Người trồng hoa Tây Tựu trở lại thu hoạch sau thời gian “điêu đứng” vì dịch

BVR&MT – Cùng với việc TP. Hà Nội bắt đầu thực hiện nới lỏng một số hoạt động xã hội trùng với dịp cận kề Tết Trung thu 2021, những ngày này người nông dân làng hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) cũng tỏ rõ sự vui mừng khi được quay lại sản xuất, hy vọng sớm thoát khỏi cảnh “dở khóc dở cưởi” do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Nỗi “ám ảnh” nhổ bỏ cả ruộng hoa

Kể từ tháng 7/2021 đến nay, việc giãn cách xã hội kéo dài hơn 2 tháng đã khiến người dân Tây Tựu như ngồi trên “đống lửa” vì thua lỗ, vốn liếng bỏ ra quá nhiều trong khi nguồn thu chẳng được bao nhiêu. Giá hoa rẻ như cho, cắt bán thì chẳng bõ công, nhổ bỏ thì lại tiếc công sức chăm non, tiền của đầu tư.

Cánh đồng hoa héo khô, bị bỏ không do không có người chăm sóc.

Theo người dân, vụ hoa vừa rồi chủ yếu phục vụ cho ngày rằm tháng 7 (Lễ Vu Lan) nên bà con đầu tư rất nhiều công sức, thuê nhân công chăm sóc, mong sao một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, khi tới gần thời gian thu hoạch, Hà Nội thông báo giãn cách toàn thành phố khiến nhiều chủ vườn hoa trở tay không kịp, đầu ra không có vì tiểu thương không thể ra, vào được. Việc tiêu thụ trong địa bàn thành phố lại càng khó, không có người mua, buộc phải nhổ bỏ hoa vứt đi, đem đốt. Nhiều chủ vườn hoa mất trắng mùa, người lỗ ít cũng 20-50 triệu, có người mất đến cả vài trăm triệu vì dịch bệnh.

Chia sẻ cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Nguyễn Văn Tịnh, một hộ dân Tây Tựu cho biết: “Gia đình tôi có con trai, con gái đều phải đi thuê ruộng để trồng hoa. Mỗi tháng đã mất 10-20 triệu tiền thuê đất chưa kể tiền giống, chi phí phân bón, thuốc sâu, điện nước, nhân công…, lại nuôi bố mẹ già và con nhỏ. Giờ chỉ thấy đêm đêm ngồi cộng sổ mà bù lỗ. Tôi thương con cái mà giờ cũng chẳng có cách nào để giúp”.

Cánh đồng hoa héo khô, bị bỏ không do không có người chăm sóc.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến người dân trồng hoa và hoa cũng là mặt hàng khó tiêu thụ trong thời điểm dịch bệnh. Khác với các loại nông sản như rau, củ quả còn có thể để ăn, đem bán rẻ may ra vẫn thu hồi được vốn, còn hoa thì chỉ có đem vứt bỏ, cho cũng chả ai lấy. Đó chính là thực trạng chung của nhiều hộ gia đình ở Tây Tựu.

Thời gian này nhiều hộ đã phải kêu cứu do không còn đủ tiền để xoay sở, có người phải đi vay tiền để trang trải qua giai đoạn khó khăn, gắng gượng cho vụ tiếp theo mong sao có thể bù lỗ. Nhiều gia đình phải chuyển đổi canh tác sang trồng rau ngắn ngày để kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch và phần nào vơi đi gánh nặng chi phí mùa dịch.

Người dân mừng rỡ trở lại vườn

Ghi nhận của phóng viên thời điểm cận kề Trung thu, Hà Nội vừa nới lỏng một số hoạt động xã hội đã tạo điều kiện cho người dân phục hồi sản xuất. Làng hoa Tây Tựu trở lại với khung cảnh quen thuộc, người dân tất bật thu hoạch hoa để đem đi tiêu thụ. Có thể thấy, sự vui mừng lộ rõ trên nét mặt của người trồng hoa khi được xuống vườn sau hơn 2 tháng “sống dở chết dở”. Giá hoa bắt đầu “hồi sinh”, thị trường hoa dịp lễ nhộn nhịp hơn hẳn, đây là một tín hiệu đáng mừng cho người dân Tây Tựu.

Cô Tuyết vui mừng trở lại vườn thu hoạch, cắt nốt những luống hoa còn sót lại hy vọng bù lại phần nào chi phí, công sức chăm sóc thời gian qua.

Theo cô Tuyết – một người trồng hoa lâu năm chia sẻ: “Mấy ngày gần đây mới bán được hoa, giá hoa có cao hơn so với thời điểm dịch bệnh chút nhưng vậy cũng vui rồi, mỗi bó khoảng 100 bông có giá 90 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng tùy theo chất lượng hoa. Hoa hồng trồng ngày nào cũng cắt liên tục, giá bán ổn định, trồng nốt vụ này đến tháng 11,12 gia đình cô sẽ thay đổi trồng hoa khác cho những vụ tiếp theo”.

Tại chợ hoa  Tây Tựu, người dân mua bán tấp nập hơn thường ngày. Do vẫn đang trong thời gian giãn cách, người mua vẫn chủ yếu là tiểu thương nhỏ, người dân tại các vùng lân cận. Hoa tại các vườn cắt liên tục với đổ xô ra chợ đầu mối. Dịp lễ Trung Thu cũng là thời điểm để người dân trồng hoa có thể tiêu thụ số lượng lớn các loại hoa, khôi phục lại kinh tế sau khoảng thời gian dài “đóng băng”.

Hoa tại chợ được giá, tiểu thương mua bán tấp nập dịp lễ Trung Thu.

Có thể nói, tất cả các ngành, nghề đều phải chịu sức ép lớn từ dịch bệnh nhưng với tinh thần vượt khó đã được hun đúc trong nhiều giai đoạn lịch sử cho dù gian nan nhất, hy vọng thời gian tới Thủ đô có thể quay trở về trạng thái “bình thường mới”, không còn phải thấy cảnh người nông dân phải lao đao, vứt bỏ công sức, mất trắng tiền của vì dịch bệnh.

Đào Thúy – Hà Linh