Người dân huyện Hoàng Su Phì thoát nghèo bền vững từ cây chè Shan

BVR&MT – Theo thống kê của ngành chức năng, trong vụ Xuân 2018 vừa qua, tổng số chè búp tươi đã được các doanh nghiệp và các cơ sở chế biến chè trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) thu mua đạt khoảng 6.300 tấn. Với giá bán bình quân từ 7.000 đến 9.000 đồng/kg chè búp tươi thì mỗi hộ gia đình trồng chè đã có nguồn thu từ 35 – 40 triệu đồng/vụ.

Người dân xã Nậm Ty huyện Hoàng Su Phì thu hái chè Shan.

Theo số liệu của ngành chức năng, cho đến thời điểm cuối tháng 3.2018, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã có khoảng 220 cơ sở thu mua và chế biến chè và có 4.210 hộ có nguồn thu nhập khá từ cây chè Shan tuyết. Tổng diện tích chè Shan đang cho thu hoạch tính đến cuối năm 2017 của huyện Hoàng Su Phì vào khoảng 3.750 ha, tương đương mỗi hộ có khoảng 1,2 ha chè.

Qua đánh giá của phòng ban chức năng huyện Hoàng Su Phì, người dân tại các xã trong vùng trồng chè có nguồn thu nhập lớn hơn nhiều so với người dân ở các xã khác trên địa bàn của huyện, nhất là đối với các cơ sở thu mua và chế biến chè Shan. Anh Trần Quang Hạnh, chủ cơ sở thu mua và chế biến chè ở xã Nậm Ty (huyện Hoàng Su Phì) cho biết: Trong vụ Xuân 2018 vừa qua, cơ sở của anh đã chế biến được trên 13,5 tấn chè thành phẩm. Theo giá thị trường hiện nay, với giá bán bình quân từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg và mỗi ngày gia đình bán ra khoảng 100 kg cho khách thập phương thì nguồn thu bình quân mỗi ngày của gia đình đạt khoảng 8 đến 10 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư. Cũng theo anh Hạnh, trong những năm gần đây, sản phẩm chè Shan tại cơ sở của mình được anh cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định…

Cá biệt có một số hộ thu nhập trên 65 triệu đồng trong vụ Xuân vừa qua từ cây chè Shan. Đây quả là số tiền không nhỏ đối với người dân ở một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn như Hoàng Su Phì của Hà Giang (hiện Hoàng Su Phì là một trong 6 huyện nghèo của Hà Giang được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ).

Ngoài cơ sở thu mua và chế biến chè của gia đình anh Hạnh, trên địa bàn các xã trồng chè Shan tuyết của huyện Hoàng Su Phì còn khá nhiều hộ gia đình trồng, thu mua và chế biến chè có nguồn thu nhập khi vào vụ, bình quân đạt từ 14 – 15 triệu đồng mỗi tháng…Tuy nguồn thu nhập chưa đến mức giầu có, nhưng cây chè Shan đã là tiền đề để các hộ trồng, thu mua và chế biến chè trên địa bàn của huyện Hoàng Su Phì có nguồn thu nhập cao, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo và từng bước làm giầu từ cây chè Shan..

Theo nhận xét của lãnh đạo UBND huyện Hoàng Su Phì: Đời sống của đồng bào các xã trong vùng trồng chè khá hơn hẳn các vùng khác trong huyện. Vì vậy có thể khẳng định, cây chè Shan đã giúp người dân của huyện Hoàng Su Phì thoát nghèo bền vững và từng bước vươn lên làm giàu. Từ thực tiễn đó, Đảng bộ của huyện đã xác định: Tập trung phát triển cây chè Shan thành vùng chuyên canh lớn đi đôi với đầu tư các tiến bộ KHKT trong thâm canh và công nghệ trong quá trình chế  biến nhằm tạo ra sản phẩm chè Shan có giá trị kinh tế cao trên thị trường để từng bước xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giầu cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn của huyện.

Văn Phú