BVR&MT – Sống trong những căn nhà được xây dựng kiên cố, bề thế, nhưng hiện tại hàng chục hộ dân ở các khu tái định cư (TĐC) thủy điện Đăk Đrinh (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) luôn phải thấp thỏm khi những căn “biệt thự” của mình nằm sát… miệng vực sạt lở.
Để di dân phục vụ cho việc tích nước thủy điện Đăk Đrinh, huyện Sơn Tây đã di dời tổng cộng 58 hộ dân vào hai khu TĐC Nước Vương (xã Sơn Liên) và An Nhoi 2 (xã Sơn Long). Chuyển đến nơi ở mới, mỗi hộ dân được xây dựng một căn nhà kiên cố và bố trí một quỹ đất sản xuất để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trận mưa lũ nặng xảy ra hồi cuối năm 2016 đã khiến nhiều điểm trong hai khu TĐC này xảy ra sạt lở, uy hiếp đến an toàn của nhiều nhà dân, khiến người dân sống ở đây hết sức lo lắng, bất an.
Ghi nhận của PV Nhân Dân điện tử tại hai khu TĐC này cho thấy, những điểm sạt lở đã có hàng trăm mét khối đất đá đổ xuống đáy vực sâu hàng chục mét, tạo thành một miệng vực lớn, bờ chắn, mái taluy âm tại một số điểm bị hư hỏng hoàn toàn, nền đất chung quanh điểm sạt lở xuất hiện các vết nứt dài và có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Nghiêm trọng hơn, các vị trí sạt lở chỉ cách nhà dân từ 5 đến 10 m, nhiều ngôi nhà đã bị “nuốt” một phần diện tích vườn, điểm sạt lở nằm ở cuối khu TĐC Nước Vương đã ăn sâu vào nền đường bê-tông khiến con đường độc đạo này bị hỏng phần chân nghiêm trọng. Những điểm sạt lở tuy rất sâu và rộng, thế nhưng vẫn không được rào chắn hay đặt biển báo để tránh nguy hiểm.
Đi làm rẫy về ngang qua vị trí sạt lở, ông Đinh Văn Nan than thở, “sống ở đây sợ quá, hồi trước ở chỗ cũ mình đâu phải lo lắng chuyện này. Không đêm nào mình ngủ ngon giấc vì sợ trong lúc ngủ nhà bị cuốn xuống vực thì chết!”. Chung nỗi lo với ông Nan, hầu hết những hộ dân ở khu TĐC Nước Vương đều cảm thấy bất an khi các điểm sạt lở ngày càng rộng. Chỉ tay về phía vết nứt rộng hơn 10 cm chạy cắt ngang nền đất giữa ngôi nhà sàn, bà Đinh Thị Vinh, ở Khu TĐC Nước Vương lo lắng “cả nhà sinh hoạt chủ yếu trong nhà sàn, nhưng cứ nhìn vết nứt ngày một rộng ai cũng sợ nó sẽ làm sập căn nhà”.
Chủ tịch UBND xã Sơn Liên Nguyễn Đông Phong cho biết: Khu TĐC Nước Vương là nơi ở mới của 25 hộ dân nhường đất cho dự án thủy điện. Hiện tại, toàn khu TĐC này có bốn điểm xảy ra hiện tượng sạt lở nặng khiến chính quyền địa phương và người dân hết sức lo lắng.
Chung nỗi lo với người dân khu TĐC Nước Vương là 33 hộ dân ở khu TĐC An Nhoi 2 (xã Sơn Long). Sau đợt mưa lũ hồi cuối năm 2016, đã có tám hộ phải di dời khẩn cấp khỏi khu TĐC này vì bị các điểm sạt lở uy hiếp đến tính mạng. Hiện tại chỉ còn 27 hộ dân sống thấp thỏm trong khu TĐC này khi các điểm sạt tiếp tục “tấn công” nhà dân.
Những ngày qua, mặc dù trời không hề có mưa, nhưng gia đình ông Đinh Văn Nhiêu không ngày nào không lo âu rằng ngôi nhà của mình sẽ bị “nuốt” gọn, khi điểm sạt lở đã tiến sâu vào vườn và đang ngấp nghé móng nhà. “Mình rất sợ, sợ lỡ đêm đang ngủ mà núi lở thì không biết chạy có kịp không”. Ông Nhiêu lo lắng.
Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết: Vừa rồi xã phải bố trí kinh phí để thuê xe ủi tiến hành giải phóng khối lượng đất đá sạt lở đổ xuống con đường dân sinh trong khu TĐC để người dân đi lại. Hiện tại, người dân ở đây đang rất lo lắng về tình trạng sạt lở, vì họ cho rằng nay mai sẽ “ăn” luôn nhà mình. “Nhiều lần tiếp xúc cử tri, bà con rất lo lắng về vấn đề này và yêu cầu xã phải có biện pháp khắc phục ngay. Thế nhưng, xã chỉ biết tiếp thu rồi chuyển tâm tư của bà con lên cấp trên với mong muốn được giải quyết”- ông Vượt nói.
Trao đổi với PV Nhân Dân điện tử, ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho rằng, vấn đề khó nhất hiện nay là thiếu kinh phí để khắc phục những điểm sạt lở, dự kiến lên đến 5-6 tỷ đồng, vượt quá khả năng của địa phương. Trước những nguy hiểm mà người dân đang phải đối mặt, huyện đã kiến nghị lên tỉnh nhiều lần để xin kinh phí khẩn trương khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Người dân ở hai khu TĐC nói trên vẫn đang sống thấp thỏm bên vực sạt lở.