BVR&MT – Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thời gian qua hoạt động xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, khối lượng lẫn giá trị hàng hóa sụt giảm mạnh. Ðến nay, việc thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới bước đầu đã được thực hiện trở lại, nhưng mức độ vẫn còn chậm và chưa toàn diện.
Nhiều cửa khẩu Thông quan trở lại
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Hữu Nghị mặc dù đã trở lại bình thường nhưng tiến độ thông quan chưa được cải thiện nhiều do hai bên vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch Covid-19. Ðặc biệt, lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng, lượng xe vận chuyển hàng xuất, nhập qua cửa khẩu chỉ còn tương đương 40% so với trước thời điểm xuất hiện dịch bệnh. Cụ thể trong ngày 25/2 vẫn còn tồn 319 xe xuất khẩu, gồm nông sản (mít, thanh long, xoài, nhãn, ớt…) và các mặt hàng khác. Tại cửa khẩu Tân Thanh, sau khi chính thức được mở lại các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa từ ngày 20/2, tiến độ thông quan vẫn còn chậm do chưa khôi phục hình thức trao đổi cư dân biên giới và lực lượng bốc xếp bên phía Trung Quốc còn hạn chế.
Hiện đã xuất 43 xe trái cây tươi (chủ yếu là dưa hấu, thanh long, chuối, xoài); nhập 11 xe nông sản (gừng, hành, khoai tây, nấm tươi…); tồn 110 xe (chủ yếu là thanh long, dưa hấu) đang chờ làm thủ tục xuất khẩu. Tại cửa khẩu Cốc Nam không phát sinh các hoạt động, còn tồn đọng khoảng 11 xe (lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm, cá basa đông lạnh). Theo Chi cục Hải quan ga đường sắt Quốc tế Ðồng Ðăng, từ đầu tháng 2 đến nay, đã có hàng trăm toa hàng, tổng trọng lượng hơn một nghìn tấn nông sản thí điểm xuất khẩu là thanh long tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc. Theo đó, lần đầu tiên các công-ten-nơ nông sản được chuyển lên các toa tàu liên vận sau đó đi thẳng sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Ðiều này giúp cho hàng hóa lưu chuyển nhanh, giảm chi phí, tránh ùn ứ, tốn kém.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn Phùng Quang Hội cho biết: Sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa, giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ bảo đảm đúng quy định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản.
Tại tỉnh Quảng Ninh, Chi cục Hải quan TP Móng Cái đã thành lập bốn tổ công tác hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Chi Cục trưởng Hải quan Móng Cái Nguyễn Văn Hoàn cho biết: Tại khu vực Cảng ICD Thành Ðạt, lối mở cầu phao tạm Km 3+4, cán bộ, công chức hải quan cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, tạo điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Hoạt động xuất nhập khẩu qua cầu Bắc Luân II từ ngày 7/2 đến nay đã có 82 doanh nghiệp với 1.490 tờ khai, tổng kim ngạch đạt hơn năm triệu USD. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu sản xuất, gia công,… Hàng xuất khẩu chủ yếu là sợi cốt-tông, hoa quả sấy khô… Ngày 25/2, cầu phao tạm Km 3+4 trên sông biên giới Ka Long chính thức thông quan trở lại sau thời gian phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngay sau khi thông quan, các lực lượng chức năng đã làm thủ tục xuất khẩu bốn xe tôm hùm, mở tờ khai theo loại hình cư dân biên giới, số lượng năm tấn, trị giá 1,2 tỷ đồng. Các mặt hàng ưu tiên xuất khẩu hiện nay gồm: Hoa quả, nông sản, thủy sản tươi sống, hạt điều, tinh bột sắn.
Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu), từ ngày 26/2, tại cặp chợ cư dân biên giới Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh, Việt Nam) – Ðộng Trung (Phòng Thành, Quảng Tây, Trung Quốc) đã chính thức khôi phục việc thông quan hàng hóa sau thời gian tạm ngừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chủng loại hàng hóa được thông quan bước đầu là các mặt hàng hải sản, nông, lâm sản… và sẽ được áp dụng linh hoạt để đáp ứng nhu cầu thị trường, hoạt động của doanh nghiệp. Sau khi hoạt động thông quan ổn định, hai bên căn cứ tình hình thực tế để mở rộng chủng loại hàng phù hợp.
Quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Tại tỉnh Lào Cai, do tính chất nguy hiểm của dịch Covid-19, tại cặp cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) – Bắc Sơn (Hà Khẩu), nông sản bị dồn ứ, ngưng trệ, tác động xấu đến sản xuất và đời sống của nhân dân hai bên. Trước thực tế đó, lực lượng chức năng hai bên Việt Nam và Trung Quốc đang chung tay tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thông quan hàng hóa. Hai bên thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin xoay quanh việc phân luồng hàng thanh long, dưa hấu xuất khẩu từ Lào Cai sang Hà Khẩu. Khi lượng nông sản, hàng hóa dồn ứ tại Cửa khẩu đường bộ số 2 Kim Thành, hai bên bố trí liên lạc viên trao đổi thông tin hằng ngày. Khi có vấn đề nảy sinh, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai và Cục Thương vụ, Công nghiệp và Thông tin Hà Khẩu, lãnh đạo chính quyền huyện Hà Khẩu thường xuyên tổ chức gặp gỡ để bàn bạc, thống nhất, giải quyết các vướng mắc về thủ tục thông quan, phân luồng nông sản xuất khẩu, phương tiện và nhân lực bốc xếp hàng hóa…
Nhờ nắm bắt tình hình sát thực tế, nhanh chóng, kịp thời, hai bên đã đưa ra những giải pháp phù hợp. Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai lập các “đội lái xe trung chuyển chuyên biệt”, bảo đảm sức khỏe, có bằng lái xe loại FC, để lái xe thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu đường bộ số 2 Kim Thành. Nếu lái xe đi về trong ngày thì không phải cách ly 14 ngày, nhờ đó rút ngắn thời gian, tăng năng lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu. Từ ngày 19-2, bình quân mỗi ngày đã có 130 xe xuất cảnh tại Cửa khẩu đường bộ số 2 Kim Thành, tăng 40 xe so trước đó. Ngoài ra, tại Chi nhánh vận tải đường sắt Lào Cai cũng đã thành lập đội “vận hành tàu chuyên biệt”, giải phóng nhanh hàng hóa xuất nhập khẩu, không bị ùn tắc cục bộ.
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai Nguyễn Ngọc Khải cho biết: Tại Cửa khẩu đường bộ số 2 Kim Thành, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đã có gần 20 nghìn tấn hàng hóa các loại, chủ yếu là thanh long, dưa hấu, mít, chuối, tinh bột sắn… xuất khẩu sang Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 32 triệu USD. Dự báo tình hình xuất nhập khẩu sẽ tăng cao hơn trong những ngày tới. Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai đã xây dựng phương án bổ sung thêm khu vực tập kết các xe hàng xuất nhập khẩu vào kho logistics Kim Thành và bãi sang tải hàng hóa của Trung tâm dịch vụ Khu kinh tế, với sức chứa lên tới hơn 1.000 phương tiện, bảo đảm thông quan hàng hóa nhanh, thuận tiện, an toàn.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Ðể bảo đảm hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới được diễn ra bình thường, thành phố đã tiến hành hội đàm với TP Ðông Hưng (Trung Quốc) để chủ động xây dựng kế hoạch, quy trình, kịch bản hoạt động trở lại. TP Móng Cái cũng yêu cầu đơn vị kinh doanh kho bãi có chính sách hỗ trợ thuế kho bãi cho doanh nghiệp bảo quản hàng hóa trong thời gian chưa xuất khẩu được sang Trung Quốc; giám sát hoạt động bốc xếp, bảo đảm công tác phòng dịch; chuẩn bị chu đáo tại các khu cách ly dành cho lái xe trong quá trình đợi trung chuyển. Ðồng thời kiểm tra, tìm hiểu, nắm bắt tình hình thị trường để có phương án kết nối doanh nghiệp trong nước, chuẩn bị sẵn nguồn hàng, xuất ngay sau khi cửa khẩu được thông quan.