự kiến về các hồ thủy điện.

Qua đó, các đơn vị chủ động xây dựng các phương thức vận hành hợp lý các hồ chứa thủy điện trước và trong thời gian bão nhằm đảm bảo an toàn công trình cũng như khai thác tối ưu hồ chứa, hạn chế tối đa việc xả thừa và tranh thủ tích nước các hồ có mực nước thấp, đặc biệt là các hồ có yêu cầu về cấp nước tưới tiêu phía hạ du.

Tuy vậy, diễn biến cơn bão số 3 vừa rồi cho thấy tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện miền Bắc được cải thiện không đáng kể, tập trung chủ yếu vào các hồ chứa trên lưu vực sông Cả và sông Mã. Chỉ có một số hồ chứa thủy điện từ khu vực tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa trở về phía Tây Bắc đã tích được lên đáng kể như Bản Vẽ (tăng 14,3m), Hủa Na (tăng 14,3m), Cửa Đạt (tăng 5,3m), Trung Sơn (tăng 7,3m).

Các hồ chứa thủy điện còn lại vẫn có mực nước rất thấp so với mực nước tối đa được tích trong giai đoạn lũ chính vụ như: Sơn La (thấp hơn 9,88m), Hòa Bình (thấp hơn 2,73m), Thác Bà (thấp hơn 6,39m), Bản Vẽ (thấp hơn 20,58m), Hủa Na (thấp hơn 3,3m), Cửa Đạt (thấp hơn 30,72m).

Đối với các hồ thủy điện miền Trung và miền Nam thì hiện vẫn ở mực nước thấp. Đến nay, tổng cộng có tới 16 hồ chứa thủy điện có dung tích hữu ích dành cho phát điện thấp hơn 10%. Đặc biệt, có một số hồ còn có mực nước thấp hơn mực nước chết (Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Vĩnh Sơn B), hoặc đang xấp xỉ mực nước chết (Hương Sơn, Quảng Trị, Hương Điền, Sông Côn 2, A Lưới, Sông Ba Hạ, Đại Ninh).

Ảnh minh họa.

Theo quy luật hàng năm, từ giữa tháng Sáu, các lưu vực sông thuộc các tỉnh phía Bắc cũng như một số lưu vực ở miền Trung và miền Nam sẽ bước vào giai đoạn mùa mưa, như lưu vực sông Hồng từ 15/6, sông Cả từ 20/7, sông Mã từ 1/7, sông Sê San từ 1/7, sông Đồng Nai từ 1/7 (trừ các hồ Đa Nhim, Đại Ninh). Tuy nhiên đến cuối tháng Bảy, hầu hết các hồ chứa thủy điện trên các lưu vực này đều có lượng nước về thấp hơn trung bình nhiều năm.

Thông tin từ EVN cũng cho biết, một vài ngày gần đây, ở khu vực các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng có mưa vừa, mưa to và giông, lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 60mm, nhưng nước về các hồ thủy điện khu vực Tây Nguyên cũng chưa có cải thiện cơ bản.

Một số hồ chứa đã có lưu lượng nước về được cải thiện một phần như các hồ: Kanak (10 m3/s), Sông Ba Hạ (105 m3/s), Buôn Tua Srah (249 m3/s), Đăk R’tih (79 m3/s), Đồng Nai 2 (83 m3/s), Đồng Nai 3 (100 m3/s), Trị An (1300 m3/s), Thác Mơ (913 m3/s), Cần Đơn (400 m3/s), Hàm Thuận (204.5 m3/s), Đam Bri (81 m3/s).

Cũng theo nguyên tắc điều tiết hồ chứa, vào cuối mùa khô, các hồ chứa thủy điện sẽ được khai thác để đưa về xấp xỉ mực nước chết nhằm tạo dung tích lớn nhất có thể để đón lũ, phòng lũ. Tuy nhiên do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan khô hạn kéo dài nên gần như trong tháng 7/2019, các hồ chứa thủy điện kể trên đều không có điều kiện phát điện nhiều, chỉ khai thác cân bằng theo lượng nước đến hồ, các hồ chứa còn lại trên hệ thống cũng chỉ đủ phát điện để đảm bảo cấp nước hạ du…