Nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề

BVR&MT – Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn.

Ảnh minh họa.

Theo Nghị định, 07 hoạt động ngành nghề nông thôn bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Nghị định quy định một số nội dung, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động theo quy định của pháp luật; các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định công nhận; các tổ chức, cá nhân có liên quan tới công tác quản lý ngành nghề nông thôn (cả Trung ương và địa phương).

Chương trình xúc tiến thương mại

Nghị định nêu rõ, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định hiện hành của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Bên cạnh đó, Nhà nước tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại liên quan hỗ trợ cơ sở ngành nghề nông thôn xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu; Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam.

Đối với các cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quy định tại khoản 2 được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi, thuê tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở những nội dung quy định. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở; chi 100% chi phí: Thuê mặt bằng trình diễn sản phẩm; tổ chức hội thi; ăn nghỉ, đi lại đối với nội dung quy định.

Nguồn kinh phí và cơ chế hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, các chương trình, kế hoạch khuyến công, khuyến nông hàng năm của các bộ, ngành, địa phương.

Đối với làng nghề truyền thống

Cũng theo Nghị định, các làng nghề, làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn quy định tại Nghị định này, ngoài ra còn được hưởng các chính sách từ ngân sách địa phương như hỗ trợ kinh phí trực tiếp quy định tại quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; hình thức, định mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề. Nội dung hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề: Đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề.

Nghị định ưu tiên hỗ trợ làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số; làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống.

Các dự án được ưu tiên khác như: chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với công nghệ tiên tiến và thiết bị đồng bộ trong thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; dự án thuộc chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề; dự án phát triển hàng thủ công mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu trong nước hoặc xuất khẩu; dự án sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn; dự án sản xuất, chế tạo thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; dự án sản xuất, chế biến muối sạch; dự án phát triển sinh vật cảnh; Dự án làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái; Dự án sản xuất các sản phẩm từ phế, phụ phẩm nông nghiệp.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, có cơ chế hỗ trợ các dự án bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn ngoài kinh phí hỗ trợ quy định theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với nội dung hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn từ ngân sách trung ương: Thông tin, tuyên truyền; bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo; khảo sát, học tập kinh nghiệm các nước có liên quan; tư vấn và dịch vụ thực hiện theo hướng dẫn cơ chế tài chính của các chương trình khuyến nông, khuyến công, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và chương trình, dự án có liên quan khác.

Ngoài các chính sách quy định tại Nghị định này, làng nghề được khuyến khích phát triển được hưởng các chính sách theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý nhà nước về làng nghề, ngành nghề nông thôn tại Trung ương xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; bảo tồn và phát triển làng nghề; chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Ngoài ra, giao cho các Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường…. chỉ đạo, ban hành các văn bản có liên quan tới việc thực hiện chính sách tới các cơ quan, tổ chức để hỗ trợ cho việc phát triển các ngành nghề nông thôn và làng nghề.

Thạch Thảo