BVR&MT – Nhiều công trình nghiên cứu và ý kiến tâm huyết của Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) và các đơn vị trên cả nước đã được công bố ở các Tiểu ban và phiên toàn thể của Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ IV Môi trường và phát triển bền vững diễn ra tại 19 Lê Thánh Tông – Hà Nội.
Đây là Diễn đàn khoa học do Viện Tài nguyên & Môi trường (VNU) thuộc ĐHQG Hà Nội, cùng Hội BVTN&MT Việt Nam và Viện Địa lý (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) phối hợp tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 35 năm truyền thống VNU; là những gợi ý cần trao đổi cho việc chuẩn bị các văn bản dưới Luật BVMT vừa được Quốc Hội thông qua; đồng thời cũng là những công trình nghiên cứu cụ thể thiết thực, để phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới.
Trong bài phát biểu chào mừng Hội thảo, thay mặt cho Lãnh đạo Viện Tài nguyên và Môi trường, ông Lưu Thế Anh cho biết: mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và các giải pháp trong sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tạo cơ hội mở rộng hợp tác và phát triển mạng lưới hoạt động vì mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam và các nước trên thế giới.
Cũng tại Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE đã khẳng định: Môi trường và phát triển bền vững là chủ đề xuyên suốt, thường xuyên được Hội BVTN&MT Việt Nam quan tâm. Thể hiện thông qua những cuốn sách kinh điển về chủ đề này do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành trong những năm gần đây đều do các nhà khoa học của VACNE biên soạn. Cụ thể như các cuốn: “Đảm bảo An ninh môi trường cho phát triển bền vững”, “Kinh tế Xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, “Môi trường và Phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, “Ứng phó biến đổi khí hậu nhìn từ góc độ cộng đồng”…
Tại Hội thảo lần này, không chỉ có hàng chục báo cáo, tham luận của các Hội viên đóng góp, mà VACNE còn huy động một lực lượng đông đảo các nhà khoa học hàng đầu, tham gia Chủ tọa hầu hết các Tiểu ban. Tất cả các báo cáo, tham luận, cũng như những ý kiến đóng góp tại các Tiểu ban về các vấn đề: “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”; “Bảo tồn Đa dạng sinh học và quản lý tài nguyên thiên nhiên”; “Vấn đề môi trường và xử lý ô nhiễm” đều được trao đổi, thảo luận sôi nổi, sự tham gia của nhiều chuyên ngành, trước sự chứng kiến của đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Đại học Quốc gia Hà Nội và một số địa phương.
Thạch Thảo