Người áp tải hàng hóa nguy hiểm phải có giấy chứng nhận tập huấn

BVR&MT – Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.

Ảnh minh họa.

Dự thảo Thông tư quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói, phải có người áp tải trong quá trình vận chuyển; nội dung, thời gian tập huấn, tiêu chuẩn cán bộ tập huấn cho người điều khiển phương tiện; người thủ kho, người áp tải, người xếp, dỡ hàng hóa khi tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
Dự thảo nêu rõ, người thuê vận tải, người vận tải hàng hóa nguy hiểm quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn cho người điều khiển phương tiện, người thủ kho, người áp tải, người xếp, dỡ hàng hóa theo quy định và kiểm tra, đánh giá kết quả, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại Khoản 5 Điều 28 và Khoản 10 Điều 29 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP.

Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm có giá trị 2 năm và phải bảo đảm các thông tin sau: Tên cơ quan, tổ chức cấp; họ tên/ngày tháng năm sinh, chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu người được cấp, nghề nghiệp/vị trí làm việc của người được cấp; thời hạn sử dụng.

Người điều khiển phương tiện, người thủ kho, người áp tải, người xếp, dỡ hàng hóa có trách nhiệm tham gia tập huấn đủ thời gian và các nội dung. Kết thúc tập huấn, những người này phải tham gia kiểm tra, đánh giá kết quả tập huấn do người thuê vận tải, người vận tải hàng hóa nguy hiểm tổ chức.

Nội dung tập huấn

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ nội dung tập huấn đối với người điều khiển phương tiện là các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô; quy định pháp luật về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trên đường thủy nội địa; mẫu nhãn, biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm trên bao bì, thùng chứa hàng hóa nguy hiểm; yêu cầu đối với phương tiện vận chuyển, bao bì, thùng chứa hàng hóa nguy hiểm; các loại hàng hóa nguy hiểm được phép vận chuyển chung.

Dự thảo cũng bao gồm phương án tổ chức vận chuyển hàng hoá nguy hiểm, biện pháp ứng cứu khẩn cấp khi có sự cố cháy, nổ; phương án ứng phó sự cố tràn dầu (áp dụng đối với trường hợp vận tải xăng dầu trên đường thủy nội địa); sử dụng các phương tiện, thiết bị xử lý sự cố cháy, nổ, rò rỉ, phát tán hàng hóa nguy hiểm trong quá trình vận chuyển được trang bị cho phương tiện vận chuyển.

Nội dung tập huấn đối với người thủ kho, người áp tải, người xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm là tính chất nguy hiểm, mẫu nhãn, biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm trên bao bì, thùng chứa hàng hóa nguy hiểm cần áp tải, bốc, xếp, dỡ, lưu kho, bãi; yêu cầu an toàn trong xếp, dỡ, lưu kho bãi hàng hóa nguy hiểm; quy định về sắp xếp, bảo quản hàng hóa nguy hiểm trong phạm vi kho và trên phương tiện; các biện pháp, quy trình cần thực hiện khi xảy ra tai nạn, sự cố trong quá trình xếp, dỡ, lưu kho bãi hàng hóa nguy hiểm; sử dụng các phương tiện xử lý sự cố cháy, nổ, rò rỉ, phát tán hàng hóa nguy hiểm.