Nhiều chỉ số phát triển bình đẳng giới tại Việt Nam được cải thiện

BVR&MT – Sau 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, nhiều thành tựu đáng tự hào về bình đẳng giới của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Một số chỉ số phát triển được cải thiện đã đưa Việt Nam lên các bậc xếp hạng cao hơn trong cộng đồng quốc tế về bình đẳng giới.

bình đảng giới
Nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã được triển khai.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) vừa công bố Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới. Đây là hoạt động nhằm đánh giá sự phù hợp của Luật Bình đẳng giới với các chuẩn mực quốc tế; sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật với Luật Bình đẳng giới; hiệu quả thực hiện Luật Bình đẳng giới từ khi có hiệu lực đến năm 2019.

Sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới trên cơ sở tổng hợp từ các báo cáo hành chính của các Bộ, ngành, địa phương.

Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới đã được nhóm chuyên gia quốc tế và trong nước triển khai xây dựng từ đầu năm 2018 tới tháng 6/2019. Báo cáo tập trung đánh giá sự thống nhất của Luật Bình đẳng giới với những tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và các bộ luật, luật khác của Việt Nam; đánh giá kết quả thực hiện Luật trong giai đoạn 2007 – 2019, làm rõ những thành tựu và tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra những khuyến nghị rất có giá trị trong việc xây dựng Chiến lược Bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Hà cho biết, sau 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, nhiều thành tựu đáng tự hào về bình đẳng giới của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Điển hình như tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ khóa XIV đạt 26,8% cao hơn so với mức trung bình 19% của các quốc gia Châu Á và 25% của toàn cầu. Tỷ lệ học sinh nam và nữ ở các cấp bậc học luôn ngang nhau. Cơ cấu giới tính phân bố trong lực lượng lao động của Việt Nam tương đối cân bằng với tỷ trọng 52,7% nam giới và 47,3% nữ giới tham gia lực lượng lao động.

Một số chỉ số phát triển được cải thiện đã đưa Việt Nam lên các bậc xếp hạng cao hơn trong cộng đồng quốc tế về bình đẳng giới. Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,63, xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, đang ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình. Với chỉ số phát triển giới ở mức 1,003, Việt Nam xếp thứ 68 trong số 166 nước trên toàn thế giới năm 2018.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho rằng, việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Thực tế, cả nam giới và phụ nữ đều chịu những tác động từ bất bình đẳng giới, song phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn.

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới về bình đẳng giới do tác động của kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thiên tai và biến đổi khí hậu, và những thay đổi về mặt nhân khẩu học. Những thách thức này đòi hỏi cần phải xây dựng những chính sách và hành động cụ thể để giữ vững những thành tựu đã đạt được, đồng thời khắc phục những vấn đề giới còn đang tồn tại cũng như những vấn đề giới nảy sinh trong thời gian tới. Nỗ lực này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng trong suốt 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đạt được nhiều tiến bộ liên quan tới bình đẳng giới. Bà đánh giá cao những thành tựu về thúc đẩy quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và thông qua việc đẩy mạnh khung pháp lý và thể chế.

Bà Kitahara cho biết thêm, là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là yếu tố không thể thiếu trong tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội. Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà còn là nền tảng cần thiết cho một xã hội Việt Nam hòa bình và thịnh vượng. Nếu không giải quyết vấn đề về bình đẳng giới, Việt Nam sẽ không có cách nào đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.