Người dân 15 tỉnh miền núi phía Bắc hưởng lợi từ vốn tài trợ của ADB

BVR&MT – 108 Triệu USD từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) thông qua dự án Phát triển cơ sở hạ tầng bền vững khu vực Miền Núi Phía Bắc đã mang lại hiệu quả thiết thực, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân 15 tỉnh thuộc vùng dự án.|

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh Miền núi Phía Bắc.

Trong những năm vừa qua, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực hiện quả cho Việt Nam, bao gồm các dự án nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên, các dịch vụ đô thị và quản lý khu vực công đến các dự án cơ sở hạ tầng lớn, như giao thông đường bộ và năng lượng. Các chiến lược và chương trình của ADB tại Việt Nam đều được gắn kết chặt chẽ với các chương trình phát triển của Chính phủ và đặc biệt quan tâm đến tăng trưởng đồng đều, hỗ trợ nâng cao chất lượng sống cho người nghèo tại Việt Nam.

Đặc biệt, để hướng đến mục tiêu trước mắt là xây dựng, cải tạo và nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn cho 15 tỉnh miền núi phía Bắc; xây dựng và nâng cao năng lực quản lý cơ sở hạ tầng cấp cộng đồng để từng bước cải thiện điều kiện sống của người dân nghèo miền núi; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam triển khai Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc. Dự án được thực hiện trong 6 năm (2011- 2016) với tổng mức đầu tư là 138 triệu USD. Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ 108 triệu USD, Chính phủ Việt Nam đóng góp 30 triệu USD vốn đối ứng.

Tuyến đường giao thông nông thôn – Xã Minh Hương – huyện Hàm Yên – Tỉnh Tuyên Quang.

Ông Lê Văn Hiến – Trưởng ban quản lý trung ương các dự án nông nghiệp, cho biết: “Trước và trong quá trình các tiểu dự án triển khai công tác thi công, BQLDA TƯ đã Tổ chức các lớp đào tạo và tập huấn cho các tỉnh về công tác quản lý chất lượng công trình, công tác tư vấn giám sát, công tác nghiệm thu kiểm định chất lượng công trình, công tác thanh quyết toán, công tác duy tu bảo dưỡng công trình … cho 15 tỉnh thuộc dự án. Cùng với đó, Ban quản lý dự án trung ương đã tổ chức thường xuyên các đoàn công tác theo dõi, hướng dẫn, giám sát Ban quản lý dự án các tỉnh trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng các tiểu dự án….”

Trạm bơm Ngọ Khổng 1 – huyện Hiệp Hòa – Tỉnh Bắc Giang.

Sau 6 năm triển khai, dự án dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã được xây dựng, cải tạo và nâng cấp… đã làm thay đổi diện mạo một số địa phương nằm trong vùng dự án, từng bước cải thiện mức sống và điều kiện sống người dân.

Tính đến tháng 3/2017, đã có 42/55 tiểu dự án đã kết thúc công tác xây lắp, trong đó 26 tiểu dự án đã bàn giao đưa vào sử dụng, 16 tiểu dự án đã kết thúc công tác xây lắp đang hoàn thiện thủ tục bàn giao. 13 tiểu dự án đang thi công đến ngày 30/6/2017.

Chị Lường Thị Hường – xã Văn hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

“Từ khi tuyến đường đi qua xã được xây dựng, tôi thấy đi lại vô cùng thuận tiện. Nhân dân không còn vướng mắc gì nữa, nhân dân đi lại sạch sẽ, không còn bùn lầy như trước kia. Nhân dân xã Văn Hán xin cảm ơn nhà nước đã mở ra tuyến đường này. Ngoài ra khi chợ được xây xong thì chúng tôi đi lại thuận tiện hơn, không bị bùn lầy.”

Anh Dương Đình Sửu – xã La Bằng – huyện Đồng Hỷ – tỉnh Thái Nguyên

“Khi có nước sạch về chúng tôi đều phấn khởi bởi vì nó an toàn. Thực ra, theo tôi, không gì bằng nước sạch. Tôi cùng bà con từng ngày từng giờ mong được lắp đặt hệ thống để sử dụng nước sạch cho an toàn. Bây giờ thì bà con mừng và phấn khởi lắm”