Người Dao đất Văn Yên đưa cây “vàng xanh” xuất ngoại

BVR&MT – Một năm hai vụ, bà con người Dao ở huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) thu hàng trăm triệu nhờ tham gia vào chuỗi sản xuất quế sạch được chứng nhận, giá bán cao gấp 1,5 lần so với bên ngoài, sản phẩm được xuất khẩu sang các nước châu Âu. Câu chuyện “bóc vỏ cây lấy tiền” tưởng như đùa đã biến người dân vùng cao thành những triệu phú làm nông nghiệp xanh.

Làm giàu cùng quế sạch

Những ngày tháng 8, khi ánh nắng vừa kịp ló ra khỏi ngọn núi, bà con ở khắp các thôn, bản của xã Phong Dụ Thượng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) bắt đầu ngày mới với công việc bóc và cạo vỏ quế. Từ dưới thung sâu tới tận đỉnh núi cao, đặt chân tới đâu cũng gặp quế. Cả một vùng rừng núi ngút ngàn màu xanh của thứ cây có mùi hương kỳ lạ. Từ xa, mùi thơm của quế đã lan tỏa khắp các ngả đường. Trên các cánh rừng quế giữa mùa thu hoạch, người vào, người ra tất bật. Năm nay, quế được giá, trung bình giá quế vỏ cao gấp rưỡi so với mọi năm. Dù đã là cuối vụ, nhưng không khí thu hoạch vẫn nhộn nhịp .

Chú thích ảnh
Quế Văn Yên vào vụ thu hoạch. 

Theo chân “triệu phú quế” Đặng Thiều Châu (người dân tộc Dao ở thôn Khe Mạ, xã Phong Dụ Thượng) với con dao chuyên biệt dùng để bóc vỏ quế, cùng một chiếc bao, găng tay, chúng tôi lên rừng “hái tiền” cùng với người dân.

Ông Châu cho biết: “Cây quế cho giá trị kinh tế cao, vì có thể khai thác nhiều lần, có thể bán từ vỏ đến thân, lá. Hiện nay, gia đình còn khoảng 1 ha rừng quế đang cho thu hoạch. Mỗi ngày, trung bình một người có thể bóc được hơn 40 kg vỏ quế. Nhà trồng 9 ha quế, mỗi năm thu hoạch 2 vụ. Năm ngoái, giá bán vỏ quế khô là 40.000 đồng/kg. Năm nay, gia đình tham gia nhóm trồng quế theo quy trình hữu cơ, được một doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm với giá 60.000 đồng/kg, cao gấp rưỡi so với khi bán cho thương lái. Thu nhập từ quế đã giúp gia đình trang trải cuộc sống hàng ngày và nuôi các con ăn học. Năm nay, gia đình tôi lại tiếp tục trồng mới thêm hơn 1 vạn cây quế, vừa để phủ xanh rừng, vừa tăng thu nhập cho gia đình”.

Chú thích ảnh
Trồng quế hữu cơ tốn nhiều công chăm sóc, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 

“Từ khi vận động trồng quế, gia đình trồng được gần chục ha. Khi quế được 6 – 7 năm thì khai thác tỉa dần. Từ đó, kinh tế gia đình cũng khá hơn, sắm sửa được các đồ dùng gia đình, nuôi các con ăn học”, ông Châu phấn khởi nói.

Từ xưa, quế đã là một trong 4 vị thuốc quý. Toàn bộ thân, cành, rễ và lá của cây quế đều có thể chưng cất tinh dầu, làm thuốc, làm gia vị. Ngày nay, quế, bột quế, tinh dầu quế càng được sử dụng nhiều hơn và không chỉ trong dược liệu, mà còn là nguyên liệu mỹ phẩm, gia vị.

Cây quế trưởng thành có thể cho thu hoạch mỗi năm 2 vụ, từ tháng 3 sang tháng 4 và từ tháng 8 tháng 9. Theo kinh nghiệm của đồng bào người Dao, đây là 2 thời kỳ mà quế róc cỏ, thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển và bảo quản.

“Tiền người Dao cất trong cây quế”, ông Châu ví von. Cũng như hầu hết người Dao ở Văn Yên, mỗi khi cần tiền trang trải cuộc sống là lại vào rừng lột vỏ quế mang bán.

Quế là cây trồng không chỉ gắn bó “máu thịt” với bà con huyện Văn Yên (Yên Bái) mà còn là cây có giá trị kinh tế to lớn. Đây là loài cây “vàng xanh”, giúp người dân được no ấm. Cứ đến mùa xuân, cả bản làng lại cùng nhau tạo ra những nương quế mới. Điều đáng chú ý là hiện nay đã có  nhiều hộ dân người Dao tham gia trồng quế chứng nhận hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng như gia đình ông Phú, gia đình chị La Thị Phượng, thôn Làng Trạm, xã Phong Dụ Thượng có 10 ha rừng quế đang được khai thác. Chị Phượng cho biết, ban đầu trồng bằng phương pháp gieo hạt, phải mất 10 năm cây quế mới cho thu hoạch. “Nhà tôi thu hoạch theo kiểu thu tỉa, cứ cây to thì bóc vỏ trước, sau đó chặt cây. Thân gỗ chặt bán với giá 1,2 triệu đồng/m3. Phần gốc còn lại sẽ mọc lên chồi, những cây tái sinh sẽ chỉ 5 năm sau là đã cho thu hoạch. Với 10 ha thu hoạch bóc tỉa, năm nay gia đình thu được 10 tấn vỏ tươi, tương đương 5 tấn vỏ khô, bán được 250 triệu đồng”, chị Phượng chia sẻ.

Không chỉ làm giàu từ vùng rừng của gia đình, chị Phượng còn làm đại lý thu mua quế từ bà con nông dân tại 3 xã Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng và Xuân Tầm, rồi bán lại cho các nhà máy chế biến xuất khẩu quế. Năm nay, cơ sở của chị Phượng thu mua gom 600 tấn vỏ quế khô, trong đó có hơn 200 tấn được cấp chứng nhận quế hữu cơ.

Chú thích ảnh
Phụ nữ Dao cũng tham gia khai thác quế.

“Thủ phủ” quế Văn Yên vốn được hình thành từ lâu đời và gắn liền với cuộc sống của đồng bào người Dao xứ này, chủ yếu thuộc các xã vùng cao như Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Tân Hợp, Viễn Sơn và Đại Sơn… Người Dao nơi đây chịu khó, cần cù, gắn bó với cây quế, nghề quế từ lâu đời. Người Dao truyền cho con cháu bí quyết trồng và khai thác quế. Nơi nào có người Dao thì quế mọc xanh tốt. Quế trồng gối nhau trên đồi, thu hoạch bóc tỉa cây này, đợi cây kia lớn, quanh năm có thu nhập. Do đó, những kinh nghiệm trồng quế đặc trưng như kỹ thuật chọn giống, trồng cây, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Do vậy, kinh nghiệm trồng quế từ kỹ thuật chọn giống, cách trồng, phương pháp chăm sóc, thu hoạch tới bảo quản mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao.

Ông Lò Văn Mạnh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng cho biết: “Ở Phong Dụ Thượng, đồng bào Dao chiếm trên 90%, trước đây hộ thuộc diện khó khăn trên 50%. Đến nay, số hộ khó khăn đã giảm nhiều nhờ trồng quế. Bây giờ, ở Phong Dụ Thượng có 100% số hộ trồng quế, trong đó có gần 90% hộ trồng quế hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước”.

Quế sạch tìm đường xuất ngoại

Cách đây 5 năm, quế hầu như chỉ được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng khi nhận thấy thị trường châu Âu, Mỹ có nhu cầu mua sản phẩm quế lớn, giá mua cao hơn so với Trung Quốc, Công ty Visimex bắt đầu cùng người dân hình thành vùng trồng quế hữu cơ (organic) tại Văn Yên.

Chú thích ảnh
Quế thành phẩm được lựa chọn đúng tiêu chuẩn để xuất khẩu. 

Ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Quản lý chất lượng ISO của Công ty Visimex cho hay, nếu muốn phát triển vào thị trường châu Âu, sản phẩm quế phải sản xuất theo quy trình hữu cơ. Thị trường châu Âu yêu cầu khắt khe sản phẩm, nên phải cấp chứng nhận bởi một bên thứ ba đại diện.

Để đảm bảo yêu cầu nói trên, Visimex đã kết hợp với Dự án Thương mại đa dạng sinh học khu vực Đông Nam Á (Biotrade SECO) do Tổ chức Helvetas (Thụy Sỹ) triển khai đào tạo nông dân, hướng dẫn không sử dụng thuốc hóa học, canh tác thủ công, thu gom sản phẩm bằng xe chuyên dụng, có mã vạch để bảo đảm truy suất nguồn gốc. Khâu chế biến tại nhà máy cũng không được phép sử dụng hóa chất bảo quản. Trong khuôn khổ dự án, đã có hơn 200 hộ dân người Dao ở xã Phong Dụ Thượng tham gia trồng quế chứng nhận hữu cơ.

Chú thích ảnh
Đóng gói thành phẩm từ cây quế.

Được tài trợ bởi Cục hợp tác Kinh tế Thụy Sỹ (SECO), Biotrade SECO góp phần bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc xúc tiến thương mại bền vững các sản phẩm nguyên liệu tự nhiên bằng cách tăng cường sức cạnh tranh cho các nhà sản xuất, nhà xuất khẩu trong nước; đồng thời, mang lại thu nhập và việc làm cho bà con, trên cơ sở các tiêu chí và nguyên tắc hữu cơ Biotrade.

Trồng quế theo quy trình sạch Biotrade, yêu cầu không được bón phân, không được sử dụng thuốc diệt cỏ hay bất cứ hóa chất nào. Cây quế cũng không được tưới nước, mà phải dựa hoàn toàn vào nước mưa. Phải ghi chép nhật ký từng ngày chăm sóc, để làm tài liệu cho cán bộ dự án thực hiện thủ tục xin cấp chứng nhận sản phẩm.

Giờ đây, cây quế ở Văn Yên đã giúp người dân vượt qua đói nghèo, với nhiều hộ gia đình có thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm. Cây quế giúp người dân ở đây có nhà kiên cố, giúp con em đồng bào được học hành đầy đủ. Đặc biệt hơn, cây quế đã trở thành món quà quý của cha mẹ dành dụm cho con khi dựng vợ, gả chồng. Quế được xem như của hồi môn, làm vốn liếng của cha mẹ giúp con cái tạo lập cuộc sống gia đình.

Bà Nguyễn Diệu Chi, chuyên gia của Tổ chức Helvetas cho biết, sau 3 năm triển khai, dự án Biotrade SECO tại Việt Nam đã kết nối chuỗi sản xuất dược liệu sạch được chứng nhận cho nông dân với 11 công ty. Trong đó có 6 công ty đang bán các sản phẩm thương mại sinh học như: Bột quế, tinh dầu quế… sang các thị trường mới trong khu vực và châu Âu.

Chú thích ảnh

Quế thu hoạch được chờ ngày xuất ngoại.

Về thăm vùng đất Văn Yên, đắm mình trong mùi hương ngào ngạt của rừng quế, khách ghé thăm sẽ càng cảm nhận rõ hơn về loại cây đặc sản của huyện miền núi này. Không chỉ là một trong 4 vị thuốc quý được gọi là “tứ bảo đông y”, quế còn là một phần biểu trưng của bản văn hóa người Dao ở vùng đất này. Để gia tăng hơn nữa giá trị sản phẩm quế, có lẽ cần có một kế hoạch dài hơi, sự đầu tư bài bản và sự tham gia của những doanh nghiệp có tiềm lực, để cây quế thực sự trở thành cây “bóc ra tiền”…