BVR&MT – Ðất bãi bồi ở đồng bằng sông Cửu Long là nguồn tài nguyên phong phú giúp người dân mưu sinh, phát triển kinh tế, đồng thời tạo nên những cảnh quan độc đáo. Tuy nhiên, đây cũng là nơi đang tồn tại tình trạng bị các tổ chức, cá nhân lấn chiếm, sử dụng trái phép và thực hiện dự án treo gây lãng phí.
Ðồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi chằng chịt, phù sa từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về hằng năm tạo nên những mảng đất bãi bồi dọc theo các con sông lớn nhỏ trong khu vực.
Mạnh ai nấy lấn
Tỉnh Ðồng Tháp có tổng diện tích đất bãi bồi là 1.640,17ha; trong đó, diện tích đất đã cho thuê là 984,13ha. Tình trạng các hộ dân, tổ chức lấn chiếm, sử dụng đang diễn ra ở 9 trong tổng số 12 huyện, thành phố với diện tích hơn 320ha. Diện tích đất còn trống, chưa cho thuê các địa phương hiện đang quản lý là 335,64ha.
Hàng chục năm nay, tại khu vực đất bãi bồi ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, đất liên tục được bồi ra phía sông Tiền, người dân chia ranh giới để sử dụng cho các mục đích khác nhau. Chúng tôi tìm đến phần đất bãi bồi giáp với sông Tiền, khu vực phía sau nhà ông Châu Văn Sáu. Bắt đầu từ ranh giới đất phía sau nhà ông Sáu đã được cấp quyền sử dụng đất ở, chúng tôi men theo con đường mòn chỉ vừa lối cho người đi bộ. Suốt đoạn đường dài hơn 100m là đất bãi bồi (khoảng 1.800m2) đã được trồng nhiều loại cây ăn trái, hoa kiểng.
Ðến đoạn tiếp giáp bờ sông Tiền cách chừng 30m thì chân bị lún sâu trong bùn, cho thấy đoạn này mới được bồi trong những năm gần đây. Tiếp giáp nhà ông Sáu còn có các hộ lân cận cũng đang sử dụng diện tích đất bãi bồi cho mục đích trồng cây ăn trái. Ông Sáu cho biết: “Hàng chục năm qua, mỗi năm đất sau nhà tôi bồi đắp một ít. Ðể giữ được đất ổn định và bồi ra thêm, tôi đã dày công tôn tạo, tốn nhiều công sức nên đất bãi bồi phía sau nhà được mở rộng. Hôm trước chính quyền địa phương có đến phần đất cắm cọc xác định ranh giới đất bãi bồi, gia đình tôi không đồng ý nhưng địa phương vẫn cắm. Tôi cho rằng phần đất bãi bồi này là của gia đình mình nên rất mong được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
UBND xã Tân Mỹ đã cho thống kê, rà soát, trên địa bàn ấp Tân Trong có tổng diện tích đất bãi bồi do hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm sử dụng là 3.854,7m2, với tám thửa đất. Hiện UBND xã phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lấp Vò, Chi nhánh Văn phòng Ðăng ký đất đai huyện lập hồ sơ đo đạc, xác định diện tích hộ dân lấn chiếm, sử dụng đất bãi bồi và sử dụng đất ven sông với 99 hộ.
Theo UBND huyện Lấp Vò, toàn huyện có tổng diện tích đất bãi bồi ven sông là 1.024.539,2m2 nằm tại bốn xã: Ðịnh Yên, Ðịnh An ven sông Hậu và Tân Mỹ, Tân Khánh Trung ven sông Tiền. Diện tích đất bãi bồi ven sông đang được huyện cho thuê là 943.645,6m2 với 61 thửa đất cho 19 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê. Qua rà soát, thống kê, tổng diện tích đất bãi bồi ven sông bị lấn chiếm chủ yếu thuộc ba xã gồm: xã Ðịnh An trên sông Hậu; xã Tân Mỹ và xã Tân Khánh Trung trên sông Tiền với tổng diện tích hơn 78.800m2 của 149 hộ.
Siết chặt quản lý, xử lý nghiêm
Tại Vĩnh Long, tình trạng lấn chiếm đất bãi bồi cũng diễn ra khá phức tạp ở hầu hết các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh, nhất là tại huyện Long Hồ, việc lấn chiếm diễn ra từ các hộ gia đình đến các tổ chức, cá nhân rất phức tạp, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận và mất an ninh trật tự địa phương.
Với vị thế đặc biệt nằm giữa sông Tiền và sông Hậu liên tục bồi đắp, Vĩnh Long có nhiều cồn, cù lao, là tiềm lực để phát triển du lịch sinh thái vùng sông nước và nuôi trồng thủy sản. Nhiều dự án được phê duyệt và giao đất nhưng đến nay rất ít dự án được triển khai. Nguyên nhân chính là do nhà đầu tư không có năng lực, chủ yếu thuê đất để cho thuê lại hoặc sang nhượng với giá cao gấp nhiều lần…
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có khoảng 211,26ha đất bãi bồi ven sông ở tám huyện, thị xã, thành phố, trong đó nhiều nhất là huyện Long Hồ với diện tích khoảng 95,76ha. Phần lớn diện tích đất bãi bồi đã cho các tổ chức, cá nhân thuê quyền sử dụng đất theo kết quả trúng đấu giá là 121,67ha. Phần còn lại là 89,59 ha do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, UBND các huyện Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn và UBND các xã quản lý, tiếp tục lập kế hoạch sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Từ nhiều năm qua, các phương tiện thủy qua lại trên sông Cổ Chiên thuộc địa bàn xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đều bất bình trước “trận địa Bạch Ðằng giang” ở miền Tây. Khi thủy triều dâng cao, hàng trăm cây cọc dừa được đóng gần giữa sông trở thành một cái bẫy rất nguy hiểm, nhiều lần xảy ra tai nạn giao thông. Ðó là phần đất bãi bồi ngầm diện tích hơn 80.000m2 tọa lạc tại ấp An Hương 1, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, do UBND xã Mỹ An quản lý.
Năm 2019, Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển Du lịch Vĩnh Long trúng đấu giá thuê đất, thời hạn sử dụng là 50 năm, hình thức trả tiền hằng năm, mục đích sử dụng đất nuôi trồng thủy sản. Từ lúc công ty nhận bàn giao đất trên thực địa đến nay khoảng ba năm, dự án vẫn chưa thực hiện. Bên cạnh đó, khi đóng cọc dừa, công ty đã vi phạm các quy định của Nhà nước về nghĩa vụ tài chính và lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Vì vậy, ngày 27/6/2022, UBND tỉnh Vĩnh Long đã thu hồi dự án trên.
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch tuyên truyền vận động Công ty TNHH chế biến thực phẩm thương mại Ngọc Hà thực hiện bàn giao đất theo đúng quy định trước khi có quyết định cưỡng chế. Nguyên nhân do Công ty này đã cấn trừ tiền nợ của một công ty trước đó thuê phần đất bãi bồi diện tích 183.700,6m2. Do làm ăn không được thuận lợi, công ty đó đã bán và cấn nợ lại cho Công ty Ngọc Hà quản lý. Ðây là đất Nhà nước cho thuê, nên việc sang nhượng, cấn nợ là bất hợp pháp. Chính vì vậy, ngày 2/11/2021 UBND tỉnh Vĩnh Long đã đấu giá khu đất trên. Ngày 29/11/2021, UBND tỉnh công nhận kết quả trúng đấu giá là Công ty TNHH một thành viên NT Vạn Ðạt và công ty đã nộp vào ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng.
Trước đây, ở Ðồng Tháp, đất bãi bồi chưa được chú trọng, hầu hết diện tích bãi bồi được thống kê, kiểm kê vào loại đất chưa sử dụng. Từ kỳ kiểm kê năm 2010, diện tích đất bãi bồi ở địa phương này dần được bảo vệ, cải tạo và đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, làm tăng giá trị của đất, tiết kiệm và có hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực. Năm 2016, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư khai thác du lịch đất bãi bồi diện tích khoảng 2,2ha thuộc Cồn Qua, xã Ðịnh Yên, huyện Lấp Vò. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không triển khai thực hiện thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng nên UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương đầu tư.
Liên quan công tác quản lý đất bãi bồi, tại Ðồng Tháp, lần gần đây nhất là ngày 17/9/2019, Thanh tra tỉnh ban hành Kết luận số 715/KL-TTr về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đối với quỹ đất công ích và đất bãi bồi trên địa bàn tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ðồng Tháp, UBND các huyện, thành phố cơ bản thực hiện khắc phục theo kết luận thanh tra như: Về chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất đai (đã thực hiện 7/11 nội dung), thực hiện nghĩa vụ tài chính (đã thực hiện 1/4 nội dung), về xử lý trách nhiệm các đơn vị (đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế theo kết luận thanh tra). Ðối với các nội dung còn lại của Kết luận thanh tra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ðồng Tháp Hồ Thanh Phương, tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố quản lý đất bãi bồi chặt chẽ trên hồ sơ, trên thực địa, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm. Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, xem xét, cấp giấy chứng nhận cho người đang sử dụng đất theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; thống kê, quản lý chặt chẽ quỹ đất bãi bồi ven sông; phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm và kịp thời đối với các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.