Nhà mới cho vượn ở Thái Lan

BVR&MT – Loài vượn bé nhỏ từng phổ biến khắp châu Á nhưng nạn phá rừng và săn bắn tràn lan đã làm giảm đáng kể số lượng và sinh cảnh của chúng.

Một cá thể vượn được Wildlife Friends Foundation Thailand cứu hộ và đưa về trung tâm bảo tồn ở Phetchaburi. (Ảnh: Adam Dean/New York Times)

Cá thể vượn tay trắng từng bị những kẻ săn trộm bắt từ khi còn nhỏ nhưng thật may là nó đã được giải cứu khỏi tình trạng mua vui cho du khách trong quán bar du lịch. Trải qua 8 năm sống trong chuồng tại một trung tâm phục hồi, giờ nó đã đưởng hưởng tự do trong khu rừng rậm trên đảo Phuket của Thái Lan. Nó thường ngồi trên cành cây cách mặt đất cả chục mét trong khi cá thể đực bạn đời hoang dã và hai con non quan sát một cách thận trọng từ những cái cây gần đó.

Nhưng đó là một câu chuyện thành công hiếm hoi.

Cá thể vượn ấy được đặt tên là Cop, nó là một phần của đàn vượn nhỏ được nhóm phi lợi nhuận chuyên cứu hộ vượn ở Thái Lan Gibbon Rehabilitation Project cứu hộ, phục hồi và thả vào khu rừng lớn nhất còn lại ở Phuket.

Tổng thư ký Thanaphat Payakkaporn thuộc Tổ chức cứu hộ động vật hoang dã Thái Lan, đơn vị điều hành dự án vượn cho biết: “Hiện chúng tôi có 35 cá thể trong rừng ở Phuket, bao gồm cả những cá thể sinh ra trong tự nhiên. Một số cá thể đã có tới cháu chắt”.

Nhưng phục hồi một cá thể vượn được giải cứu rồi huấn luyện để nó sống sót trong tự nhiên có thể cần tới nhiều năm, và nỗ lực này không phải lúc nào cũng thành công.

Vượn được cho ăn ở khu bảo tồn tái định cư vượn ở Phuket. (Ảnh: Adam Dean/New York Times)

Vượn vốn là loài nhỏ nhất trong số các loài linh trưởng hình người, chúng từng phổ biến khắp châu Á nhưng số lượng hiện giảm đáng kể vì nạn phá rừng tràn lan và săn bắt. Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi việc trưng bày động vật hoang dã trong các quán bar là một phần của cuộc sống về đêm náo nhiệt ở Thái Lan, vượn non đôi khi được dạy cả hút thuốc, uống rượu và ăn thức ăn của người.

Sự phản đối kịch liệt của công chúng cuối cùng cũng đã khiến Thái Lan ban hành luật mới. Một số người bán hàng bất hợp pháp chuyển sang cung cấp dịch vụ chụp ảnh với vượn tại các bãi biển hoặc trên đường phố. Tình trạng du lịch sụt giảm do đại dịch virus corona khiến các chủ sở hữu bất hợp pháp khác đồng loạt bỏ rơi động vật trong những tháng gần đây.

Từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, Thanaphat đã giải cứu ba con vượn con bị bỏ rơi gần các khu rừng ở phía bắc Phuket.

Dãy núi có rừng ở Phuket có dự án phục hồi vượn. (Ảnh: Adam Dean/New York Times)

Ít nhất khoảng 10 trung tâm phục hồi vượn ở các quốc gia trên khắp Đông Nam Á đang thực hiện quá trình hòa nhập xã hội và giải phóng các cá thể vượn được giải cứu khỏi hoạt động buôn lậu động vật hoang dã. Trong những năm qua, những trung tâm này đã thả khoảng 150 cá thể vượn vào tự nhiên.

Edwin Wiek, người sáng lập tổ chức Wildlife Friends Foundation Thailand đang điều hành trung tâm cứu hộ động vật hoang dã phi lợi nhuận lớn nhất nước cho biết: “Chúng tôi muốn nhìn thấy một con vật sống 4 năm trong rừng hơn là 40 năm trong chuồng”.

Trung tâm động vật hoang dã của Wiek ở tỉnh Phetchaburi đã thả gần một tá cá thể vượn ở miền bắc Thái Lan và đang chờ chính phủ chấp thuận để thả thêm 50 cá thể nữa vào một khu vực gần khu bảo tồn. Trung tâm cũng đã xây dựng 14 hòn đảo trong một hồ nước cho hơn 20 cá thể vượn sinh sống trong môi trường tự nhiên mà không cần hàng rào. Vượn không thích bơi nên chúng luôn ở trên đảo.

Vượn ăn thức ăn trong chuồng. (Ảnh: Adam Dean/New York Times)

Vượn là linh trưởng hình người duy nhất có nguồn gốc từ châu Á (ngoài đười ươi) và có đến hơn một chục loài, trong đó loài lớn nhất là vượn mực. Vùng phân bố kéo dài từ đông bắc Ấn Độ đến nam Trung Quốc và gần như bao phủ Đông Nam Á. Chúng được gọi là vượn nhỏ để phân biệt với các loài vượn lớn như khỉ đột và tinh tinh nhưng điều đáng chú ý là độ nhanh nhẹn của chúng.

Tiếng hú đặc biệt của chúng – một trong những tiếng kêu to nhất của động vật có vú trên cạn – có thể nghe được dù cách xa hàng km. Thật không may, tiếng hú này lại khiến chúng trở nên dễ tổn thương hơn trước những kẻ săn trộm. Thanaphat cho biết để bắt được một con vượn non, những kẻ săn trộm đôi khi sẽ tàn sát cả một gia đình, bắt đầu bằng việc bắn con đực trưởng thành và kết thúc bằng cách giết chết con cái đang bế con.

Thanaphat chia sẻ phải mất nhiều năm thử nghiệm trước khi dự án tiến hành thả thành công bất kỳ con vượn nào vào rừng Phuket, nơi chưa từng có con vượn nào sinh sống trong nhiều thập kỷ. Dự án cũng thả 21 con vượn trong một khu rừng phía bắc Thái Lan.

Vượn có thể sống 35 năm trong tự nhiên và lên đến 60 năm trong điều kiện nuôi nhốt. Thành công lớn nhất trong việc giải phóng là giúp chúng kết đôi và thả cùng nhau.

“Chúng tôi bắt đầu dự án vào năm 1992 và mất 10 năm để phục hồi thành công cũng như trả tự do cho gia đình đầu tiên. Chúng tôi cũng không biết cách phải làm như thế nào”, Thanaphat thú nhận.

Nhưng không gian khá chật hẹp ở trung tâm phục hồi và ngay cả trong chính rừng già Phuket. Trung tâm vốn là một cơ sở cũ kỹ, chật chội trong rừng quốc gia Khao Pra Theaw, nơi chỉ có đủ chuồng cho khoảng ba chục con vượn. Rừng Phuket cũng không đủ lớn để duy trì hơn 40 con – mức dự kiến sẽ đạt được vào tháng 2/2021 khi trung tâm có kế hoạch thả thêm thêm 5 con nữa.

Theo các chuyên gia, một quần thể vượn hoang dã cần khoảng 200 cá thể nếu muốn tồn tại lâu dài. Một số dự đoán quần thể Phuket sẽ trở nên đồng huyết đến mức không thể tồn tại được.

“Các học giả phàn nàn rằng Phuket không phải là nơi thích hợp, rằng chúng tôi cần có chỗ để thả hơn 200 con. Nhưng họ không ở đây để xem chúng tôi đang làm gì”, Thanaphat thừa nhận.

Trả động vật về tự nhiên có sức hấp dẫn đến mức lãng mạn và cải thiện đáng kể cuộc sống của các cá thể động vật được thả tự do. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng trong nhiều trường hợp, bảo vệ sinh cảnh của các loài nguy cấp sẽ hiệu quả hơn nhiều về chi phí.

Một cá thể vượn được thả về rừng ở Phuket. (Ảnh: Adam Dean/New York Times)

Tim Redford, điều phối viên đào tạo kiểm lâm thuộc tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ kiểm lâm trong cuộc chiến chống săn trộm Freeland Foundation cho biết: “Sẽ tốt hơn nhiều nếu chi tiền cho việc bảo vệ vùng hoang dã hơn là phục hồi động vật”.

Thanaphat lại chỉ ra rằng một số con vượn sống vĩnh viễn tại trung tâm, bao gồm hai con bị mù và một con với các chi không bao giờ phát triển đủ chức năng vì được nuôi trong một chiếc lồng nhỏ từ bé. Và không phải mọi con vượn được thả tự do đều thích ở trong tự nhiên.

Có những con bị nuôi nhốt đến mức không bao giờ quen với việc xa con người. Một con đực tên Arun được thả cách đây 15 năm và vẫn thích ăn trái cây những người ở trung tâm phục hồi đưa cho. Gần đây, nó bỏ lại bạn đời sinh ra trong tự nhiên và con non trong rừng rậm để đến trung tâm, vào chuồng của một con vượn mù tên Santi và lấy trộm thức ăn của Santi.

Một con vượn khác tên Bo đã được thả nhiều lần nhưng lần nào cũng vậy, nó trở lại trung tâm để tận hưởng sự thoải mái trong chuồng.

“Chúng tôi mở cửa”, Thanaphat nói, “và nó quay trở lại”.

Nhật Anh (Theo New York Times)