Nhật Bản phát triển năng lượng tái tạo và điện hạt nhân để đạt mục tiêu khí hậu

BVR&MT – Ngày 5/10, Bộ trưởng ngành công nghiệp mới của Nhật Bản cho biết, nước này đặt mục tiêu mở rộng phát triển năng lượng tái tạo và khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đã được xác nhận là an toàn, nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2030 sẽ cắt giảm được 46% lượng phát thải khí nhà kính so với mức năm 2013.

Các tấm pin mặt trời tại cánh đồng năng lượng mặt trời ở Kawasaki, gần Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Tháng 4/2021, Nhật Bản cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, với cam kết này, Nhật Bản đã tăng gần gấp đôi mục tiêu cắt giảm khí thải xuống còn 46% vào năm 2030.

Trong cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda phát biểu: “Tôi muốn thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo một cách tối đa, tiết kiệm năng lượng triệt để và khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân với ưu tiên cao nhất về tính an toàn”.

Ông Koichi Hagiuda kêu gọi nỗ lực phối hợp nhằm đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050 cũng như củng cố mục tiêu trước mắt đến năm 2030, đồng thời mong muốn sẽ giành được sự chấp thuận của nội các Chính phủ đối với kế hoạch năng lượng cơ bản mới trước khi bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc vào ngày 31/10 tới.

Bộ trưởng Koichi Hagiuda phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo, Nhật Bản, hôm 5/10. (Ảnh: Reuters)

Chính phủ của tân Thủ tướng Kishida Fumio vẫn sẽ tiếp tục chính sách năng lượng của chính quyền tiền nhiệm.

Bộ trưởng Hagiuda cho biết thêm, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách theo chu trình nhiên liệu hạt nhân phù hợp với mục tiêu của Chính phủ là giảm chất thải phóng xạ mức độ cao và làm cho nó ít nguy hại hơn.

Vào tháng 4, Nhật Bản đã quyết định xả ra biển hơn 1 triệu tấn nước bị ô nhiễm từ nhà máy hạt nhân Fukushima bị phá hủy trong thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, một động thái mà Trung Quốc cho là “cực kỳ vô trách nhiệm”, còn Hàn Quốc đã triệu mời đại sứ Nhật Bản tại Seoul để phản đối.