Người dân sống ở nông thôn dễ béo phì hơn ở thành phố

BVR&MT – Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature của Anh cho biết tỷ lệ thừa cân và béo phì ở nông thôn trên toàn cầu đang tăng nhanh hơn thành phố.

Ảnh minh họa. (Nguồn: iStock)

Béo phì thường được coi là một “căn bệnh đô thị” vì cư dân thành thị có mức sống tương đối cao và có thể có điều kiện ăn uống tốt hơn so với khu vực nông thôn nên “cơ hội béo phì” dường như cao hơn.

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature của Anh cho biết tỷ lệ thừa cân và béo phì ở nông thôn trên toàn cầu đang tăng nhanh hơn thành phố.

Chỉ số khối cơ thể là một tiêu chuẩn thường được sử dụng để đo độ béo và tình trạng sức khỏe của cơ thể con người.

Chỉ số khối cơ thể của một người tính bằng trọng lượng (kg) chia cho bình phương chiều cao (đo theo mét hoặc cm).

Các nhà nghiên cứu tại Học viện Hoàng gia London đã tổng hợp hơn 2.000 nghiên cứu về chỉ số khối cơ thể trên toàn cầu trong giai đoạn từ năm 1985-2017. Các nghiên cứu này đã khảo sát đến 112 triệu người trưởng thành từ 200 quốc gia.

Kết quả cho thấy từ năm 1985 đến 2017, chỉ số khối cơ thể của cả nam và nữ đều có xu hướng tăng và cân nặng trung bình tăng từ 5 đến 6kg.

Trong số đó, tỷ lệ đóng góp của khu vực nông thôn vào sự tăng trưởng của chỉ số là 55% và ở một số nước thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ này thậm chí lên tới 80%.

Giải đáp cho hiện tượng này, các nhà nghiên cứu đã phân tích rằng sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở thể thao của thành phố đã tạo điều kiện tốt cho cư dân của họ để cải thiện sức khỏe, trong khi điều này vẫn còn thưa thớt ở nông thôn.

Ngoài ra, việc giảm tải hoạt động lao động chân tay của nông dân bằng cơ giới hóa nông nghiệp cũng là lý do cho sự gia tăng béo phì.