Người thầy thuốc mang quân hàm xanh

BVR&MT – Trung tá Nguyễn Đức Tám, Quân y Đồn biên phòng Si Ma Cai, BĐBP tỉnh Lào Cai với 32 năm tuổi quân, 30 năm tuổi nghề, gắn bó với đồng bào các dân tộc nơi vùng cao biên giới tỉnh Lào Cai. Anh cùng đồng đội không chỉ chắc tay súng giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, mà còn là người thầy thuốc quân hàm xanh, người anh em ruột thịt của đồng bào các dân tộc biên giới huyện Si Ma Cai.

Trung tá Nguyễn Đức Tám, Quân y Đồn biên phòng Si Ma Cai, BĐBP tỉnh Lào Cai khám bệnh cho đồng bào.

Trung tá Nguyễn Đức Tám được Ban chỉ huy Đồn biên phòng Si Ma Cai giao phụ trách phòng khám dân quân y kết hợp, được đặt tại thôn Lù Dì Sán, xã Sán Chải, cách đồn Biên phòng gần 20km; đường sá đi lại cách trở, khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Tại đây, các thầy thuốc quân hàm xanh đã phân công nhau đến tận các thôn biên giới khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, gắn kết thêm tình quân – dân nơi biên giới. Quân y của đồn Biên phòng luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân, làm tốt công tác vận động quần chúng. Trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, luôn tận tụy, chu đáo với bệnh nhân như đối với gia đình, người thân của mình.

Quân y Nguyễn Đức Tám cho biết: Đầu năm 2000, khi được điều động về nhận công tác ở đồn Biên phòng Si Ma Cai, anh thường xuyên đi bám nắm địa bàn cùng với các anh em ở đội vận động. Nhận thức của bà con nhân dân ngày đó còn rất hạn chế, các hủ tục mê tín vẫn còn, ốm đau mời thầy mo về cúng. Sau khi tổ công tác của đồn Biên phòng, trong đó có quân y, “3 bám, 4 cùng” với nhân dân, thường xuyên tuyên truyền cho bà con biết về các loại bệnh, dịch bệnh, sau đó cấp phát thuốc và khám, chữa bệnh cho nhiều người khỏi ốm cho nên bà con đã tự giác dần dần. Cho đến nay, nhân dân tại đây đã nâng cao nhận thức, loại bỏ được các hủ tục lậu hậu, cuộc sống của nhân dân dần được nâng cao.

Trung tá Nguyễn Đức Tám, Quân y Đồn biên phòng Si Ma Cai, BĐBP tỉnh Lào Cai.

Trung tá Nguyễn Đức Tám chia sẻ: Ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc nhất cách dây 20 năm tôi vẫn nhớ trong đầu, khi cùng tổ công tác xuống thôn Lù Dì Sán, xã Sán Chải cũng vào mùa rét, mùa đông như này. Anh Thào Seo Hồ cùng một người dân khi lấy củi ở khe vách đá không may trượt chân ngã, rách hết cả gan bàn chân. Lúc đó một số bà con đi lấy củi cùng lấy phân trâu đắp vào vết thương, sau đó lấy lá cây và dây rừng bó lại rồi cõng về tổ công tác biên phòng nằm tại thôn. Tôi là người trực tiếp tham gia xử lý vết thương và cũng tuyên truyền lần sau không thể làm như thế được, làm như thế sẽ bị nhiễm trùng máu, sốt, dẫn đến tử vong. Tôi cũng rửa vết thương cho anh, khâu vết thương bị rách và điều trị kháng sinh. Sau một thời gian vết thương của anh đã khỏi và được cắt chỉ.

Để Trung tá Nguyễn Đức Tám yên tâm công tác nơi biên giới, chị Nguyễn Thị Liễu, là cô giáo mầm non, vợ của anh, đã tình nguyện cùng chồng lên biên giới xây dựng cuộc sống mới tại mảnh đất biên giới Si Ma Cai từ năm 2001 đến nay. Ngôi nhà nhỏ nằm ven thị trấn Si Ma Cai là nơi gia đình anh Tám, chị Liễu cùng 2 con sinh sống. Hiểu và thông cảm cho công việc của chồng, một mình chị ở nhà vun vén việc nhà và chăm sóc con cái, là hậu phương vững chắc để anh yên tâm làm nhiệm vụ. Chị Nguyễn Thị Liễu chia sẻ: Chồng tôi là một quân y của Đồn biên phòng Si Ma Cai, bản thân là người vợ lấy chồng bộ đội thì mình phải tạo điều kiện hết sức để cho anh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mặc dù đơn vị gần nhà nhưng anh cũng ít khi được về thăm gia đình, nhất là trong năm vừa qua dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp anh lại càng ít về hơn, có những lần về nhà được 5 đến 10 phút có điện thoại rồi lại phải đi ngay.

Trung tá Nguyễn Đức Tám tại chốt trực phòng, chống dịch COVID-19.

Với đặc thù của một địa phương còn nghèo, trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, các chính sách an sinh xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương, càng đòi hỏi y đức, tấm lòng của người thầy thuốc, phải tận tâm, tận lực, thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Thấm nhuần tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các chiến sĩ quân y của Đồn biên phòng Si Ma Cai luôn ghi nhớ và làm theo lời Bác dạy: “Lương y phải như từ mẫu”. Công việc khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề.

Với tấm lòng của người chiến sĩ quân y mang trên mình quân hàm xanh, bằng những việc làm cụ thể, các anh luôn được nhân dân yêu mến, tin tưởng. Trong khám và điều trị bệnh cho nhân dân, với cái tâm của người cán bộ quân y, các anh không ngại khó khăn, gian khổ, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, khi nghe tin người dân bị bệnh hoặc những hộ gia đình neo đơn không có phương tiện đến trạm y tế khám, các anh đã trực tiếp đến khám bệnh cho bệnh nhân tại nhà và cấp thuốc miễn phí.

Ðến với mảnh đất biên giới Si Ma Cai, ở nơi đâu chúng tôi cũng nghe được những câu chuyện cảm động về tình quân dân, về sự gắn bó mật thiết của đồng bào các dân tộc nơi biên giới với các chiến sĩ biên phòng. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ và giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, thì việc chăm lo sức khỏe cho đồng bào các dân tộc là một trong những hoạt động được Đồn biên phòng Si Ma Cai ưu tiên nhất. Chính vì vậy, các thầy thuốc quân hàm xanh luôn xác định, người dân khỏe cũng góp phần quan trọng trong việc giúp bộ đội bảo vệ vững chắc dải đất biên cương, bảo vệ đường biên, cột mốc.

Khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân.

Ông Lý Seo Vảng, Phó Bí thư thường trực huyện Si Ma Cai cho biết: Các y, bác sĩ quân y của đồn biên phòng rất nhiệt tình trong việc khám, chữa bệnh cho nhân dân tại khu vực biên giới của huyện Si Ma Cai. Nhân dân rất ủng hộ và ca ngợi lực lượng Biên phòng, trong đó có quân y của Đồn biên phòng Si Ma Cai.

Với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, các chiến sỹ bộ đội biên phòng không những giúp đỡ, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, mà còn là chỗ dựa tin cậy trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Những việc làm cụ thể, ý nghĩa ấy thể hiện tình cảm, sự đoàn kết, gắn bó giữa quân với dân, tạo niềm tin sâu sắc trong lòng đồng bào các dân tộc. Những thầy thuốc mang quân hàm xanh nơi biên giới Si Ma Cai luôn gần gũi với quần chúng nhân dân, khi nhân dân cần các anh luôn có mặt và cứu chữa kịp thời. Bằng trái tim của người thầy thuốc và tinh thần của người lính quân y, các anh tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của những người Bộ đội cụ Hồ mang quân hàm xanh nơi phên dậu Tổ quốc./.