Nhà máy xử lý rác chôn trái phép 40.000 tấn chất thải rắn

BVR&MT – Thay vì xử lý rác thải bằng công nghệ đốt để bảo vệ môi trường như thiết kế, Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt lại chôn trái phép.

Khai quật rác chôn lấp, nơi có độ sâu nhất tới 4 m. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Ngày 14/3, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Lâm Đồng) đã bắt quả tang Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt, đóng tại tiểu khu 163B, xã Xuân Trường (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) chôn trái phép khoảng 40.000 tấn chất thải rắn.

Từ nguồn tin của trinh sát, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã bất ngờ kiểm tra hành chính Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt do Công ty TNHH Môi trường năng lượng xanh làm chủ sở hữu, vận hành nhà máy.

Tại đây, cơ quan chức năng bắt quả tang một xe chở chất thải rắn đang đổ rác xuống hố sâu khoảng 4 m. Kiểm tra quanh hiện trường, lực lượng công an phát hiện có nhiều dấu hiệu nghi ngờ doanh nghiệp này đã chôn chất thải trái phép trên diện tích khoảng 1 ha thuộc quyền sử dụng của công ty.

Để làm rõ nghi vấn trên, cơ quan chức năng đã cho máy xúc đào một số vị trí để kiểm tra và đã phát hiện Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt đã chôn lấp trái phép khoảng 30.000 m3 chất thải rắn, tương đương 40.000 tấn chất thải.

Tại nơi chôn lấp, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nước đen từ rác không xử lý rỉ ra, thẩm thấu trực tiếp vào môi trường đất – nơi cách đây một năm cà phê của nông dân canh tác bị chết vì ô nhiễm nặng.

Năm 2015, Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt được đưa vào hoạt động ứng dụng công nghệ đốt, với công suất thiết kế giai đoạn I là 200 tấn chất thải rắn/ngày. Chất thải sau khi đốt được giới thiệu dùng để chế biến thành phân vi sinh.

Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy này bị cho là liên tục gây ô nhiễm môi trường vì không xử lý kịp thời rác thải dẫn đến tồn đọng kéo dài. Nay thay vì xử lý rác thải bằng công nghệ đốt để bảo vệ môi trường như thiết kế, nhà máy lại đem chôn trái phép.

Hiện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đang củng cố hồ sơ để xử lý hành vi này theo quy định của pháp luật.

Theo Báo Lâm Đồng, từ ngày 15/3/2018, toàn bộ lượng rác của TP. Đà Lạt (180 tấn/ngày) sẽ được đưa vào Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt để xử lý. Hiện nay, mỗi ngày nhà máy này nhận xử lý tối thiểu 70 tấn rác của TP. Đà Lạt.