Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2019

BVR&MT – Nhiều quy định ưu đãi doanh nghiệp khoa học và công nghệ; điều kiện thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; từ 1/3, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; Đơn giản hóa chế độ báo cáo trong cơ quan Nhà nước, Hộ nghèo được vay tối đa 100 triệu đồng, Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm… là một trong những chính sách mới có hiệu lực bắt đầu từ tháng 3/2019.

Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm sẽ có hiệu lực từ ngày 10/3/2019.

Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm

Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có hiệu lực từ ngày 10/3/2019.

Hộ nghèo được vay tối đa 100 triệu đồng từ 1/3/2019

Từ hôm nay (1/3), Ngân hàng Chính sách xã hội nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ, vay không phải bảo đảm tiền vay, đồng thời, nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng. Việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Quy chế về quản lý mạng lưới tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Bắt đầu từ hôm nay, tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải xây dựng Quy chế về quản lý mạng lưới theo thông tư quy định của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm:
– Cơ cấu tổ chức, nhân sự;
– Phạm vi hoạt động, cơ chế hạch toán kế toán;
– Hạn mức rủi ro theo từng hoạt động kinh doanh, hoạt động nghiệp vụ đối với khách hàng;
– Các tiêu chuẩn và điều kiện về quản lý khác.

Thay thế toàn bộ biểu mẫu đăng ký kinh doanh

Từ ngày 11/3/2019, toàn bộ biểu mẫu đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ được thay thế bởi biểu mẫu mới. Cụ thể như: mẫu giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần; các mẫu Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Các mẫu văn bản này được sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP

Từ ngày 8/3/2019, doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cần lưu ý tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa theo Thông tư 03/2019 của Bộ Công Thương, như: xuất xứ, nguồn gốc sản xuất, nguồn nguyên liệu, các điều kiện đáp ứng đầy đủ quy định… Việc tuân thủ chặt chẽ các quy định liên quan đến khai quy tắc xuất xứ là phương thức giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình xuất khẩu.

Đơn giản hóa chế độ báo cáo trong cơ quan Nhà nước

Nghị định 09/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước có hiệu lực từ ngày 12/3/2019. Nghị định này có nhiều quy định thể hiện sự đơn giản hóa trong chế độ báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước, như:
– Chế độ báo cáo chỉ được ban hành khi thật sự cần thiết để phục vụ mục tiêu quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước và người có thẩm quyền;
– Chế độ báo cáo phải bảo đảm rõ ràng, khả thi và không trùng lắp với chế độ báo cáo khác; giảm tối đa yêu cầu về tần suất báo cáo nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực.
– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo, chuyển dần từ báo cáo bằng văn bản giấy sang báo cáo điện tử.

Từ 1/3, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử

Thông tư 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử có hiệu lực từ 1/3/2019. Hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm: hồ sơ bệnh án nội trú, hồ sơ bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác.

Mỗi người bệnh sẽ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử cần đáp ứng các yêu cầu như: phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin (hồ sơ bệnh án giấy, lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho in phim, lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho việc in giấy), có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin.

Thạch Thảo