Người dân Kon Tum được hưởng lợi từ dự án trồng rừng

BVR&MT – Từ việc triển khai kế hoạch trồng rừng thay thế, hàng chục hộ dân, cộng đồng thôn, làng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có mức thu nhập ổn định từ vài triệu đến 100 triệu đồng/năm.

Sau 8-10 năm, người dân được hưởng lợi từ việc thu nhựa thông 3 lá. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đối với những hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế quanh năm gắn liền với ít diện tích đất rẫy, lúa nước năng suất kém thì với mức thu nhập này thực sự đã cải thiện rất nhiều đời sống của họ. Nhiều hộ còn vươn lên thoát nghèo từ việc trồng rừng này.

Với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/ha/năm của hộ gia đình anh A Hưng (người dân tộc Xê Đăng ở làng Kon Tu Pen, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) từ việc nhận trồng rừng cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô), cuộc sống gia đình anh đã có bước thay đổi nhiều so với trước. Gia đình anh có 4 người, trong khi diện tích đất ít ỏi, cằn cỗi nên quanh năm dù làm lụng vất vả vẫn không đủ ăn. Năm 2014, từ chính sách trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô, gia đình anh nhận trồng 2 ha rừng.

Nhờ chi phí trồng rừng, tiền đầu tư chăm sóc ban đầu phía Công ty cấp phát hết, gia đình anh chỉ bỏ công. Bên cạnh đó, dưới 2 ha gia đình nhận khoán để trồng rừng, thời gian đầu gia đình được trồng thêm mì (sắn). Vì vậy, trên 2ha đất mỗi năm gia đình cũng có thu nhập trên 20 triệu đồng. Đây thực sự là một số tiền lớn đối với những hộ như gia đình anh A Hưng.

“Nhờ nhận đất trồng rừng nên đời sống của gia đình tôi đã thay đổi nhiều lắm. Trước cuộc sống phụ thuộc vào ít diện tích trồng lúa, trồng mì nên đời sống khó khăn lắm, nhiều lúc mất mùa gạo không đủ cho 4 người ăn. Nhận trồng rừng, mình có thêm thu nhập ổn định, có tiền mua gạo, mua đồ ăn cho gia đình. Hai nữa, khi ốm đau, bệnh tật mình có chỗ để ứng tiền chữa trị, chứ trước không biết xoay đâu ra chỉ chờ vào sự cưu mang của dân làng thôi”- anh Hưng chia sẻ.

Dù gia đình đông con (với 10 nhân khẩu), nhưng cuộc sống của gia đình anh A Thông (người dân tộc Xê Đăng ở làng Tu Dốp 1, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô lại chính là hộ “đại gia” nhất của làng từ việc nhận trồng rừng.

Nhìn vào con số thống kê về mức thu nhập của gia đình anh thật làm nhiều người phải ngưỡng mộ. Nhận trồng 30ha rừng cho Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô, 2ha lúa nước, 4ha trồng mỳ cùng với 2-3 ha mỳ trồng xen dưới tán rừng nên mỗi năm gia đình anh có thu nhập từ 100- 120 triệu đồng; trong đó, 80-90 tiền từ trồng rừng. Đây thực sự là mức thu nhập “khủng” đối với một hộ người đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng đất cằn cỗi Đăk Tô này.

“Cuộc sống của gia đình mình bây giờ khá hơn trước rất nhiều, nhà đông con nhưng về kinh tế thì gia đình mình vững nhất vùng này. Nhờ có thu nhập cao từ trồng rừng mà đời sống gia đình cải thiện, con cái được đi học đầy đủ, gia đình mua sắm được nhiều trang thiết bị phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Bây giờ mà có đất, mình cũng sẽ nhận tiếp để trồng thêm, sau này cho con cái được hưởng lợi”- anh Thông chia sẻ.

Không chỉ làm giàu trên chính những diện tích rừng đã và đang trồng, nâng cao đời sống cho gia đình, gia đình anh còn tạo việc làm cố định cho 5-10 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định 150.000 đồng/ngày công.

Có thể thấy, từ việc trồng rừng mà hàng chục hộ dân đã vực dậy được đời sống vốn nghèo khó bấy lâu. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững, diện tích rừng xanh ngày càng được tăng cao. Từ năm 2014 đến nay, Công ty lâm nghiệp Đăk Tô đã phủ xanh đất trống đồi trọc cho gần 1.400 ha với hơn 1000 hộ dân tham gia trồng và chăm sóc bảo vệ rừng.

Từ những chính sách hỗ trợ về chi phí, tiền công mà những diện tích đất lấn chiếm, đất trống đồi trọc đã được phủ xanh. Nhiều hộ dân, cộng đồng làng đã có những mức thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng ở tỉnh Kon Tum.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết, cái được lớn nhất từ dự án chính là tạo được sinh kế lợi nhuận lâu dài cho người tham gia trồng rừng. Bởi loại rừng trồng của Công ty lựa chọn chính là thông 3 lá, sau 8-10 năm cho khai thác nhựa, người dân được hưởng lợi từ việc thu nhựa thông này, Công ty sẽ đứng ra bao tiêu sản phẩm nhựa cho người dân.

Đơn cử như bây giờ 1 ha thấp nhất cũng được 50 triệu từ việc thu nhựa thông. Sau khi hết chu kỳ khai thác nhựa đến chu kỳ khai thác cây gỗ lớn, lúc đó thì 1 ha sẽ cho thu hoạch từ 200- 300 m3 gỗ và với đơn giá như hiện nay thì cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, việc trồng rừng này còn là chỗ dựa để quản lý và bảo vệ các diện tích rừng tự nhiên hiện có. Bởi diện tích rừng trồng này chính là vành đai để bảo vệ rừng tự nhiên rất tốt.