Nguồn cung xăng dầu thiếu hụt: Đừng để nước đến chân mới nhảy

BVR&MT- Những ngày qua, dư luận xã hội không khỏi bức xúc bởi thị trường xăng dầu khan hàng, sốt giá. Lẽ ra, Bộ Công Thương phải chủ động vào cuộc trước mọi dấu hiệu bất thường của thị trường, đừng để tới khi hiện hữu nguy cơ đứt gãy nguồn cung mới trở tay thì đã không kịp.

Nguy cơ thiếu hụt xăng dầu kéo dài

Thông tin về nguồn cung xăng dầu, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho hay, với công suất vận hành hiện nay là 55%, tiến độ giao hàng của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong tháng 2/2022 cũng chưa được bổ sung hoàn toàn và kịp thời theo nhu cầu của thị trường. Do đó, dù tình hình có cải thiện hơn nhưng thị trường xăng dầu vẫn chưa thể hoàn toàn chấm dứt tình trạng có nơi thiếu hàng cục bộ.

Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở các tỉnh phía Nam treo biển hết hàng hoặc bán nhỏ giọt.

“Một nhà máy lọc dầu chiếm 35% thị phần, giảm công suất xuống 55 – 60% thì thị trường thiếu hụt là đương nhiên. Chúng tôi đã làm việc với PVN, chờ đến cuối tháng 3/2022, khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có câu trả lời rõ ràng về kế hoạch vận hành của Nghi Sơn sau thời điểm tháng 5/2022 để có sự chủ động hơn về nguồn, tránh phụ thuộc và trông chờ hoàn toàn vào nhà máy này” – ông Trần Duy Đông nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, việc khôi phục sản xuất của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chỉ được đảm bảo đến tháng 5/2022, nên cần phải có một câu trả lời rõ ràng để có giải pháp tổng thể. Nhà máy này dừng sản xuất hay tiếp tục kế hoạch cung ứng cũng cần phải có thông báo rõ ràng để các DN phân phối có sự chủ động phương án nhập khẩu, tạo nguồn thay thế vì để cận ngày lại trong tình trạng thiếu hàng sẽ tiếp tục gây nên nguy cơ đứt gãy hệ thống.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, thông thường các DN kinh doanh xăng dầu lớn đều có kế hoạch kinh doanh bài bản. Trên cơ sở đánh giá tình hình nhu cầu thị trường và giá cả, các DN này sẽ đàm phán để có giá tốt với những hợp đồng dài hạn, chiếm từ 40 – 50% lượng mua vào. Đối với các hợp đồng mua theo quý sẽ chiếm từ 20 – 30% lượng mua vào, còn lại tỷ lệ nhỏ hơn sẽ mua theo chuyến.

Một số DN kinh doanh xăng dầu cũng bày tỏ lo ngại, nếu nguồn cung bị đứt gãy mà không xác định rõ thời gian thì sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch cung cấp hàng, khi chuyển hướng nhập khẩu sẽ phải chấp nhận mua giá cao và bị ép giá.

Theo khảo sát của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, những đầu mối xăng dầu quy mô lớn hiện vẫn bảo đảm nguồn cung cho đến hết tháng 2/2022, nhưng nếu tình hình không được cải thiện thì nguy cơ thiếu hụt xăng dầu sẽ xảy ra trong tháng 3 tới. Nguồn cung trên thế giới tuy có khó khăn nhưng không đến nỗi khan hiếm, DN vẫn mua được hàng với điều kiện phải chấp nhận giá cao.

Đừng đợi xảy ra sự cố mới vào cuộc

Chia sẻ thông tin về khả năng cung ứng xăng dầu, các DN đầu mối xăng dầu lớn như: Petrolimex, Petro Oil, Saigon Petro và Xăng dầu Quân đội cho biết, nguồn cung đều đáp ứng được nhu cầu thị trường. Những DN lớn này bình thường chiếm khoảng 70% thị phần, còn lại thuộc về các DN tư nhân với quy mô nhỏ. Điều đáng lưu ý là những DN tư nhân nhỏ này rất linh hoạt, nhất là khi giá xăng thế giới tăng cao mà giá bán lẻ trong nước không theo kịp thì họ không nhập hàng về bán vì sợ thua lỗ, nếu có nhập hàng cũng chỉ nhỏ giọt vì lo ngại bị cơ quan chức năng kiểm tra.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: PVN

Trong cuộc họp gần đây, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, không lo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, ngay cả khi nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn ngừng sản xuất, bởi thị trường xăng dầu Việt Nam liên thông với thị trường thế giới và Việt Nam đã từng nhập khẩu gần như toàn bộ nguồn xăng dầu thành phẩm khi chưa có nhà máy lọc hoá dầu trong nước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đó vẫn là nhận định chủ quan từ phía Bộ Công Thương. Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cần phải có giải pháp tổng thể về điều hành thị trường xăng dầu linh hoạt nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho phát triển kinh tế – xã hội và tiêu dùng không chỉ trong năm 2022 mà còn trong dài hạn.

Hiện tại, trong nước có 3 nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn, Bình Sơn và Dung Quất, khi hoạt động ổn định sẽ đáp ứng khoảng 75% nguồn cung xăng dầu nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc đầu tiên trong điều hành để đảm bảo nguồn cung là luôn phải đặt ra các tình huống giả định từ sớm, nếu một trong 3 nhà máy gặp sự cố, thậm chí cả 3 nhà máy đều gặp sự cố thì phương án nguồn cung sẽ ra sao?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên Học viện Tài Chính nêu quan điểm, để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, Bộ Công Thương cần chỉ đạo các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn cung từ nguồn nhập khẩu và dự phòng các phương án khác nhau; đồng thời, khẩn trương xem xét để điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đây là 2 việc quan trong mà Bộ Công Thương cần phải thực hiện hàng năm chứ không phải đến khi các nhà máy lọc dầu gặp sự cố mới vào cuộc chỉ đạo.

Cùng với việc khắc phục khuyết điểm nêu trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng chỉ ra rằng, cần giảm thiểu những hạn chế trong các quy định về giá, thuế, phí trong hoạt động nhập khẩu mặt hàng này. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phải linh hoạt trong công tác điều hành giá xăng dầu trong nước. Trước các tác động giá từ bên ngoài có nguy cơ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất cũng như gia tăng áp lực lạm phát, cần tính tới phương án điều chỉnh giá xăng dầu trong nước thông qua công cụ thuế, phí thu từ xăng dầu.

Việc điều hành giá của liên Bộ Công Thương – Tài chính phải linh hoạt, bám sát diễn biến giá của thị trường thế giới và có quyết sách nhanh hơn để hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và DN. Ngoài ra, DN nên chủ động nguồn hàng, sử dụng các công cụ bảo hiểm giá để ứng phó với những biến động khó lường trong thời gian tới.

PGS. TS Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)