Người dân địa phương là chìa khóa để bảo tồn voi Sumatra

BVR&MT – Năm 2011, IUCN đưa voi Sumatra (Elephants maximus sumatranus) vào danh sách loài cực kỳ nguy cấp. Trong hai thập kỷ qua, quần thể loài đã giảm khoảng 35%, từ khoảng 2.652 xuống còn 1.724 cá thể – theo thông tin từ WWF Indonesia.

Có hai nguyên nhân chính đẩy voi Sumatra đến bờ vực tuyệt chủng: Thứ nhất, do sinh cảnh bị thu hẹp, rừng bị chuyển đổi thành các khu dân cư, sản xuất nông nghiệp và đồn điền, do đó, thường dẫn đến những cái chết liên quan đến xung đột và chia cắt quần thể voi. Thứ hai, voi Sumatra vẫn là mục tiêu săn trộm để lấy ngà.

Để giải quyết những mối đe dọa trên và đảm bảo bảo tồn lâu dài loài cực kỳ nguy cấp này, cần thực hiện những hành động tiềm năng, khẩn cấp và hiệu quả nào?

Tiền đề cơ bản là cung cấp sinh cảnh khả thi và được bảo vệ, có đủ tài nguyên để chứa quần thể vì voi Sumatra chủ yếu sống trong các khu rừng ẩm ướt và đồi núi cao dưới 300 mét. Tuy nhiên, Sumatra đã mất gần 70% diện tích rừng ẩm ướt do địa hình cũng rất lý tưởng cho canh tác hoa màu.

Voi Sumatra cùng quản tượng đi tuần tra bên trong VQG Way Kambas. (Ảnh: Roderick T.J. Buiskool).

Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào bảo tồn voi Sumatra là rất quan trọng. Dù có các khu bảo tồn, thực tế là cứ voi Sumatra ở gần các khu định cư của con người thì sẽ có khả năng xảy ra xung đột giữa người và voi (HEC), đặc biệt là do phá hoại mùa màng. Nguyên nhân là ngay cả khi có sinh cảnh khả thi, voi Sumatra vẫn sẽ mạo hiểm ra khỏi các khu bảo tồn để kiếm thức ăn là cây trồng vì sắn và ngô trồng dọc theo bìa rừng là nguồn thực phẩm dễ kiếm và thường có giàu dinh dưỡng.

Thực hiện giảm thiểu HEC xung quanh VQG Way Kambas

Một trong những điểm nóng về HEC ở Indonesia là quanh VQG Way Kambas (WKNP) ở tỉnh Lampung, miền nam Sumatra. WKNP bao gồm 1.300 km2 rừng đầm lầy nước ngọt (không than bùn) và rừng ẩm thấp. Nơi này có 50 loài động vật có vú, trong đó gồm nhiều loài cực kỳ nguy cấp như tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis), hổ Sumatra (Panthera tigris sumatrae), heo vòi Mã Lai (Tapirus indicus) và voi Sumatra. WKNP từ lâu được coi là khu vực ưu tiên cao để bảo tồn voi và theo một cuộc khảo sát năm 2005, quần thể voi Sumatra trong VQG ước tính chỉ còn tổng cộng 180 cá thể.

Các cộng đồng địa phương sống gần sinh cảnh của voi có xu hướng chịu gánh nặng từ HEC vì thường xuyên xảy ra ở những khu vực ranh giới giữa VQG và đất nông nghiệp. Xung đột như vậy có thể thiệt hại hoa màu, hư hại nhà cửa và các tài sản khác. Theo một nghiên cứu năm 1999, tình trạng phá hoại hoa màu ở Way Kambas diễn ra quanh năm khiến nông dân ở những ngôi làng này chịu áp lực thường xuyên, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế cộng đồng.

Những thách thức từ HEC gây tác động tới bảo tồn vì thường gây ra phản ứng dữ dội từ cộng đồng, có khả năng dẫn đến việc giết hại những cá thể voi. Hiện tại, một số biện pháp giảm thiểu HEC quanh VQG tập trung vào chia tách vật lý hoặc giảm thiểu vấn đề bằng cách thuần hóa, chuyển chỗ, loại bỏ những cá thể voi có vấn đề và/hoặc bồi thường cho nông dân.

Để giải quyết hiệu quả những thách thức này trong dài hạn, các cộng đồng địa phương quanh WKNP phải được đặt ở trung tâm của các nỗ lực bảo tồn và được coi là chìa khóa để giảm thiểu HEC. Bất kỳ chiến lược giảm thiểu nào được thực hiện đều cần có sự tham gia của họ với sự hỗ trợ của chính phủ, cụ thể là thông qua Cơ quan Bảo tồn Tài nguyên Thiên nhiên (BKSDA), cảnh sát lâm nghiệp và các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn.

Cần hỗ trợ liên tục

Thông thường, các câu hỏi liên quan đến chiến lược giảm nhẹ HEC tập trung vào các “công cụ” như hàng rào điện, hào và canh gác hoa màu. Những chiến lược có thể do chính phủ phối hợp với các tổ chức NGO về bảo tồn thực hiện nhưng để đảm bảo thành công thì cần tập trung vào cách các công cụ được duy trì và thực hiện trong dài hạn. Do đó, điều quan trọng là các cơ quan chính phủ và/hoặc các tổ chức NGO hỗ trợ liên tục cho cộng đồng địa phương cả về kỹ thuật và tài chính cũng như giám sát việc thực hiện.

Hơn hết, việc lựa chọn các chiến lược và công cụ giảm thiểu đúng đắn phải phù hợp với bối cảnh địa phương, có tính đến các yếu tố địa lý, nguồn lực, khả năng tiếp cận, quy mô khu vực, văn hóa và kiến thức của cộng đồng địa phương. Nhưng bất kỳ chiến lược nào được lựa chọn cũng sẽ thất bại nếu không tính tới việc các thành viên cộng đồng địa phương có thể tham gia với tư cách là những tác nhân chính để thực hiện liên tục và duy trì chiến lược giảm thiểu HEC đã chọn.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, việc giảm thiểu HEC chủ yếu được coi là trách nhiệm của chính phủ và các tổ chức NGO về bảo tồn nên kết quả vẫn là chưa tối ưu.

Chỉ khi sinh cảnh của voi khả thi và cả sự tham gia của cộng đồng đều được đảm bảo thì cuộc sống của người dân địa phương cũng như việc bảo tồn voi Sumatra mới được đảm bảo.

Thế Anh (Theo Mongabay)